Đó là phát biểu của PGS - TS Trần Đình Thiên, nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tại buổi tọa đàm với chủ đề “Nghị quyết 01 - đột phá hỗ trợ doanh nghiệp” do Báo Người Lao Động tổ chức diễn ra từ 14 giờ ngày 6-2
Quang cảnh buổi tọa đàm
Tọa đàm có sự tham dự của:
I/ Cơ quan quản lý nhà nước
- Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM
- Ông Trần Anh Quý, Trưởng Phòng Tín dụng chính sách nhà nước, Vụ Tín dụng - Ngân hàng Nhà nước
- Bà Ngô Hoài Bắc, Trưởng Phòng Tín dụng ngành nông nghiệp, Vụ Tín dụng - Ngân hàng Nhà nước
II/ Chuyên gia kinh tế
- TS Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam
- PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
III/ Ngân hàng thương mại
- Ông Trương Đình Long, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)
- Ông Nguyễn Cao Minh, Phó Giám Đốc Ban Khách hàng doanh nghiệp NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV và bà Ngô Ánh Tuyết, Phó giám đốc chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV.
IV/ Doanh nghiệp, hiệp hội
- Ông Nguyễn Ngọc Hoà, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA).
- Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM.
- Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group).
- Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Lê Thành.
- Ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn.
Tiêu điểm sự kiện
18:46 ngày 06/02/2023
Tiến sĩ - Nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng biên tập Báo Người Lao Động:
10 giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Trong 1 buổi chiều đầu tuần, đầu năm như thế này mà các anh chị đã dành thời gian đến cuộc tọa đàm là 1 điều hết sức trân quý.
Qua gần 3 giờ đồng hồ trao đổi, tọa đàm ghi nhận 13 lượt ý kiến, trong đó có những người trao đổi 2-3 lần và giải đáp, giải thích rất tường tận nhiều vấn đề. Tất cả các ý kiến của các khách mời từ cơ quan quản lý nhà nước, đại diện ngân hàng, hiệp hội, DN đều rất tâm huyết, đóng góp tích cực cho thành công của tọa đàm hôm nay.
Tiến sĩ - Nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng biên tập Báo Người Lao Động phát biểu kết thúc tọa đàm
Ngay từ đầu năm 2023, ngày 6-1, Chính phủ ra Nghị quyết 01 với quyết tâm thay đổi, tháo gỡ nhiều khó khăn để đưa nền kinh tế bước vào giai đoạn phát triển mới. Với tinh thần đồng hành cùng đất nước, đồng hành cùng Chính phủ và DN tháo gỡ tất cả những khó khăn đó, Báo Người Lao Động thời gian qua tổ chức nhiều loạt bài cũng như nhiều toạ đàm để truyền thông chính sách, kết nối DN với cơ quan chức năng, Ngân hàng để cùng tạo ra tiếng nói chung.
Cuối năm ngoái, trước khi bước vào Tết Quý Mão, Báo Người Lao Động cũng có 1 loạt bài sau đó là toạ đàm trong bối cảnh DN đang gặp rất nhiều khó khăn. Cuộc toạ đàm đó căng thẳng hơn toạ đàm hôm nay rất nhiều, các DN khách mời có nhiều ý kiến bức xúc là "đám ruộng hoàn toàn khô hạn, đang khát nước trong khi có nước mà không dẫn nước vào ruộng được". NH muốn cho vay thì phải theo tiêu chuẩn trong khi các DN cần vốn vay lại đang có nợ quá hạn nên rất khó khăn. Tuy nhiên, qua thời gian vừa rồi dù chưa phải quá dài nhưng đã có chuyển biến, lượng cho vay tăng lên, từng bước giải quyết khó khăn. Nhiều DN đang nỗ lực duy trì sản xuất, bảo đảm công ăn việc làm, an sinh xã hội... Đó là tín hiệu rất tốt mặc dù chúng tôi biết là còn nhiều DN gặp khó khăn.
Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá Nghị quyết 01 thể hiện Chính phủ luôn quyết tâm hành động với những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Nghị quyết đã đề ra một số chỉ tiêu quan trọng của năm 2023 như tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%, GDP bình quân đầu người đạt 4.400 USD, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) 4,5%... Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu này, Nghị quyết 01 đề ra nhiệm vụ cho các cấp, các ngành, các địa phương… Mục tiêu nhiệm vụ đã có nhưng thực thi thế nào để có hiệu quả cao nhất, thiết thực nhất đối với DN cũng như toàn bộ nền kinh tế.
Các ý kiến nêu ra tại tọa đàm đã tập trung phân tích nhiều giải pháp quan trọng, gắn với thực tế tinh thần tháo gỡ, hoá giải khó khăn, tạo động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế phát triển một cách đột phá nhưng bền vững. Những ý kiến này đã và sẽ được truyền tải trên Báo Người Lao Động và nhiều báo khác trong hôm nay và nhiều ngày tiếp theo nhằm góp phần làm sao tháo gỡ khó khăn cho DN.
Không hy vọng ngay sau khi tọa đàm sẽ có giải pháp ngay nhưng chúng tôi tin tưởng và hy vọng các giải pháp sẽ góp phần tạo ra thay đổi từng bước, góp phần hóa giải khó khăn cho DN và thúc đẩy quá trình kết nối DN với NH, cơ quan chức năng để tiến hành thay đổi, cải cách thể chế cũng như những vấn đề khác trong tương lai.
