Ngày 13-8, tại TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức hội nghị triển khai Luật Thủy sản 2017, đồng thời bàn biện pháp khắc phục "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác trái phép, không rõ nguồn gốc, không khai báo (IUU) đối với các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ từ Quảng Nam đến Bình Thuận.
Báo cáo tại hội nghị, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết thời gian qua, địa phương đã tập trung xây dựng lực lượng kiểm ngư, quản lý khai thác thủy sản và tàu cá, phát triển nuôi trồng thủy sản và quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Địa phương cũng đã triển khai nhiều biện pháp nhằm cụ thể hóa Chỉ thị 45/2017 của Thủ tướng. Nhờ vậy, số tàu thuyền vi phạm lãnh hải nước ngoài đến thời điểm này chỉ có 13 tàu cá với 107 ngư dân, giảm 4 tàu và 13 ngư dân so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, quá trình thực hiện theo quy định IUU gặp rất nhiều khó khăn.
"Hiện lực lượng và thiết bị phục vụ công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát tàu cá còn thiếu, trong khi số lượng tàu cá cập - xuất bến nhiều nên khó có thể kiểm tra hết được. Số lượng tàu cá bị trễ hạn đăng kiểm lớn dẫn tới không kiểm tra, kiểm soát và cấp giấy xác nhận cho tàu cá xuất - nhập bến. Hơn nữa, ngư dân vẫn chưa quen với việc ghi chép nhật ký hành trình khai thác thủy sản cũng như quy định khai báo tàu cá xuất, nhập bến trước 1 giờ. Việc thu hồi thiết bị Movimar (hệ thống quan sát tàu cá, ngư trường, nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh - PV) đã hỗ trợ lắp đặt trên tàu cá của ngư dân và nâng cấp các trạm bờ, thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT cũng gặp nhiều khó khăn" - ông Hổ nói.
Tình trạng ngư dân vi phạm lãnh hải nước ngoài đã giảm nhiều trong thời gian qua
Trước tình trạng ngư dân địa phương vi phạm lãnh hải nước ngoài vẫn còn diễn ra, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã nhận khuyết điểm trước Bộ trưởng Bộ NN-PTNT và cam kết sẽ chỉ đạo quyết liệt. Theo đó, từ nay đến cuối năm, nếu địa phương nào còn để ngư dân vi phạm lãnh hải nước ngoài, chủ tịch UBND huyện và chủ tịch UBND xã sẽ bị kỷ luật.
Đại diện các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Quảng Nam cũng cho biết đã triển khai nhiều biện pháp về một số nhiệm vụ, giải pháp thực hiện quy định IUU nhằm gỡ "thẻ vàng" cho thủy sản Việt Nam và kiến nghị trung ương hỗ trợ kinh phí để nâng cấp các thiết bị giám sát hành trình tàu cá; có cơ chế xây dựng lực lượng chuyên trách thực hiện quy định IUU; không thu hồi thiết bị Movimar đã hỗ trợ lắp đặt trên tàu cá của ngư dân.
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, tất cả 28 tỉnh, thành ven biển trong cả nước cần phải đẩy nhanh chương trình hành động triển khai Luật Thủy sản và khắc phục "thẻ vàng" cho thủy sản Việt Nam. Đây là đòi hỏi của cả nền kinh tế và người dân. Các điều khoản, quy định trong luật phải được thực hiện ngay.
Bên cạnh đó, ông Cường cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành ven biển phải quyết liệt hơn, buộc ngư dân thực hiện ngay các vấn đề về hoàn chỉnh trang thiết bị định vị tầm xa trên tàu cá; rà soát thật kỹ việc thực hiện chuỗi sản xuất cá ngừ đại dương; thành lập các nghiệp đoàn nghề cá đánh bắt đúng quy chuẩn, không vi phạm vùng biển nước khác… Các nghiệp đoàn nghề cá cũng là những tổ chức tự bảo vệ nhau khi hành nghề trên vùng biển xa.
Thí điểm ở 3 tỉnh
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, việc thực hiện Luật Thủy sản năm 2017, Chỉ thị 45/2017 của Thủ tướng là nhiệm vụ mang tính chiến lược để phát triển kinh tế biển bền vững, có trách nhiệm. Bộ NN-PTNT đã chọn Bình Định, Kiên Giang, Quảng Ninh để làm điểm thực hiện, làm cơ sở xây dựng chương trình hành động cho 25 tỉnh, thành ven biển còn lại.
Bình luận (0)