Bộ Công Thương đang lấy ý kiến các bộ, ngành về phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt với 5 bậc thang, giảm 1 bậc so với hiện nay.
Sử dụng ít được giảm giá
Cụ thể, bậc 1 cho 100 KWh đầu tiên, bậc 2 cho KWh từ 101-200, bậc 3 cho KWh từ 201-400, bậc 4 cho KWh từ 401-700, bậc 5 cho KWh từ 701 trở lên.
Kịch bản 1 được bộ Công Thương ưu tiên lựa chọn với mục tiêu bảo đảm toàn bộ số hộ có mức sử dụng điện dưới 700 KWh có mức tiền điện không tăng hoặc giảm khi áp dụng biểu giá điện mới. Nguồn: Bộ Công Thương
Ngoài ra, Bộ Công Thương chia làm 2 kịch bản cho 5 bậc giá này. Trong đó, kịch bản 1: giá điện sinh hoạt bậc 1 (cho 0-100 KWh) giữ như mức giá bậc 1 theo biểu giá hiện hành, bậc 2 từ 101-200 KWh, bậc 3 từ 201- 400 KWh; bậc 4 từ 401-700 KWh, bậc 5 từ 701 KWh trở lên. Theo tính toán, tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 701 KWh/tháng trở lên (khoảng 0,5 triệu hộ, chiếm 1,8% tổng số hộ) phải trả tăng thêm 29.000 đồng/hộ/tháng.
Kịch bản 2: Giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt không đổi. Trong đó, gộp bậc 1 và bậc 2 với giá điện giữ nguyên theo bậc 1 nhằm bảo đảm ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội không thay đổi; phần doanh thu thiếu được bù vào bậc trên 700 KWh. Giá điện của bậc 3 (201-400 KWh) được gộp theo giá bình quân của bậc 4 (201-300 KWh) và bậc 5 (từ 301-400 KWh) của giá điện cũ. Nếu áp dụng theo kịch bản này sẽ khiến tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 200-300 KWh/tháng và từ 701 KWh/tháng trở lên phải trả tăng thêm khoảng từ 6.000-14.000 đồng/hộ/tháng. Mức tăng giá giữa các bậc là không đồng đều.
Tuy nhiên, kịch bản 1 được bộ ưu tiên lựa chọn với mục tiêu bảo đảm toàn bộ số hộ có mức sử dụng điện dưới 700 KWh (chiếm 98,2% tổng số hộ) có mức tiền điện không tăng hoặc giảm khi áp dụng biểu giá điện mới, trong khi đó, mức chi trả tăng thêm của nhóm hộ sử dụng trên 700 KWh điện cũng không quá lớn.
Bình luận về 5 bậc thang giá điện, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho rằng đây là phương án chấp nhận được. Tuy nhiên, về mặt xã hội, cách tính này có thể gây nhiều ý kiến trái chiều khi nhóm khách hàng dùng ít điện nhất lại bị tăng tiền, còn nhóm dùng nhiều tiền lại được giảm. "Đại bộ phận người tiêu dùng phải trả thêm tiền điện, dù chi phí tăng thêm với nhóm này là không lớn nhưng khi người dùng nhiều được giảm giá tiền sẽ gây bức xúc. Trong khi đó, với người có thu nhập cao, tiêu dùng nhiều điện, số tiền giảm được lại không đáng gì nên cần cân nhắc lại" - ông Nguyễn Đình Cung nói, đồng thời nhấn mạnh cần phải cho người dân thấy sức ép giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Cũng tán thành phương án chia giá bán lẻ điện sinh hoạt làm 5 bậc, PGS-TS Bùi Xuân Hồi - Bộ môn Kinh tế năng lượng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nêu quan điểm: "Việc chia các bậc thang dùng nhiều điện chi tiết hơn, phù hợp hơn với đặc điểm tiêu dùng hiện nay, hơn nữa, 5 bậc thang sản lượng cũng phù hợp với 5 bậc thang thu nhập của hộ gia đình".