Tựu trung lại, các ý kiến tại tọa đàm đã nêu ra 10 giải pháp như sau:
Một là tiếp tục cải cách thể chế, điều chỉnh chính sách vĩ mô. Nói như TS Vũ Tiến Lộc, DN rất cần tiền, cần vốn nhưng cần thể chế hơn. Vấn đề là phải thay đổi như thế nào, trong đó cần những chính sách khuyến khích hệ thống kinh tế nội địa tương ứng với khối FDI. Phải cấu trúc lại thị trường tài chính tiền tệ, cải thiện môi trường đầu tư, tổng rà soát các thủ tục, xử lý những thủ tục, quy định rườm rà gây cản trở quá trình phát triển. Đây là điều cần phải làm mạnh mẽ.
Hai là cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Hiện nay chính phủ đã xác định cần giải ngân 700.000 tỉ đồng kinh phí đầu tư công để qua đó bơm "máu" cho nền kinh tế. Nếu các DN tư nhân được tham gia các dự án này sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề tài chính, công ăn việc làm… tạo ra sự phát triển mới sôi động hơn.
Ba là cần những giải pháp hỗ trợ DN. Khơi thông nền kinh tế thì phải có tính đột phá cao. Như TS Nguyễn Ngọc Hoà vừa nói trong điều kiện bất thường thì phải có những giải pháp mang tính đột phá. Vì nếu chúng ta không đột phá, không quyết đoán thì rất nhiều DN sẽ đứng trước ngưỡng cửa phá sản.
Bốn là các ngành chức năng, ngân hàng nhà nước, ngân hàng thương mại tiếp tục kéo giảm lãi suất. Thời gian qua, ngân hàng có giảm lãi suất nhưng chưa được như kỳ vọng của DN. Tôi nghĩ rằng trước mắt trong quý I, quý II lãi suất giảm xuống 11%-12% là rất tốt. Muốn DN hồi sinh, tiếp tục phát triển thì lãi suất phải giảm vì DN khó có thể phục hồi khi lãi suất quá cao.
Năm là giải pháp giải phóng nguồn lực, trong đó có nguồn lực đất đai. Đây là nguồn lực hết sức to lớn nhưng để giải phóng mạnh mẽ nguồn lực này không phải là việc dễ làm và cần phải có lộ trình từng bước.
Sáu là tái cơ cấu bộ máy DN năng động, hiệu quả hơn, có khả năng chống chịu tốt hơn. DN chúng ta phần lớn là nhỏ và siêu nhỏ so với quy mô của khu vực và thế giới, sức chịu đựng cũng yếu nên khi có sự thay đổi là không chịu nổi. Vì vậy, cần có giải pháp tái cơ cấu hiệu quả để DN nâng cao khả năng chịu đựng những chấn động và thích ứng với tình hình mới. Cùng với đó là quy hoạch lại lực lượng lao động, nâng cao năng suất lao động nên phải tái đào tạo một cách bài bản hơn để làm năng suất lao động tăng lên mới đáp ứng yêu cầu mới.
Bảy là cần sớm thông qua chính sách kích cầu đầu tư để trợ lực mạnh mẽ cho nền kinh tế.
Tám là cần tăng cường hoạt động đối thoại với DN để tháo gỡ khó khăn. Các hoạt động này nên làm thường xuyên, cơ quan quản lý Nhà nước, NH và hiệp hội DN, DN cần ngồi lại với nhau để nghe tiếng nói của nhau để tìm tiếng nói chung và giải quyết vấn đề.
Chín là cần đề cao vai trò các hiệp hội DN, xác định rõ trách nhiệm của các công chức đối với vấn đề DN đưa ra. Cơ quan chức năng và DN phải cùng nỗ lực, đi cùng nhịp để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Cuối cùng là tăng cường các hoạt động truyền thông. Điều này rất cần. Chính vì cái rất cần đó trong nhiều năm qua, đặc biệt là những năm gần đây trong tình hình COVID-19 và kinh tế hết sức khó khăn, có những lúc ngành du lịch đóng cửa gần như 100% thì Báo Người Lao Động đã tổ chức các toạ đàm đồng hành cùng DN du lịch, tổ chức tọa đàm khôi phục nguồn nhân lực sau dịch; các tọa đàm, các loạt bài đồng hành cùng DN. Chúng tôi tin rằng với các hoạt động đó, trước mắt có thể hiệu quả có thể chưa quá rõ ràng nhưng chắc chắc sẽ có hiệu quả.
Ông bà ta đã nói "nhiều tay thì vỗ nên kêu", hy vọng rằng các cơ quan chức năng, báo đài trên địa bàn TP HCM cũng như cả nước cùng chung tay lan toả thông tin để làm sao tất cả chúng ta đều cùng vào cuộc hỗ trợ DN.
