Hơn 10 giờ sáng 10-5, năm đội QLTT của Chi cục QLTT TP HCM đồng loạt ra quân tiến hành kiểm tra cùng lúc 20 sạp kinh doanh mắt kính, đồng hồ, túi xách, bốp ví, bút… tại chợ Bến Thành (quận 1, TP HCM).
Lực lượng QLTT TP HCM ra quân kiểm tra các hộ kinh doanh tại chợ Bến Thành
Với số lượng quá lớn nên công việc phân loại, kiểm đếm tốn nhiều thời gian, phải đến tối cùng ngày mới có khả năng công bố số lượng cụ thể nhưng theo ước tính từ cơ quan chức năng, các mặt hàng vi phạm tại đây lên đến cả chục ngàn đơn vị sản phẩm.
QLTT đang kiểm tra mặt hàng mắt kính tại chợ Bến Thành
Những mặt hàng trên giả các nhãn hiệu nổi tiếng như Rolex, Franck Muller, Patek Philippe, Piaget, Montblanc, Chanel, Nike, Longines, Gap, Levi’s, The North Face, Versace, Hermes, Valentino, Adidas, Dior, Omega, Rado, Piaget, Tissot, Burberry...
Kiểm tra mặt hàng mắt kính
Ông Trần Hùng, Cục phó Cục QLTT có mặt tại chợ Bến Thành
Có mặt tại chợ Bến Thành, ông Trần Hùng, Cục phó Cục QLTT, cho biết chợ này quy mô lớn, lâu đời, thu hút rất nhiều khách du lịch nước ngoài đến mua sắm. Tuy nhiên, phần lớn lượng hàng hóa bày bán tại sạp đều là hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, hàng giả các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới, ảnh hưởng đến uy tín dịch vụ du lịch của TP HCM. "Hàng giả bày bán ở chợ trong nhiều năm qua là không thể chấp nhận được. Cần phải kiểm tra, kiểm soát triệt để cũng như quy trách nhiệm rõ ràng. Không thể để tình trạng cơ quan chức năng kiểm tra xong đâu lại vào đấy, hàng giả vẫn tiếp tục bày bán. Vai trò, trách nhiệm của ban quản lý chợ ở đâu, cần phải làm rõ" – ông Hùng chỉ đạo quyết liệt.
Ông Trần Hùng bức xúc vào tận Ban quản lý chợ Bến Thành để chất vấn về tình trạng hàng giả ở đây
Một quầy ngay cửa Ban quản lý chợ Bến Thành do nhanh tay chùm kín tủ nên "thoát" được sự kiểm tra của cơ quan chức năng
Ông Nguyễn Văn Bách, Chi cục phó Chi cục QLTT TP HCM, cho biết hàng gian, hàng giả không chỉ có nhiều ở chợ Bến Thành mà còn bán ở các chợ, trung tâm thương mại khác trên địa bàn. Do đó, chi cục thường xuyên kiểm tra, xử lý, hầu như tuần nào cũng phát hiện vài ba vụ kinh doanh, chứa trữ hàng giả trên địa bàn. Tuy nhiên, do mức xử phạt đối với hành vi kinh doanh, chứa trữ hàng giả hiện nay vẫn còn thấp, chưa đủ sức răn đe nên tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Các tiểu thương tại chợ thừa nhận việc kinh doanh hàng thật thì giá quá cao, gấp vài chục lần, cho đến cả trăm lần so với hàng giả nên khách không mua. Nếu không bán hàng giả, nhái thì họ không biết kinh doanh mặt hàng gì. Các tiểu thương cho biết hàng giả vi phạm tại mỗi sạp trị giá ít nhất cũng khoảng một trăm triệu đồng, nếu bị tịch thu nhưng được kinh doanh tiếp thì vài tháng sau là có thể "gỡ" vốn.
Bình luận (0)