Hôm nay (29-10), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng sẽ trình bày trước Quốc hội (QH) giải trình bổ sung về báo cáo dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Trong báo cáo giải trình gửi các đại biểu QH tại kỳ họp thứ 8, có 18 nội dung được Chính phủ làm rõ sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ QH và Ủy ban Kinh tế của QH. Nổi bật trong đó là nội dung giải trình cụ thể về cơ cấu vốn đầu tư và giải pháp huy động vốn, đánh giá tác động nợ công. Theo đó, Chính phủ cho biết khái toán tổng mức đầu tư cả 3 giai đoạn là 18,7 tỉ USD. Cụ thể, giai đoạn 1 là 7,837 tỉ USD, giai đoạn 2: 3,818 tỉ USD và giai đoạn 3: 7,061 tỉ USD.
Tính toán kinh phí giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư giai đoạn 1 của dự án trước đó là 24.082 tỉ đồng. Song, để có số liệu tương đối chính xác, UBND tỉnh Đồng Nai đã kiểm tra, khảo sát và cập nhật lại thì con số này giảm xuống còn 21.849,4 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, nhằm giảm phần vốn ngân sách nhà nước dự kiến đầu tư trong giai đoạn 1a của dự án, Chính phủ kiến nghị cho phép Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam được sử dụng khoản tiền thu từ cổ phần hóa tổng công ty và các công ty con để thực hiện GPMB, đền bù và tái định cư. Số tiền này ước tính khoảng 5.000 tỉ đồng. Nếu thực hiện theo phương án này, chi phí GPMB và xây dựng bố trí từ vốn ngân sách nhà nước chỉ còn 6.076,9 tỉ đồng trong giai đoạn 1a.
Nguồn vốn vay ODA trong giai đoạn 1 dự kiến 47.859 tỉ đồng, sử dụng cho các hạng mục khu bay như đường - cất hạ cánh, đường lăn, sân đậu... Các hạng mục này do doanh nghiệp đầu tư vay lại vốn ODA từ Chính phủ và tự trả nợ với lãi suất 0,51%/năm, thời gian ân hạn 10 năm, thời gian trả nợ 30 năm.
Báo cáo giải trình cho biết việc Chính phủ đứng ra vay vốn ODA rồi cho doanh nghiệp vay lại, tự trả nợ đã được triển khai với nhà ga T2 của 2 sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. “Theo đánh giá của Chính phủ, dự án có thể hoàn trả được vốn vay ODA” - báo cáo nhấn mạnh.
Trong khi đó, nguồn vốn huy động khu vực ngoài nhà nước (vốn doanh nghiệp, hợp tác công tư) giai đoạn 1 là khoảng 92.648 tỉ đồng sẽ được đầu tư cho các hạng mục như nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa… Ngoài ra, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam sẽ ưu tiên tích lũy vốn đối ứng cho dự án như đã làm với công trình xây dựng nhà ga T2 của sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài; tiến hành cổ phần hóa để kêu gọi các hãng hàng không ở Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên tiến như Pháp, Nhật, Hàn Quốc… tham gia đầu tư.
Tác động không lớn lên nợ công
Báo cáo của Chính phủ tính toán nợ công sẽ bị tác động theo 2 kịch bản. Kịch bản 1: Với mức vay ODA khoảng 2,279 tỉ USD (giai đoạn 1) theo cơ chế Chính phủ vay và cho doanh nghiệp vay lại, tự trả nợ thì tác động lên nợ công sau năm 2022 chỉ ở mức 0,091%, còn giai đoạn 2016-2019 là “không đáng kể”.
Kịch bản 2: Cộng cả phần nợ công từ ODA 92,279 tỉ USD và ngân sách 768,9 triệu USD thì tỉ lệ tác động lên nợ công sau năm 2022 vào khoảng 0,0975%.
Bình luận (0)