Dưới góc độ cơ quan truyền thông của Thành ủy TP HCM, Báo Người Lao Động cam kết tiếp tục đồng hành cùng các DN, hiệp hội, hệ thống ngân hàng để kịp thời nói lên những tâm tư, trăn trở, khó khăn vướng mắc của các anh chị để làm cầu nối để mọi người gặp gỡ nhau, cùng chia sẻ, tìm ra giải pháp tích cực nhất để sớm vượt qua khó khăn, bước vào lộ trình phát triển mới thật bền vững.
18:23 ngày 06/02/2023
Ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn
Cần tiếp tục chính sách giảm và giãn thuế GTGT
Tôi cho rằng NH cũng là DN và nên có cái nhìn công bằng. Trước khi nói về chính sách để kiến nghị, nên nói về thành quả. Lần đầu tiên, Việt Nam xuất khẩu đạt kim ngạch 730 tỉ USD có sự đóng góp rất lớn của các DN sản xuất công nghiệp. Chúng ta đứng thứ nhất thế giới về xuất khẩu tiêu, đứng thứ 3 về dệt may, các ngành khác như xuất khẩu da giày, trái cây và rau quả, chế biến gỗ, gạo… đều đạt những thành tích hàng đầu. Lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản 10 tỉ USD, đứng thứ 3 thế giới hay riêng ngành nhựa của chúng tôi đã xuất khẩu 3,8 tỉ USD… Có 39 sản phẩm xuất khẩu trên 1 tỉ USD.
Ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn
Về chính sách, các DN rất cần tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế GTGT về 8% như năm 2022 và giãn thuế GTGT trong 6 tháng. Do đó, Nghị quyết 01 của Chính phủ cần tiếp tục duy trì chính sách này trong năm nay. Các DN đang có nguồn hàng tốt và có đầu ra tốt rất cần nguồn vốn từ thuế GTGT được chậm lại để có vốn quay vòng nhanh hơn. DN sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu hiện nay có thị trường đang rất cạnh tranh gay gắt, họ có nhu cầu giảm lãi suất và liệu cơm gắp mắm, thay vì nhu cầu vay vốn mới.
Một vấn đề quan trọng khác là các DN đang rất cần chính sách hỗ trợ để quy hoạch lại nguồn lao động, trong bối cảnh hiện nay khi người lao động không có việc phải nghỉ Tết sớm. Trong đó, nhiều DN FDI cũng cho nghỉ việc hàng loạt. Cần có truyền thông và đào tạo cho nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có tay nghề. Trong năm 2022, việc hỗ trợ đào tạo cho nguồn nhân lực có tay nghề ở TP HCM rất ít, cần tập trung đào tạo các trường nghề. Như TP HCM, không hút lao động phổ thông về mà tập trung quy hoạch phát triển ở những địa phương khác phù hợp hơn. Lao động TP HCM chỉ nên quy hoạch tập trung lao động trình độ cao, có hàm lượng chất xám…
17:10 ngày 06/02/2023
TS Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam
Đẩy mạnh cải cách thể chế
Đối với sự phát triển dài hạn của nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp rất quan trọng nhưng thể chế còn quan trọng hơn. Giải phóng được thể chế sẽ khơi thông được nguồn lực, sẽ tận dụng thị trường vốn.
Thực tế đã cho thấy hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào các thể chế. Cải cách thể chế là nền tảng quan trọng của tăng trưởng. Chúng ta đã thấy, lần đầu tiên chúng ta tích hợp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực vào Nghị quyết 01. Điều này vô cùng quan trọng.
Năm 2014 được xem như dấu mốc quan trọng khi chúng ta lấy đánh giá chất lượng, năng lực cạnh tranh đưa vào cải cách kinh tế, đưa vào Nghị quyết 19 của Chính phủ. Vậy Nghị quyết 01 lần này không chỉ đưa ra mục tiêu chung mà là nghị quyết về phát triển và cải cách vô cùng quan trọng. Tăng trưởng kinh tế trong năm có thể trồi sụt do yếu tố chủ quan khách quan, có thể thêm nguồn lực nhưng thể chế quyết định phát triển dài hạn của nền kinh tế.
Hai điều cần song hành với nhau là cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh để phát triển kinh tế. Chúng ta gắn nó vào bộ chỉ số cạnh tranh cụ thể cho các ngành từ logistic, du lịch... để đưa vào thước đo chung với thế giới.
Trong 3 năm qua, trước ảnh hưởng COVID-19 và các yếu tố khác, cải cách thể chế của chúng ta chững lại. Dù yêu cầu luôn đặt ra là cấp bách, cần đột phá thể chế.
Cộng đồng doanh nghiệp cũng đến lúc tự nâng chất lượng, đổi mới sáng tạo, tạo nên môi trường kinh doanh, cạnh tranh cao hơn. Có thể nói làn sóng khởi nghiệp lần 2 là thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy đất nước trở nên giàu có. Chúng ta đang bắt đầu và cần thiết phải như vậy.
Thế giới trở nên bất định hơn nên chúng ta nâng cao năng lực chống chịu. Trong cải cách thế chế thì nâng cao năng lực cạnh tranh là ưu tiên hàng đầu. Tiếc là Nghị quyết 01 nói không nhiều về các chỉ số cải cách so với năm ngoái. Bởi, nếu Nghị quyết càng cụ thể càng dễ cân đong đo đếm để thúc đẩy cải cách.
