Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, thời gian qua chương trình đã dành nguồn lực lên tới 14.470 tỉ đồng để đầu tư 32 cảng cá, 56 khu neo đậu tránh trú bão cho gần 25.000 tàu, 20 vùng sản xuất giống thủy sản… Nhờ đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 6%/năm. Riêng năm 2020, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 8,2 triệu tấn, kế hoạch xuất khẩu thủy sản là 10 tỉ USD (vượt chỉ tiêu chương trình đề ra từ 8-9 tỉ USD).
Về mục tiêu đến năm 2030, Tổng cục Thủy sản đưa ra một số chỉ tiêu, như: kinh tế thủy sản đóng góp 30% GDP khối nông - lâm - ngư nghiệp; giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 18-20 tỉ USD, giải quyết việc làm cho 3,5 triệu lao động; thu nhập bình quân đầu người lao động thủy sản tương đương thu nhập nhập bình quân chung của lao động cả nước…
Chế biến cá tra xuất khẩu ở Đồng Tháp. Ảnh: NGỌC TRINH
Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, góp ý: "Xây dựng chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cần bổ sung thêm đề án tín dụng trong phát triển thủy sản và quản lý vùng nuôi. Ngoài ra, chiến lược hạ tầng phục vụ cho vùng nuôi tôm cũng cần thực hiện hiệu quả". Đại diện các sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang và Trà Vinh đề nghị chiến lược phát triển trong thời gian tới cần quan tâm đến chính sách để chuyển đổi nghề khai thác gần bờ của ngư dân qua nuôi trồng hay làm dịch vụ.
Kết luận hội nghị, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết dự thảo chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang trong quá trình tiếp thu lấy các ý kiến đóng góp và đây là lần thứ 4. Sau khi tiếp thu ý kiến của các địa phương, bộ sẽ hoàn thiện để trình Thủ tướng xem xét và phê duyệt.
Bình luận (0)