Chiều 18-12, tại tỉnh Đồng Tháp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Diễn đàn Phát triển thị trường cho ngành rau củ quả và giải pháp phát triển hệ thống logistics phục vụ nông nghiệp - nông thôn do Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ phối hợp với UBND tỉnh này tổ chức.
Tiềm năng lớn, thị trường mở
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết ngành rau củ quả đang có tiềm năng rất lớn. Năm 2017, lần đầu tiên ngành này đạt mức tăng trưởng 45% so với năm 2016, kim ngạch xuất khẩu 3,4-3,5 tỉ USD, lớn hơn nhiều tổng kim ngạch xuất khẩu gạo dù diện tích trồng chỉ bằng 40%. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam chỉ bằng 1% thị phần rau quả thế giới. Nguyên nhân là do lĩnh vực này vẫn còn nhiều bất cập, trong đó 2 khâu yếu là chế biến và tổ chức thị trường.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ đại biểu tại Diễn đàn Phát triển thị trường cho ngành rau củ quả và giải pháp phát triển hệ thống logistics phục vụ nông nghiệp - nông thôn Ảnh: LÊ HỒNG HẢI
Ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ, nhìn nhận xu hướng tiêu dùng sản phẩm an toàn, thân thiện với sức khỏe và nhu cầu tiêu thụ rau củ tăng trên thế giới là những tín hiệu tốt cho xuất nhập khẩu rau củ quả Việt Nam. Dự báo, 5 năm nữa, nếu theo đà phát triển này thì ngành rau củ quả sẽ vượt ngành thủy hải sản.
Theo ông Thành, tỉnh Đồng Tháp có nhiều điều kiện để phát triển ngành sản xuất rau củ quả và hoa. "Để khai thác tốt những lợi thế này, Đồng Tháp nên giảm 1/4 diện tích trồng lúa, tăng diện trồng cây ăn trái lên gấp 3 lần hiện tại, tương đương 68.910 ha và gấp 5 lần diện tích trồng hoa kiểng - khoảng 3.000 ha. Là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp nhưng giá trị gia tăng chưa cao do thiếu chế biến sâu, do đó Đồng Tháp cần ưu tiên kêu gọi đầu tư vào chế biến sâu" - ông Lê Thành gợi ý.
Tại hội nghị, các đối tác mua hàng hoặc đang hợp tác đầu tư tại Việt Nam đến từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… cùng thừa nhận thị trường nước họ luôn sẵn sàng mở cửa cho nông sản Việt Nam và mong muốn mở rộng hợp tác.
Chi phí cao làm giảm sức cạnh tranh
Mặc dù có nhiều lợi thế nhưng theo các chuyên gia, xuất khẩu nông sản Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tiềm năng do kém cạnh tranh. Một trong những nguyên nhân kéo giảm sức cạnh tranh là do chi phí logistics quá cao. Cụ thể, tỉ trọng chi phí logistics trên GDP ở Việt Nam là 20,8%, trong khi ở Trung Quốc 15,4%, Thái Lan 10,7%, trung bình khu vực châu Á - Thái Bình Dương 13,5%, châu Âu 9,2%, Bắc Mỹ 8,6% và mức trung bình của thế giới là 11,7%.
Ông Richard Courey, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Vision Transportation Group - VTG, cho rằng chi phí vận chuyển ở Việt Nam chiếm đến 25% giá thành sản phẩm, trong khi các nước phát triển chỉ 7%-15%. Do đó, muốn đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, Việt Nam cần phát triển hạ tầng và logistics. Nông nghiệp lệ thuộc nhiều vào mạng lưới logistics. Do công suất cảng bị hạn chế, 80% hàng hóa xuất khẩu từ ĐBSCL phải qua những cảng nước sâu ở TP HCM hoặc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Cơ cấu logistics này không hiệu quả về mặt chi phí và làm giảm lợi nhuận của nông dân, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường quốc tế.
"ĐBSCL đang tập trung phát triển nông sản công nghệ cao và hữu cơ có giá trị lớn. Sự thay đổi to lớn này yêu cầu hơn bao giờ hết hình thành chuỗi từ sản xuất đến chế biến, lưu trữ kho lạnh và phân phối, điều này chỉ có thể đạt hiệu quả cao thông qua mạng lưới logistics hiện đại. Đến năm 2030, tổng lượng hàng hóa xuất thông qua các cảng tại ĐBSCL dự báo sẽ vượt 70 triệu tấn/năm; tăng hơn 6 lần so với hiện tại, vì vậy rất cần chiến lược đầu tư logistics cho khu vực này" - ông Richard Courey phân tích.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận 67 thị trường tiềm năng của các châu lục đã tiêu thụ rau củ quả của Việt Nam. Do vậy, cần thấy rõ hơn những bất cập cần khắc phục trong thời gian tới, nhất là ngành nông nghiệp, giao thông vận tải, các địa phương có tiềm năng. Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương, ngành nông nghiệp, các địa phương, đặc biệt ĐBSCL phải phát triển tốt hơn nữa về logistics. Chính phủ cùng các bộ - ngành sẽ thảo luận, đưa ra các biện pháp tốt hơn cho ngành rau củ quả phát triển tương xứng với tiềm năng. Xác định rau củ quả là ngành quan trọng, mũi nhọn trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam.
Thủ tướng kỳ vọng đến năm 2020, giá trị xuất khẩu của ngành rau củ quả sẽ đạt gần 5 tỉ USD; đồng thời, xác định chìa khóa thành công của ngành này là chất lượng và giá thành.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện quy hoạch sản xuất gắn với thị trường trong điều kiện biến đổi khí hậu, giảm chi phí vận chuyển bằng phát triển dịch vụ logistics…
Ký nhiều hợp đồng quan trọng
Trong khuôn khổ diễn đàn đã diễn ra lễ ký kết "Biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng chiến lược phát triển hệ thống logistics và cơ sở hạ tầng tại tỉnh Đồng Tháp" giữa 3 bên là UBND tỉnh Đồng Tháp, Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ và liên danh 3 nhà đầu tư: Công ty CP Tập đoàn phát triển hạ tầng và bất động sản Việt Nam (VIPD), Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sunny World, Công ty CP Địa ốc Sài Gòn - Gia Định.
Ngoài ra, UBND tỉnh Đồng Tháp còn ký kết hợp đồng thương mại, hợp tác đầu tư với nhiều doanh nghiệp. Trong đó, UBND tỉnh Đồng Tháp, Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ, Công ty CP Lavifood và đối tác thương mại Greenland Business Group sẽ ký kết một thỏa thuận nhằm thúc đẩy việc nhập khẩu chính ngạch nông sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc với giá trị ít nhất 500 triệu USD trong 2 năm đầu tiên và sẽ tăng dần trong các năm tiếp theo.
Bình luận (0)