Hiện nay môi trường cạnh tranh Việt Nam đang ở mức trung bình. Chúng ta phải tăng trưởng cao bằng chất lượng môi trường kinh doanh chứ không khai thác tối đa nguồn lực.
Phải làm và báo cáo thành quả cải cách, đưa vào bộ chỉ số để xem chúng tôi đang đứng ở đâu. Vây cần làm gì để thúc đẩy cải cách thể chế? Theo tôi, cần làm một số việc như sau:
- Cần cải thiện môi trường kinh doanh. Những lĩnh vực nào không cần điều kiện hoặc điều kiện không hợp lý thì cắt giảm.
- Kiểm tra chuyên ngành trong xuất nhập khẩu cần đơn giản hóa các thủ tục, đi cùng quản lý rủi ro.
- Đẩy mạnh chuyển đổi số
- Hệ thống pháp luật trong đó có Luật Đất đai sửa đổi có thể xem là mở đường để sửa đổi một số luật khác để giảm chồng chéo. Rà soát tổng thể đồng bộ hơn, minh bạch hơn. Các cơ quan cần có văn bản hướng dẫn, tích hợp để đưa ra một văn bản chung, có giá trị cao hơn văn bản trước để áp dụng, để gỡ chồng chéo khi luật chưa sửa kịp.
Điều quan trọng nữa là trong quá trình rà soát các văn bản pháp luật tôi đề nghị cần lấy ý kiến các doanh nghiệp. Vì họ có ý kiến xác đáng mà trong quá trình xây dựng pháp luật, thời gian qua các bộ ngành chưa theo sát họ để lấy ý kiến. Tham khảo thường xuyên ý kiến nhà khoa học và doanh nghiệp. Cần chăm lo, đầu tư cho người làm thể chế cũng là đầu tư cho phát triển. Ngoài ra, cần tách cơ quan soạn thảo chính sách ra khỏi các bộ ngành để không phải có trường hợp vừa đá bóng vừa thổi còi. Các bộ phận quản lý trực tiếp chỉ tham gia ý kiến chứ không trực tiếp soạn thảo.
Cuối cùng là vai trò của các hiệp hội phải được đánh giá cao, phát huy và giải thích rõ ràng nếu góp ý không được tiếp thu.
Tóm lại cải cách thể chế vẫn là nhiệm vụ hàng đầu và là giải pháp đột phá từ Nghị quyết 01 trong năm nay cũng như các năm tới.
16:56 ngày 06/02/2023
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP HCM:
Giải pháp cho gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm
Liên quan đến gói lãi suất 2% có 2 khó khăn theo ghi nhận là quy định về đánh giá khả năng phục hồi của DN. Và để tháo gỡ khó khăn này, chúng tôi cho rằng phụ thuộc vào khả năng đánh giá của từng NH thương mại và vẫn triển khai được.
Gói hỗ trợ lãi suất này được triển khai cho 11 nhóm ngành khác nhau. Các tổ chức tín dụng cũng đã triển khai quy chế, quy trình và họ đang thực hiện. Có điều, nguồn vốn hỗ trợ là từ ngân sách nên cũng có sự e ngại từ phía DN, thậm chí NH thương mại còn chủ động mời DN lên để làm thủ tục hỗ trợ nhưng vì tâm lý e ngại hậu kiểm nên không thật sự mong muốn.
Ông Lệnh nói thêm về gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm
Dù vậy, NHNN chi nhánh TP HCM vẫn đang yêu cầu thực thi theo hướng, công bố quy trình, thủ tục triển khai đầy đủ; hướng dẫn cho khách hàng thực hiện. Đến nay, doanh số cho vay từ gói hỗ trợ này khoảng 35.600 tỉ đồng, tăng mạnh so với trước đó.
Như tôi đã trao đổi, ngành NH trên địa bàn TP HCM triển khai chương trình hỗ trợ, kết nối NH và DN với nội hàm là triển khai gói hỗ trợ 2% đối với các đối tượng thuộc lĩnh vực quy định.
Nếu các DN thuộc lĩnh vực được hưởng gặp khó khăn có thể phản ánh đến số điện thoại của NHNN 028.38.211230, hoặc địa chỉ mail
tonghop_sbv@gov.vn hoặc phản ánh qua HUBA và các hiệp hội doanh nghiệp khác, từ đó tổng hợp phản ánh lên NHNN với tinh thần không phiền hà, gây khó khăn cho DN.
16:46 ngày 06/02/2023
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP HCM
Triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp TP HCM
Mục tiêu của NHNN là tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và động lực tăng trưởng kinh tế; kiểm soát tín dụng lĩnh vực rủi ro.
NHNN chi nhánh TP HCM sẽ triển khai 3 nhiệm vụ chính, gồm triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%; tiếp tục tổ chức tốt hoạt động kết nối NH và DN; tháo gỡ khó khăn cho DN thông qua chương trình kết nối với HUBA và các quận, huyện, với nội hàm gắn với gói 2% lãi suất và gắn với cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên. Từ đó, tạo điều kiện cho DN tiếp tục phát triển trong năm 2023.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, chia sẻ thêm về những giải pháp hỗ trợ DN của NHNN chi nhánh TP HCM trong thời gian tới
Cụ thể, chúng tôi sẽ phối hợp thực hiện tốt gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của NHNN nhằm tạo điều kiện cho DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh tăng trưởng và phát triển trong năm 2023; tổ chức đối thoại doanh nghiệp và trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho DN trên cơ sở phối hợp với hiệp hội DN, các hội ngành nghề và đặc biệt là UBND các quận huyện trên địa bàn.
