Qua 35 năm kể từ khi đổi mới, đội ngũ doanh nhân và khu vực tư nhân Việt Nam với tinh thần dân tộc mạnh mẽ đã có những bước tiến dài, hội nhập nhanh vào nền kinh tế thế giới.
10 năm lịch sử
Cách đây 10 năm, năm 2011, nền kinh tế Việt Nam rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng do hậu quả của đầu tư công ồ ạt và đầu tư ngoài ngành tràn lan kéo dài. Lạm phát lên tới 18,58%, thị trường bất động sản đóng băng, nợ xấu ngân hàng tăng mạnh, chứng khoán lao dốc, hơn 50.000 doanh nghiệp (DN) đóng cửa… Bức tranh kinh tế nhuốm màu u ám trong khi môi trường kinh doanh chưa được chú trọng cải thiện khiến không ít người lo sợ DN, doanh nhân sẽ không còn động lực để trụ vững và vươn lên.
Nhưng không phải vậy, hàng loạt DN tư nhân với sức mạnh nội tại đủ lớn và tầm nhìn đủ rộng đã nhận ra khủng hoảng chính là cơ hội để họ vượt sóng dữ, vươn mình mạnh mẽ và ghi tên ở thị trường trong và ngoài nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại Nhà máy sữa Việt Nam vào sáng 26-7-2021. Ảnh: Hoài Dương
Thời điểm đó, chúng ta lần đầu tiên có tỉ phú người Việt trong danh sách tỉ phú đô-la với cái tên Phạm Nhật Vượng - ông chủ của "đế chế" Vingroup từ sự sáp nhập của Vincom và Vinpearl. Chúng ta có THACO cùng sự bắt tay với Tập đoàn Mazda Nhật Bản đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô tại Việt Nam, mở đầu cho chiến lược trở thành nhà sản xuất ôtô Mazda lớn và hiện đại nhất tại Đông Nam Á. Hãng bay tư nhân Vietjet của "nữ tướng" Nguyễn Thị Phương Thảo cũng bắt đầu cất cánh. TH True Milk của nữ doanh nhân Thái Hương lần đầu tiên xuất hiện trong báo cáo của ngành sữa Việt Nam với dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tươi lên tới 1,2 tỉ USD tại Nghệ An…
Sau 10 năm, đội ngũ doanh nhân đã vẽ xong những nét cơ bản nhưng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hình thành diện mạo nền kinh tế Việt Nam hiện đại, chứng minh được kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Khu vực tư nhân đang tạo ra 85% tổng số việc làm, đóng góp trên 42% GDP của nền kinh tế. Bên cạnh hơn 5,6 triệu hộ kinh doanh, chúng ta đã có trên 800.000 DN tư nhân trên mọi lĩnh vực. Từ sự bứt phá của kinh tế tư nhân, Việt Nam đã có những DN lớn, sánh vai những tên tuổi hàng đầu thế giới cũng như trong khu vực, góp phần làm rạng danh đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập toàn cầu. Họ không chỉ đem ngoại tệ về làm giàu cho đất nước mà còn quảng bá hình ảnh đẹp của Tổ quốc với bạn bè năm châu và được thế giới đánh giá cao.
Trở về giá trị cốt lõi
10 năm qua còn là 10 năm sàng lọc khốc liệt đối với DN Việt. Kinh tế tư nhân bừng nở từ sau đổi mới nhưng không thể phủ nhận trong thời kỳ đó, chúng ta hình thành một trào lưu kinh doanh dàn trải, dễ dãi.
Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 kéo dài đến 2011 đã thẳng tay sàng lọc những doanh nhân thiếu chuyên nghiệp, thiếu cách làm ăn bài bản, rời xa các giá trị và năng lực cốt lõi. Nhiều doanh nhân với nền tảng DN thiếu vững chắc đã chợt bừng tỉnh trước hồi chuông cảnh báo từ cuộc khủng hoảng nghiêm trọng của nền kinh tế, buộc phải thoái lui hoặc trở về với những giá trị kinh doanh cơ bản với những bước chậm, chắc, an toàn hơn.
Hiện tại, một lớp doanh nhân trẻ đang lớn mạnh với bài học kinh nghiệm xương máu của thế hệ 10 năm trước cùng nền tảng của khoa học công nghệ, tri thức, sự nhân văn của nền kinh tế vì con người, vì sự phát triển bền vững của xã hội, dân tộc và nhân loại… Họ đã có sáng kiến, kiến nghị và sẵn sàng đầu tư phát triển một số lĩnh vực, dự án công nghiệp trọng yếu có liên quan tới yêu cầu phát triển bứt phá và tự chủ của quốc gia. Họ đang làm nên bức tranh một nền kinh tế Việt Nam hội nhập với năng lực cạnh tranh bằng năng suất, chất lượng và tuân thủ các cam kết, đòi hỏi của quốc tế về môi trường, biến đổi khí hậu, an sinh xã hội… Chưa bao giờ doanh nhân Việt đau đáu về các mô hình phát triển, về quản trị rủi ro, về sức chống chịu, về tái cấu trúc và phát triển bền vững như bây giờ.
Nhận thức của các doanh nhân đã thay đổi rất lớn. Họ không chỉ nhanh nhạy với thời cuộc, với thị trường, với thay đổi chính sách… mà còn theo đuổi những con đường, những triết lý nhân văn hơn. Kể từ khi đợt dịch đầu tiên bùng phát vào năm ngoái cho đến nay, hoạt động sản xuất - kinh doanh của hàng loạt DN gần như bị đứt gãy do gián đoạn nguồn cung nguyên vật liệu nhưng DN vẫn chọn giữ chân người lao động; hỗ trợ những thủ tục cần thiết để họ được hưởng các gói hỗ trợ tài chính; liên tục kiến nghị, đề xuất ưu tiên tiêm vắc-xin sớm và nhanh cho người lao động… Hai năm dịch bệnh đã khắc họa rõ nét hơn về một thế hệ doanh nhân Việt đề cao tinh thần xã hội và có hành động cụ thể.
Doanh nhân Việt Nam đang hướng tới không gian rộng mở hơn nhưng cũng đòi hỏi năng lực cạnh tranh mạnh mẽ hơn, chuyên nghiệp hơn từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như: Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu… Các hiệp định thương mại này sẽ tạo động lực lớn trong thay đổi thể chế, tư duy phát triển và đó là những điều kiện cần để tạo dựng một cộng đồng doanh nhân thực sự bài bản, chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế.
Thế hệ doanh nhân mới
Bất cứ giai đoạn phát triển nào cũng đều có sự sàng lọc, lựa chọn để định hình một nền kinh tế hiện đại và phát triển toàn diện hơn. Quy luật này khiến không ít DN phải lùi bước, dừng chân nhưng cũng là cơ hội cho nhiều DN khác tiến lên, nắm bắt cơ hội từ trong thách thức. Một thế hệ doanh nhân mới đang dần trưởng thành từ trong phép thử khốc liệt của đại dịch Covid-19 để tiến xa hơn nữa
Bình luận (0)