Ông Phan Tư Nhuận, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Sông Xanh - một trong những đơn vị tiên phong cung cấp rau quả cỡ nhỏ (thường gọi rau baby) vào siêu thị - cho biết do gia nhập trễ, khi thị trường đã có rau mầm và rau lớn nên công ty ông chọn phân khúc ở giữa. Hiện nay, công ty có trên 10 chủng loại rau baby đạt chuẩn VietGAP như: rau muống, rau dền, mồng tơi, cải phụng, cải bẹ… Do rau non, dễ dập nên khó vận chuyển xa, công ty chủ yếu đặt hàng nông dân ngoại thành TP HCM sản xuất.
Một số loại rau baby được bày bán ở hệ thống siêu thị Co.opmart
Rau baby không chỉ có mặt ở kênh phân phối hiện đại mà đã xuất hiện tại một số chợ lẻ với giá bán 20.000-30.000 đồng/kg, cao hơn rau thường khoảng 30% nhưng vẫn được người tiêu dùng chuộng vì rau non, mềm, đỡ công nhặt bỏ gốc. Tại siêu thị, một hộp rau baby 300 g các loại đồng giá 15.000 đồng/kg và bán khá chạy.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Sản xuất Thương mại Dịch vụ Phước Bình (huyện Bình Chánh, TP HCM), nông dân trồng rau baby đạt hiệu quả kinh tế gấp đôi so với rau thường. "Trước đây, cán bộ ngành bảo vệ thực vật đã khuyến cáo nông dân thu hoạch sớm để tránh bị sâu hại tấn công, khỏi xịt thuốc bảo vệ thực vật như một giải pháp để bảo đảm an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, nông dân ngần ngại do thu hoạch sớm thì rau nhẹ ký, sản lượng thấp, bán được ít tiền. Gần đây, thị trường đã chấp nhận dòng sản phẩm này với giá cao. Tại HTX, riêng rau muống baby bán được trên 1 tấn mỗi ngày cho hệ thống phân phối đóng gói hàng nhãn riêng. HTX cũng nhận được thêm đơn đặt hàng rau baby mồng tơi, cải ngọt, cải xanh... của một số nhà hàng lớn, cho thấy nhu cầu cao của thị trường" - ông Tùng nói.
Ông Tùng dẫn chứng trường hợp rau muống hạt, để đạt kích thước thông thường (30-40 cm), nông dân phải mất gần 30 ngày. Từ ngày 15 đến 20, rau hay bị bệnh phấn trắng, phải xịt thuốc (dòng sinh học cách ly 3 ngày trước khi thu hoạch). Trong khi đó, rau baby thu hoạch từ ngày 10 đến 12, kích cỡ đạt 18-20 cm, né được thời gian bị bệnh, không tốn tiền mua thuốc trị, gieo được 2 vụ/tháng, giá bán cao. Nhờ đó, HTX cung cấp rau baby cũng yên tâm về chỉ tiêu thuốc bảo vệ thực vật. Bởi lẽ, khi thu mua rau quả, các siêu thị kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật rất gắt gao, chỉ cần phát hiện 1 mẫu vi phạm sẽ bắt đền hợp đồng, ngưng lấy mặt hàng đó 1 năm nên các nhà cung cấp đều phải chủ động kiểm soát để không bị mất mối.
Bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM, cho rằng việc sản xuất, tiêu dùng rau baby là một xu hướng tốt về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm. Rau ít có nguy cơ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật do quá trình canh tác không sử dụng thuốc để trị bệnh vì chưa bị sâu hại tấn công. Tuy nhiên, vì rau ngắn ngày nên người trồng cần lưu ý bảo đảm thời gian cách ly nếu có bón phân và không được phun thuốc theo dạng phòng ngừa. Sau khi thu hoạch, không nên lưu gốc để tránh bệnh cho mùa sau.
Nhà vườn trộn rau lép, rau còi
Ngoài rau baby do thu hoạch sớm, một số nhà vườn còn gom rau lép, rau còi trong luống rau thường (nhiều nhất là dền) để bán. Loại rau này có mối nguy về thuốc tương tự rau thông thường. Một số vườn không phun thuốc nhưng có thể bị lây nhiễm từ vườn bên cạnh nếu không có biện pháp cách ly.
Do đó, người tiêu dùng nên chọn mua rau ở những điểm bán uy tín, có hệ thống kiểm soát đầy đủ các mối nguy về kim loại nặng, vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất chống nấm mốc... để bảo đảm sản phẩm an toàn.
Bình luận (0)