Chúng tôi cũng đồng thời tổ chức thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách; tín dụng nhà ở xã hội, tín dụng tiêu dùng với gói lãi suất thấp (gói 20.000 tỉ đồng từ các công ty tài chính tiêu dùng đăng ký) nhằm góp phần thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia và là giải pháp hữu hiệu để hạn chế tín dụng đen, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững. Đồng thời, qua các chương trình kết nối NH và DN sẽ là tuyên truyền chính sách, triển khai chính sách, hỗ trợ khó khăn cho DN.
16:40 ngày 06/02/2023
Ông Trần Anh Quý,Trưởng Phòng Tín dụng chính sách nhà nước, Vụ Tín dụng - Ngân hàng Nhà nước
Trách nhiệm không chỉ ở ngân hàng Nhà nước
Cá nhân tôi theo dõi những khó khăn, kiến nghị của các hiệp hội, DN vừa trình bày và phân tích của PGS-TS Trần Đình Thiên cho thấy nền kinh tế rất khó khăn.
Như ví von của MC Xuân Huy (MC của tọa đàm), ngành NH là người "bơm nước" từ hồ vào thửa ruộng khô cằn nhưng việc dẫn nước từ hồ vào thửa ruộng không chỉ trách nhiệm riêng của NH mà còn của nhiều ngành, lĩnh vực khác.
Toàn cảnh tọa đàm chiều 6-2.
Điểm qua các điểm chính của Nghị quyết 01 thì những nội dung mà các chuyên gia kinh tế chia sẻ, các DN kiến nghị tại toạ đàm thì hầu hết đã được NH nhà nước tiếp thu trong quá trình nắm bắt khó khăn, vướng mắc của địa phương, hiệp hội ngành nghề, DN.
Ngay khi CP ban hành Nghị quyết 01, ngành NH lập tức ban hành Chỉ thị 01ngày 17-1-2023 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2023.
Theo đó, Thống đốc NHNN yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện nghiêm túc các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2023 nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý. Triển khai thực hiện Chỉ thị này, các NH đã triển khai rất nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng để vượt qua giai đoạn khó khăn.
16:37 ngày 06/02/2023
Ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Tổng công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group)
Cách đây gần 2 năm, cũng tại toà soạn của Báo Người Lao Động với chủ đề "Kết nối DN Du lịch và Ngân hàng - gỡ khó về vốn và chính sách", và chúng tôi lần thứ 2 tham dự, chúng tôi trân trọng và đánh giá cao sự nhạy bén, đồng hành của báo với cộng đồng DN.
Lần này, chúng tôi cũng kỳ vọng sự đột phá từ Nghị quyết 01 của Chính phủ và những chính sách hỗ trợ khác của Chính phủ và các Bộ ngành. Nói nôm na là DN kỳ vọng phải "ra được sản phẩm cụ thể" có các giải pháp trong bối cảnh DN khó khăn hằng ngày, hàng giờ.
Đối với Saigontourist Group, chúng tôi có hệ thống sinh thái dịch vụ du lịch từ lữ hành, cơ sở lưu trú, ẩm thực, vui chơi giải trí, đào tạo, trung tâm triển lãm… Trong suốt thời gian đại dịch COVID-19, ngành du lịch cũng như bản thân DN bị ảnh hưởng sớm nhất, nặng nề và thời điểm này vẫn đang trong giai đoạn phục hồi.
- Ngành và các DN du lịch đang nỗ lực phục hồi mạnh mẽ nhưng thực tế, các DN vẫn còn nhiều khó khăn. Vừa qua chúng ta mới tập trung phục hồi tăng trưởng tốt thị trường khách nội địa, nhưng thị trường khách quốc tế còn chậm. Mục tiêu đón khách quốc tế 5 triệu lượt năm 2022 chỉ đạt khoảng 3,5 triệu lượt, trong khi trước năm 2019 ngành du lịch đón tới hơn 18 triệu lượt. Và năm 2023, chúng ta đưa ra chỉ tiêu đón khoảng 8 triệu lượt khách.
Do đó, kế hoạch phục hồi của toàn ngành du lịch phải tới năm 2025 mới về có thể phục hồi như giai đoạn năm 2019 trong điều kiện bình thường, còn nếu tiếp tục suy thoái thì sẽ khó khăn.