Điều chỉnh hành vi sử dụng điện
Trong bối cảnh nguồn cung điện đang cực kỳ khó khăn, nhiều dự án chậm đưa vào vận hành, nguy cơ thiếu điện trong năm 2020 đã được cảnh báo sớm, phương án điều chỉnh biểu giá điện theo hướng khu vực sử dụng ít điện sẽ được giảm mức chi trả hoặc ít nhất là không tăng giá, có ý nghĩa khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, lưu ý biểu giá điện cần bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất - kinh doanh điện hợp lý, công bằng, nâng cao hơn nữa tính công khai, minh bạch trong việc thực hiện giá bán điện, từ đó mới khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Theo ông Thỏa, một khía cạnh khác cũng cần lưu tâm là giá điện sinh hoạt đang phải gánh bù chéo cho điện sản xuất nhằm tạo nguồn lực khuyến khích sản xuất phát triển, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, bù chéo giữa điện sinh hoạt và sản xuất cần được quy định ở mức hợp lý để tránh đẩy khó lên người dân sử dụng điện sinh hoạt thông thường. Theo đó, chính sách giá điện cần thiết kế theo hướng khuyến khích đổi mới công nghệ sản xuất, tránh sử dụng công nghệ cũ gây tiêu hao điện lớn.
Theo GS Trần Đình Long - Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, giá điện sản xuất ở nhiều cấp điện áp đang có phần thấp hơn điện sinh hoạt. Nguyên nhân xuất phát từ việc quản lý vĩ mô của nhà nước. "Tuy nhiên, bù giữa sinh hoạt và sản xuất ở mức bao nhiêu là hợp lý trong bối cảnh phát triển, thu nhập bình quân đầu người như hiện nay thì cần cân nhắc" - GS Trần Đình Long lưu ý. Ông cũng cho rằng chính sách giá điện cần thiết kế theo hướng khuyến khích đổi mới công nghệ sản xuất.
Các phương án khác
Ngoài các phương án nêu trên, Bộ Công Thương còn đưa ra nhiều phương án khác, gồm 1, 3 và 4 bậc.
Cụ thể, phương án 1 bậc, nghĩa là không chia các mức sản lượng mà giá điện sẽ áp dụng đồng giá cho mỗi KWh tiêu thụ. Theo phương án này, tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 201 KWh/tháng trở lên (khoảng 6,7 triệu hộ) phải trả giảm từ 8.000-330.000 đồng/hộ/tháng. Trong khi đó, hộ sử dụng từ 0-200 KWh (khoảng 18,6 triệu hộ) tiền điện trả tăng từ 17.000-36.000 đồng/hộ/tháng. Số tiền ngân sách hỗ trợ hộ nghèo và hộ chính sách xã hội tăng lên do giá điện của bậc được điều chỉnh tăng.
Phương án 2 có 3 bậc gồm bậc 1: cho 100 KWh đầu tiên, bậc 2: cho KWh từ 101-400, bậc 3: cho kWh 401 trở lên. Với phương án này, theo tính toán của Bộ Công Thương, tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 301 KWh/tháng trở lên (khoảng 3,1 triệu hộ) tiền điện phải trả giảm từ 45.000-62.000 đồng/hộ/tháng. Trong khi đó, hộ sử dụng từ 0-31 kWh/tháng (khoảng 22,3 triệu hộ) tiền điện phải trả tăng từ 4.000-30.000 đồng/hộ/tháng. Số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội tăng lên do giá điện của bậc 1 được điều chỉnh tăng.
Phương án 3 có 4 bậc, trong đó bậc 1: cho 100 KWh đầu tiên, bậc 2: cho KWh từ 101-300, bậc 3: cho KWh từ 301-600, bậc 4: cho KWh từ 601 trở lên. Theo phương án này, hộ sử dụng điện từ 51-100 KWh, 201-300 KWh, 301-400 KWh/tháng (khoảng 10,3 triệu hộ) sẽ giảm tiền điện từ 267 đồng đến 32.000 đồng/hộ/tháng. Trong khi hộ sử dụng từ 0-50 KWh, 101-200 KWh, từ 401 KWh/tháng trở lên (khoảng 15,3 triệu hộ) tiền điện phải trả tăng từ 1.000-105.000 đồng/hộ/tháng. Số tiền ngân sách hỗ trợ cho các hộ nghèo và hộ chính sách cũng tăng.
Bình luận (0)