Bộ Công Thương vừa có báo cáo tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2020, kèm theo dự báo những ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 có thể tác động rõ nét hơn tới hoạt động thương mại của Việt Nam trong quý II/2020. Bởi dịch bệnh đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến các đối tác thương mại lớn của Việt Nam là Mỹ, châu Âu (EU), Nhật Bản. Diễn biến này khác với quý I, khi hoạt động xuất nhập khẩu chủ yếu chỉ bị tác động ở hoạt động trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc với nhóm hàng nông, thủy sản
Theo phân tích của bộ này, tình trạng hủy và hoãn đơn hàng nếu kéo dài sẽ khiến nhiều doanh nghiệp (DN) đứng trước những khó khăn, như: trả lương người lao động, nhà cung cấp, tiền thuê mặt bằng, lãi vay ngân hàng... Khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các đơn hàng được nối lại, có thể nhiều DN không thể phục hồi ngay để sản xuất, ảnh hưởng tới nguồn hàng dành cho xuất khẩu.
Tuy nhiên, điểm sáng được ghi nhận là dù các nhóm hàng đều sụt giảm xuất khẩu nhưng tính chung 4 tháng đầu năm, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu 3,04 tỉ USD - cao hơn nhiều so với con số thặng dư đạt 983 triệu USD của 4 tháng đầu năm 2019. "Nếu dịch bệnh được khống chế trong quý II, dự kiến xuất khẩu sẽ tăng trở lại trong nửa cuối năm và tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 nhờ nhu cầu tiêu thụ trên thế giới tăng trở lại cộng với những lợi thế cạnh tranh khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực" - báo cáo thể hiện quan điểm lạc quan của Bộ Công Thương.
Đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến ngành sản xuất bia trong nước. Ảnh: Tấn Thạnh
Về sản xuất, bước sang tháng 4, toàn bộ nền kinh tế đều chịu tác động bởi đại dịch Covid-19 cả từ hai phía cung và cầu, trong đó hoạt động sản xuất công nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 4 ước tính giảm 13,3% so với tháng 3 và giảm 10,55% so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm đầu tiên trong cả giai đoạn 2016-2020, nền kinh tế ghi nhận có sự sụt giảm sản xuất trong tháng 4. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo vẫn tăng 3%, bên cạnh một số ngành công nghiệp chủ lực sụt giảm mạnh như sản xuất bia giảm 24,1%; ôtô giảm 23,8%; xe máy giảm 16,6%...
Đánh giá khả năng hồi phục nền kinh tế nói chung và công nghiệp, thương mại nói riêng, Bộ Công Thương chỉ ra nhiều yếu tố hỗ trợ tốt cho các ngành sản xuất - kinh doanh. Chẳng hạn, động thái nhiều quốc gia từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế trong bối cảnh cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 đang tiếp diễn. Đặc biệt, Chính phủ và các bộ, ngành đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN do tác động của dịch Covid-19.
Về phía Bộ Công Thương, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng trong việc thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch vừa bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất, bộ này cũng đã chủ động có giải pháp liên tục tháo gỡ khó khăn cho DN, địa phương. Ví dụ, đặt ưu tiên cao nhất cho mục tiêu chống dịch nhưng cũng cần có các giải pháp bảo đảm xuất khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới tiếp tục thực hiện theo quy định; mở hướng DN trong nước chuyển sang tập trung sản xuất khẩu trang vải chống dịch để đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch trong nước, duy trì năng lực sản xuất và tiến tới xuất khẩu; làm việc trực tiếp tại các địa phương, DN, hiệp hội để nắm được thực tiễn của DN và các địa phương…
"Những nỗ lực không đơn thuần vì các mục tiêu tăng trưởng mà còn hướng tới việc đem lại những giá trị mới, chất lượng mới cho khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, của những chuỗi cung ứng mà Việt Nam tham gia" - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ.
Bình luận (0)