Liên quan đến vốn, nhu cầu vốn đối với toàn ngành du lịch luôn quan trọng và hết sức cần thiết. Ngay khi Thành phố mở cửa trở lại trạng thái "bình thường mới" tháng 10/2021, và Chính phủ quyết định mở cửa toàn bộ ngành du lịch từ 15-3-2022, Saigontourist Group đã lập tức nỗ lực phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh với nhu cầu vốn duy trì hoạt động thường xuyên, nâng cấp cơ sở vật chất, kết nối các thị trường khách truyền thống & thị trường khách mới, triển khai những dự án đầu tư mới…
Đối với Tổng Công ty việc triển khai đầu tư các dự án mới đã nằm trong kế hoạch xây dựng vốn, tuy nhiên ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện các dự án do nhiều cơ chế, chính sách vẫn còn nhiều bất cập trong việc gia hạn các hợp đồng thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, các thủ tục xin điều chỉnh mức đầu tư dự án, xin giấy phép.... Qua đó, vấn đề này cũng rất mong các Bộ, Ngành Trung ương, địa phương quan tâm, giúp đỡ doanh nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp giải quyết được các vướng mắc về thủ tục, chính sách đẩy mạnh hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, đóng góp mạnh mẽ vào ngân sách Nhà nước.
Chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ ngành du lịch trong giai đoạn hồi phục sau dịch ít nhất đến hết năm 2023. Do thị trường toàn ngành chưa thật sự hồi phục, đặt biệt là du lịch quốc tế còn nhiều khó khăn, dự kiến sớm nhất đến năm 2025 trở lại bình thường.
Theo đó, kiến nghị Chính phủ cùng các cơ quan Trung ương tiếp tục quan tâm giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp ngành du lịch, kéo dài thời gian, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, tạo động lực phục hồi phát triển cho doanh nghiệp.
Đối với những DN du lịch đang vay vốn, đề xuất được xem xét khoanh nợ, giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ…
16:08 ngày 06/02/2023
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA)
Phải kéo giảm lãi suất trong 6 tháng tới
Với chủ đề của tọa đàm hôm nay, điều đầu tiên DN muốn kiến nghị là sự đột phá. Mong muốn sự vào cuộc của các cơ quan chức năng với tinh thần đột phá. Ý nghĩa, tiêu đề của Nghị quyết 01 phải được thực hiện một cách quyết liệt. Ví dụ, trong hệ thống văn bản có độ vênh thì Chính phủ và các bộ ngành có thể ra văn bản hướng dẫn cho DN vận dụng, các nào có lợi nhất cho DN để tạo cú hích cho đột phá.
Về giải pháp tiếp cận nguồn vốn, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, NH Nhà nước và các NH cần có giải pháp rõ ràng hơn nữa. Nếu lãi suất dài hạn trên 10% thì DN "không có cửa" để đầu tư nên cần làm sao kéo lãi suất dài hạn xuống, nên vạch lộ trình cụ thể từ đây đến 6 tháng đưa lãi suất dài hạn xuống để kích thích đầu tư.
Chúng ta đều biết NH cũng là DN, cũng cần có lợi nhuận để bảo đảm quyền lợi NH, cổ đông... nhưng nên có sự đồng hành chia sẻ với cộng đồng DN. Hiện nay, DN đang sử dụng tài sản BĐS làm tài sản thế chấp để vay vốn. Trong bối cảnh giá BĐS giảm, tỉ lệ giải ngân trên giá trị BĐS giảm thì nguồn vốn giải ngân cho DN rất thấp. Một số DN đã ký hợp đồng vay nhưng cả 2 giá trị bị kéo xuống, tỉ lệ giải ngân cũng bị kéo xuống, buộc họ phải bổ sung tài sản thế chấp, thực tế này đang tạo thêm áp lực cho DN.
Thứ 3, TP HCM có chương trình cho vay kích cầu đầu tư hỗ trợ rất tốt cho DN giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, từ 2021 đến nay chương trình bị dừng. Cộng đồng DN rất mong TP HCM nối lại chương trình này để hỗ trợ vốn kích cầu đầu tư cho các ngành công nghiệp trọng điểm và các lĩnh vực giáo dục, môi trường...
Thứ 4, không chỉ ngành BĐS mà nhiều ngành, lĩnh vực khác cũng đang gặp nhiều khó khăn. Chúng ta đang kỳ vọng vào sự dịch chuyển nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam. Khi đi vào phân tích kỹ, để thu hút khách vào nhà đầu tư nước ngoài thì chúng ta phải dọn dẹp nhà cho sạch sẽ: các khu công nghiệp của chúng ta phải đạt chuẩn sinh thái, đạt chuẩn xanh – bền vững để xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới. Vì vậy, kiến nghị Nhà nước có những chính sách thúc đẩy cơ chế ưu đãi và đẩy dòng vốn vào các lĩnh vực phát triển bền vững.
Đơn cử, ngành may mặc của chúng ta đang thiếu đơn hàng trong khi Banglades dư thừa đơn hàng vì tất cả các khâu của họ đã đạt tiêu chuẩn xanh. Nhân cơ hội đang gặp khó khăn, Chính phủ cần có hỗ trợ cho DN chuyển đổi để họ vượt qua khó khăn giai đoạn này và hướng tới chu kỳ phát triển tiếp theo.
Cuối cùng, bên cạnh nguồn lực vốn thì nguồn lực đất đai cũng rất quan trọng. Quay trở lại cái gốc là cần những giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn cho nguồn lực đất đai vì đó nguồn lực có vai trò mở đường để khơi thông nguồn lực về vốn.
16:01 ngày 06/02/2023
- PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Khu vực nội địa đang có vấn đề
Từ nửa sau của năm 2022, tình hình kinh tế khó khăn với việc khô cạn nguồn vốn tín dụng và nhất là lĩnh vực bất động sản. Đáng chú ý là khó khăn của một bộ phận quan trọng bất nhất của nền kinh tế là khu vực nội địa.
