Theo số liệu từ Bộ Công Thương, 8 tháng đầu năm 2016, nhập khẩu thép ước đạt 12,6 triệu tấn với kim ngạch 5,26 tỉ USD, tăng 27,3% về lượng và 2,1% về kim ngạch so với cùng kỳ. Đại diện bộ này cũng cho rằng hiện Việt Nam nhập thép quá lớn, riêng năm 2016 dự kiến nhập đến 22 triệu tấn thép quy đổi, đã tác động rất lớn đến cán cân thương mại, giảm sức cạnh tranh của ngành công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ.
Vẫn thiếu 15 triệu tấn thép?
Ông Trương Thanh Hoài - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương - cho biết dự báo 4 năm nữa, nhu cầu thép cả nước sẽ đạt mức 27 triệu tấn. Như vậy, ngay cả khi giai đoạn I của Formosa đi vào hoạt động, cả nước vẫn thiếu 15 triệu tấn thép và mức thiếu hụt có thể tăng lên 22 triệu tấn vào năm 2025. “Doanh nghiệp nhập khẩu lượng thép lớn, mỗi năm 6-7 tỉ USD. Nếu thừa thép thì làm sao lại nhập nhiều như thế? Do đó, nếu không sớm bổ sung dự án mới thì 4 năm nữa, ngành thép ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu, nhập siêu ngày càng trầm trọng” - ông Hoài nói.
Cũng theo vị vụ trưởng này, việc bổ sung vào quy hoạch dự án khu liên hợp cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận với tổng vốn đầu tư 10,6 tỉ USD là không vội vàng. Quy hoạch của dự án dựa trên tiềm năng của khu vực Cà Ná và năng lực sơ bộ của chủ đầu tư.
Theo giới chuyên gia, thị trường thép Việt Nam đúng là vẫn còn dung lượng để hấp thụ. Số liệu của Hiệp hội Thép thế giới cho thấy Việt Nam năm 2014 có nhu cầu tiêu dùng lên đến 16,8 triệu tấn và phải nhập thuần 11 triệu tấn thép thô. Nhu cầu thép ở Việt Nam lớn hơn nhiều so với năng lực sản xuất 5,8 triệu tấn/năm, thậm chí nhu cầu này đã tăng mạnh từ sau năm 2011.
Đối mặt với giá thép tụt dốc
Tuy nhiên, nhu cầu thị trường chỉ là một phần, vấn đề rất quan trọng hiện nay là giá. Liệu thép sản xuất trong nước có cạnh tranh được với lượng thép dư thừa và chính sách giảm giá của Trung Quốc bởi so với cùng kỳ năm trước, giá thép nhập khẩu từ Trung Quốc giảm ít nhất 17,22%.
Chuyên gia kinh tế Vũ Quang Việt cho biết Trung Quốc hiện là một công xưởng khổng lồ trong sản xuất thép với sản lượng năm 2015 là 804 triệu tấn thép thô, chiếm hơn 50% thị trường thế giới.
Trong nửa đầu năm 2016, số liệu do Bộ Công Thương công bố cũng cho thấy Trung Quốc sản xuất 339,5 triệu tấn thép, chỉ giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước và giảm ít hơn so với dự đoán. Trung Quốc cũng là quốc gia có sản lượng sản xuất thép tăng kỷ lục theo cấp số nhân khi chỉ từ năm 2000-2014, sản lượng thép trên thế giới tăng 96% thì của Trung Quốc tăng đến 640%.
Trong khi đó, giới chuyên gia chỉ ra cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới từ nửa cuối năm 2008 đã tạo ra khủng hoảng thừa thép và làm giảm giá mặt hàng này chưa từng thấy. Do vậy, dù Trung Quốc cố gắng duy trì mức tăng trưởng ngành cao nhưng vẫn không được như trước.
Đối mặt với thực trạng tiêu dùng thép năm 2014 tăng trưởng âm 3,3% và năm 2015-2016 sẽ ở mức âm 0,5%/năm, Trung Quốc đứng trước áp lực tìm mọi cách xuất khẩu khối lượng thép dư thừa ngày càng nhiều. Trong đó, phá giá mặt hàng này là một trong những cách được Trung Quốc lựa chọn. Đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc Mỹ ấn định thuế nhập khẩu 266% lên một số loại thép của Trung Quốc.
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh đặt nghi vấn trong bối cạnh thép thế giới dư thừa, sao không nhập khẩu để phục vụ sản xuất trong nước? “Nếu giờ sản xuất thêm thép thì xét về hiệu quả sẽ không lan tỏa trong nền kinh tế. Hơn nữa, sản xuất thép trong nước hiện đã có 4 doanh nghiệp, thêm Formosa là 5. Tiếp tục mở rộng sản xuất để các doanh nghiệp hưởng bảo hộ thì người tiêu dùng sẽ không được hưởng lợi” - ông Trinh nhận định.
Theo các chuyên gia, xung quanh dự án thép Cà Ná, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là liệu có cần xem xét lại khả năng đánh giá dự án của Bộ Công Thương trong việc phê duyệt dự án này vào quy hoạch. Ngoài ra, chấp nhận dự án chính là chấp nhận việc thu hồi đất, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân.
Hai dự án tai tiếng
Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm được kiểm toán bởi AASC, đến ngày 30-6, số tiền giải ngân cho dự án “Cải tạo và mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên - giai đoạn 2” đã lên tới 4.539,7 tỉ đồng. Dự án này tổng đầu tư theo dự toán ban đầu là 3.843,67 tỉ đồng nhưng sau đó, đã được điều chỉnh lên 8.104,91 tỉ đồng. Dự án được triển khai từ năm 2007. Tuy nhiên đến nay, các hạng mục chính của dự án vẫn chưa hoàn thành, nhà máy chưa thể đi vào sản xuất. Nhà máy đang phải trả 30 tỉ đồng tiền lãi vay mỗi tháng, tương ứng khoảng 360 tỉ đồng mỗi năm.
Mới đây nhất, tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định chấm dứt dự án thép Guang Lian Dung Quất. Quyết định này được tỉnh Quảng Ngãi đưa ra sau khi nhà đầu tư đã “ôm” đất sạch 10 năm, gây lãng phí lớn. Hiện Guang Lian vẫn chưa đồng ý và đã có văn bản phản đối việc công khai kết luận thanh tra đơn vị này ra công chúng.
Dự án thép Guang Lian Dung Quất được cấp chứng nhận đầu tư năm 2006, thuộc Khu Kinh tế Dung Quất, do Tập đoàn Tycoons (Đài Loan, Trung Quốc) đầu tư với số vốn ban đầu 556 triệu USD. Sau đó, Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất đã 4 lần cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, trong đó lần thứ 4 vào tháng 7-2008 với công suất 5 triệu tấn/năm, vốn đầu tư tăng lên 3 tỉ USD.
Tr.Nguyễn
Kỳ tới: Không thể đánh đổi môi trường
Bình luận (0)