Trong đó, sản xuất hàng điện tử tăng đến 20,6% trong 10 tháng qua. Đây là ngành có chỉ số sản xuất tăng cao nhất trong 4 ngành công nghiệp, do có thị trường tiêu thụ ổn định và các doanh nghiệp (DN) thường xuyên ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, chủ yếu do đơn hàng sản xuất nhiều. Điển hình là Công ty TNHH Intel Products Việt Nam sản xuất sản phẩm "mạch điện tử tích hợp", Công ty TNHH Jabil Việt Nam sản xuất sản phẩm "máy quét có thể kết nối với máy xử lý dữ liệu tự động"…
Hiện các cửa hàng, trung tâm điện máy đang thực hiện các chương trình giảm giá nhiều sản phẩm điện máy gia dụng, điện thoại di động… nhằm kích thích mua sắm. Trong khi đó, ở lĩnh vực xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong 10 tháng của năm trên địa bàn TP cũng tăng 21,3% so với cùng kỳ.
Sản xuất thịt heo tại một nhà máy ở TP HCM. Ảnh: MINH NHI
Cũng trong 10 tháng, sản xuất của ngành hóa dược - cao su - nhựa tại TP HCM ước tăng 5,72% (trong khi cùng kỳ chỉ tăng 0,9%). Nguyên nhân được xác định do nhu cầu về các sản phẩm phục vụ phòng chống dịch Covid-19 gia tăng dẫn đến chỉ số sản xuất của ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 20,3%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 9,4% so cùng kỳ. Hội Cao su - Nhựa TP HCM cho biết ngành cao su phục vụ lĩnh vực y tế phát triển tốt do dịch bệnh còn tiếp diễn. 80% DN cao su vẫn giữ được doanh thu ổn định và phát triển. Với ngành nhựa, các DN lớn trong lĩnh vực nhựa bao bì, nhựa gia dụng, nhựa công nghiệp vẫn tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, nhu cầu cao su phục vụ ngành lắp ráp xe, giao thông vận tải, xây dựng và cầu, đường giảm.
Cục Thống kê TP nhận định sản xuất công nghiệp 10 tháng của năm 2020 trên địa bàn TP đã chuyển sang trạng thái mới khi tình hình dịch Covid-19 trong nước được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn do các đối tác thương mại lớn vẫn chưa kiểm soát được tình hình dịch bệnh.
Để sớm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, các DN rất cần biện pháp hỗ trợ cụ thể, nhanh chóng, mang tính đột phá trong dài hạn như hỗ trợ tiếp thị, thông tin về thị trường nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế; tìm kiếm thị trường đối tác xuất khẩu mới; được xem xét nhanh chóng miễn, giảm nợ vay, giảm thuế…
Bán lẻ tăng bình quân 6.131 tỉ đồng/tháng
Báo cáo mới đây của Sở Công Thương TP HCM cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa 10 tháng ước đạt 680.602 tỉ đồng, tăng 9,9% (bình quân 1 tháng tăng thêm 6.131 tỉ đồng). Tuy tăng không bằng cùng kỳ (cùng kỳ tăng 12,5%) nhưng đến thời điểm hiện nay, tất cả 12 nhóm mặt hàng chủ yếu đều đạt mức tăng trưởng khá chứ không chỉ tập trung ở mặt hàng thực phẩm thiết yếu như trước đây.
Theo Sở Công Thương, diễn biến này cho thấy thị trường bán lẻ đối với hầu hết mặt hàng chủ yếu đang trở về hoạt động trong điều kiện bình thường mới. Đây là một điểm thuận lợi để TP triển khai thực hiện các giải pháp xúc tiến tiêu dùng tập trung nhằm tạo đà tăng trưởng cho ngành bán lẻ, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế của TP.
Kế hoạch từ nay đến cuối năm, ngành công thương sẽ đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, đồng thời kích thích tiêu dùng nội địa. Trong đó, triển khai chương trình khuyến mãi tập trung - Tháng khuyến mãi năm 2020, chủ đề "Khuyến mãi mùa vàng" từ ngày 22-11 đến 12-12, tổ chức Hội chợ Xúc tiến tiêu dùng năm 2020 chủ đề "Sự kiện kết nối các hình thức khuyến mãi" từ ngày 29-12-2020 đến 3-1-2021.
Bình luận (0)