Tại sao lại có tình trạng một nền kinh tế tốt nhưng khu vực nội địa, nguồn nội lực tốt lại khó khăn như vậy? Đây là vấn đề cần phải mổ xẻ, để có giải pháp chiến lược tập trung và tìm giải pháp tháo gỡ. Nếu không tìm ra đúng nguyên nhân sẽ rất khó tháo gỡ bởi thay vì tự hào nền kinh tế ổn định nhất thế giới, tính ứng biến cao, mà chúng ta quên khả năng ứng phó rất khó khăn… Do đó, cần phải nhận định để có giải pháp sát sườn.
Những trục trặc này theo tôi đến từ cấu trúc "nhị nguyên" của nền kinh tế bao gồm nền kinh tế FDI (vốn đầu tư nước ngoài - PV) và nền kinh tế bản địa. Khi khu vực FDI vẫn tăng trưởng tốt trong điều kiện khó khăn của khu vực nội địa. Phân tích ra, chúng tôi thấy có 2 điểm cần lưu ý, là cung ứng vốn cho khu vực FDI không thuộc trách nhiệm của khu vực tài chính của Việt Nam mà chủ yếu vốn từ nước ngoài nên câu chuyện khô cạn về vốn của nền kinh tế không ảnh hưởng FDI. Đây là một trong những lý do rất cơ bản. Và, nếu chúng ta cứ nói kinh tế tốt thì sẽ gây rủi ro cho khu vực nội địa rất lớn. Phải làm sao tăng cường cung ứng vốn cho khu vực nội địa?
Đồng thời, những ách tắc về vốn còn liên quan đến ràng buộc thể chế về luật lệ, pháp lý như về đất đai, cơ chế xin - cho… Vậy thì, cái gọi là "khu vực nội địa" đang bị trói buộc rất nhiều so với khu vực FDI. Và trong điều kiện lạm phát tăng lên, lãi suất cao, nền kinh tế bất ổn sẽ tiếp tục tác động tới khu vực nội địa của nền kinh tế. Nếu lãi suất cao 15%-16%/năm như hiện nay, làm sao DN sống được? Trong khi đó, những cái trói buộc, những điều kiện khách quan và chủ quan khiến các NH không thể hạ lãi suất được, ảnh hưởng tới DN. Chưa kể, đây là thời đại tiền khó rồi, nên các DN và nền kinh tế cũng phải tính đến trường hợp này.
Trong bối cảnh khó khăn này, một điều rất then chốt là việc bơm vốn cho nền kinh tế qua kênh đầu tư công quá chậm sẽ rất khó đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế. Giải ngân vốn cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng quá chậm.
Đồng thời, cấu trúc thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường NH liên quan đến vốn tín dụng và thị trường trái phiếu DN và thị trường cổ phiếu cũng phát triển lệch lạc, méo mó; gánh nặng đổ về thị trường vốn tín dụng nhiều quá.
Bản thân hệ thống thị trường tài chính, tiền tệ đang có vấn đề; hệ thống đầu tư công cũng có vấn đề… chưa đồng bộ, quá nhiều thủ tục xin cho. Do đó, cần cách tiếp cận rất cơ bản cho hệ thống thị trường này, cũng như cần giải pháp thể chế để cân bằng lại, trong đó đặc biệt, thị trường trái phiếu DN và thị trường cổ phiếu phải phát triển an toàn, lành mạnh, bảo đảm chia sẻ rủi ro, san sẻ gánh nặng cho NH…
Cần giải pháp đột phá
Về vĩ mô, với những giải pháp cụ thể, tôi cho rằng cần có giải pháp hỗ trợ, khuyến khích đối với khu vực kinh tế nội địa để có điều kiện tương xứng với khu vực FDI, làm sao để lãi suất ổn định, chứ quá cao như hiện nay sẽ rất khó. Hệ thống khuyến khích cho DN nội địa phát triển phải thay đổi từ bộ máy nhà nước, bộ máy chính quyền, làm sao đạt hiệu quả của quản lý nhà nước. Cấu trúc lại, cải cách hệ thống tài chính để ổn định an toàn… Đồng thời, cần tập trung cao độ tái cấu trúc hệ thống thị trường, gắn với thị trường trái phiếu DN; điều chỉnh Nghị định 65 về trái phiếu DN phù hợp để thị trường này phát triển tốt hơn.
Cách tiếp cận đối với nguồn lực công hiện nay cũng đang có sự thay đổi. Chưa bao giờ thấy Chính phủ ráo riết đẩy mạnh đầu tư công như hiện nay. Cách làm của Chính phủ sẽ giúp có lượng vốn cho DN qua kênh đầu tư công. Đi cùng với đó, cần rà soát lại cơ chế giải ngân, giảm các thủ tục quá phức tạp; cần rà soát quy chế cách làm…
Về tinh thần, khó khăn của nửa năm qua không phải do chúng ta thiếu vốn mà do cách hành động của chúng ta, trong công việc và trong chống tham nhũng có gây ra chấn động lòng tin, làm tổn thưởng nền kinh tế thị trường…
Do đó, có 2 cách tiếp cận tôi cho rằng cần phải làm như Thủ tướng Chính phủ từng chỉ đạo, là tuyệt đối không hình sự hóa kinh tế; tránh "quay xe" chính sách, làm cho DN không hoạt động được và bộ máy hành chính không dám hoạt động.
