Đó là ý kiến của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước tại “Tuần lễ năng lượng tái tạo 2016” do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (GreenID) tổ chức trong 2 ngày 15 và 16-11 tại TP Cần Thơ. Theo đánh giá của các chuyên gia, ĐBSCL có nhiều tiềm năng về năng lượng mặt trời, gió và đặc biệt là điện sinh khối.
Nhiều hậu quả từ nhiệt điện than
Theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ có 14 nhà máy nhiệt điện than ở ĐBSCL. TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), nhận định: “Ô nhiễm khói bụi là mối lo ngại rõ ràng nhất của các nhà máy nhiệt điện than. Tro bay và xỉ than từ đốt than đá là rất độc hại do chứa nhiều hóa chất và kim loại nặng như chì, thạch tín, thủy ngân và cả chất phóng xạ uranium. Ngoài việc tốn hàng ngàn hecta đất để chứa và chôn lấp, tro bay và xỉ than còn là nguồn gây ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí”.
Ngoài ra, tôm, cá gần những nhà máy nhiệt điện than khó tồn tại do nhiệt thải từ than làm môi trường nước cao hơn bình thường khoảng 10 độ C. Những cư dân sống xung quanh nhà máy sẽ nhiễm độc khói bụi than và có thể mắc nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư phổi, đột quỵ, tim mạch, trẻ sinh non, chậm lớn…
Ông Rafael Denga, chuyên gia kỹ thuật Chương trình Năng lượng bền vững (Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên), cảnh báo: “Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 5,5 triệu người chết sớm từ ô nhiễm không khí, tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội do nhiệt điện than”.
Theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID, trong khi nhiệt điện than gây ô nhiễm thì năng lượng tái tạo (NLTT) thân thiện với môi trường lại bị hiểu không đúng. Các nguồn NLTT ở Việt Nam như gió, nắng, sinh khối, khí sinh học, địa nhiệt, rác thải đô thị… có tiềm năng lên đến 37.818 MW (tương đương công suất hiện tại của hệ thống điện quốc gia) nhưng năm 2015 mới chỉ khai thác được 2.671 MW. “Có nhiều quan điểm gây hiểu lầm làm hạn chế sự phát triển NLTT ở Việt Nam, như loại năng lượng này không ổn định, thường gián đoạn quá trình cung cấp điện; đắt đỏ và xa xỉ; phụ thuộc công nghệ nước ngoài…” - bà Khanh nói.
Dồi dào năng lượng tái tạo
Ông Phan Văn Sáu, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu, nhìn nhận: “Là địa bàn giàu tài nguyên gió, ngay từ năm 2010, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất Bộ Công Thương bổ sung dự án nhà máy điện gió công suất 99,2 MW. Hiện nay, nhà máy này đã hòa lưới điện quốc gia trên 250 triệu KWh, giúp giảm phụ thuộc vào nhiệt điện than, bảo vệ môi trường”.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, ĐBSCL có tiềm năng lớn nhất cả nước về năng lượng mặt trời (NLMT), gió..., đặc biệt là điện sinh khối nhờ phụ phẩm nông nghiệp dồi dào như rơm rạ, cám, trấu, bã mía, phân gia súc... Đã có một thống kê vào năm 2012 cho thấy khả năng thu gom phụ phẩm nông nghiệp của vùng ĐBSCL vào khoảng trên 23 triệu tấn/năm, trong đó hơn 3,8 triệu tấn trấu, gần 17 triệu tấn rơm rạ, gần 1,4 triệu tấn bã mía… Lượng phụ phẩm này sẽ là nguồn năng lượng dồi dào nếu tập trung khai thác.
Ông Mai Văn Đối, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Người dân trong tỉnh sử dụng mạt cưa, trấu, phân gia súc làm hầm biogas, dùng nhiệt trong nấu nướng. Ngoài ra, NLMT còn được ứng dụng trong ngành du lịch, nông nghiệp, cấp nước sạch nông thôn mang lại hiệu quả cao”. Ông Rafael Denga đánh giá: “Nếu sử dụng NLTT thì khí thải carbon ở Việt Nam sẽ giảm 380-450 triệu tấn/năm. Việc chuyển đổi năng lượng này vừa có lợi về kinh tế vừa cải thiện về môi trường và phát triển ổn định”.
Nhiều ứng dụng từ năng lượng mặt trời
Theo ông Mai Văn Đối, nếu dùng pin NLMT công suất 170 W với kinh phí 74 triệu đồng có thể tưới nước nhỏ giọt cho 40 cây xoài trong cả chục năm. Việc này làm giảm điện năng tiêu thụ, tiết kiệm nước, giảm thải CO2 ra môi trường. Trong ngành du lịch, khi dùng vỏ composite sử dụng 2 tấm pin NLMT sẽ cho tàu chạy được vận tốc từ 10-15 km/giờ, giúp giảm sử dụng xăng dầu.
Bình luận (0)