Tôi tin rằng với năng lực trỗi dậy của DN, khả năng ứng biến của Chính phủ, Quốc hội như năm rồi thì sẽ xử lý được nhiều vấn đề. Dù tình hình có nhiều khó khăn nhưng cần những giải pháp đột phá, đột biến bởi nếu chỉ chăm chăm vào tháo gỡ sẽ rất khó.
15:35 ngày 06/02/2023
Ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lê Thành
Thiếu nhà ở xã hội vì doanh nghiệp bị "làm khó"?
Nhà ở xã hội (NOXH) để triển khai được cần 3 cơ quan đó là Nhà nước, doanh nghiệp, người dân. Thời gian qua, Chính phủ chỉ đạo tập trung tháo gỡ cho thị trường bất động sản, đưa ra nghị quyết về việc phát triển 1 triệu căn NOXH trong vài năm tới. Để hoàn thành con số này trong thời gian còn lại thì tất cả phải nổ lực rất rất nhiều chứ không còn nhiều thời gian.
Ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lê Thành
Vậy vấn đề là vướng ở đâu mà NOXH triển khai chậm?
Đầu tiên theo tôi, doanh nghiệp phải làm NOXH thì mới có nhà cho người dân mua. Nhưng vừa qua chính sách hỗ trợ chỉ tập trung hỗ trợ người mua NOXH mà không hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho người làm ra NOXH. Bằng chứng là thời gian qua, ngân hàng chỉ hỗ trợ lãi suất, tiền cho người vay mua NOXH. Nhưng hỏi có nguồn tiền nào để cho doanh nghiệp làm ra NOXH vay thì thì xin thưa là không?!. Cuối cùng là nếu có 1.000 người đang có nhu cầu mua NOXH thì nhà đâu để mua?
Tuy nhiên, nếu có khả năng, có thể làm NOXH thì tại sao doanh nghiệp lại không làm? Từ thực tế bản thân tôi hiểu là do "làm không lời nên họ không làm". Và hỏi họ có được hỗ trợ gì không thì rõ ràng là đọc các Nghị định, quy định thì có nhưng để doanh nghiệp được hỗ trợ là một con đường rất dài.
Chúng tôi làm nhà ở thương mại và NOXH thì lợi nhuận 2 loại nhà này khác nhau. Nếu làm NOXH chỉ lãi 10% nhưng thời gian làm mất hết 5 năm, vậy mỗi năm lợi nhuận chỉ có 2% thì thà để ngân hàng còn lời nhiều hơn. Vậy nên nếu không có nhiều tâm huyết như chúng tôi thì các doanh nghiệp khác sẽ không làm. Đáng nói hơn là khi chúng tôi đã làm thì lại bị thanh tra, kiểm tra liên tục. Các doanh nghiệp khác họ thấy vẫn cũng sợ quá nên thà không làm NOXH hoặc là làm rồi từ bỏ. Cuối cùng không có sản phẩm NOXH cho thị trường.
Tóm lại, câu chuyện của NOXH là cần tháo vướng. Vướng ở đây là luật. Các quy định trong Luật do chính con người làm ra sao chúng ta không sửa?
Việc đẩy mạnh phát triển NOXH cơ quan Nhà nước nói từ nửa năm nay nhưng chưa có văn bản nào ban hành cụ thể. Chúng tôi làm doanh nghiệp cần cụ thể, chứ không thể nào căn cứ trên "báo đài". Chúng tôi cần có quyết định số mấy, văn bản nào? Bởi cơ bản, lãnh đạo, cán bộ ở các tỉnh thành họ cũng sợ nếu không có văn bản cụ thể, làm mà sai họ phải chịu. Vì vậy cần có văn bản, quy định cụ thể để họ làm.
Tóm lại, cơ quan Nhà nước từ Trung ương cần có quy trình riêng, nhanh... cải cách hành chính hóa. Ví dụ, phải quy định rõ nếu doanh nghiệp hỏi mà trong 10-15 ngày không trả lời xem như đồng thuận, để chúng tôi có thể áp dụng. Một văn bản 1 tháng mà hỏi sở này đến sở khác lòng vòng 4-5 tháng vẫn chưa có câu trả lời thì quá khó cho doanh nghiệp.
Còn về lãi suất, chúng tôi vay làm NOXH phải lãi suất phải 14%/năm thì làm sao kéo giảm giá bán NOXH được. Trong khi cho vay nhà ở thương mại rủi ro cao hơn đến 250%. Đó là lý do không có NOXH cho người dân.
15:29 ngày 06/02/2023
TS Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam
Quá trình sàng lọc sẽ rất đau đớn
Thị trường BĐS có vai trò lớn và tiềm năng lớn của nền kinh tế. Phát triển BĐS là nền tảng cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và là động lực cho nền kinh tế. Những gì diễn ra trên thị trường vừa rồi chỉ là sự cố có tính chất kỹ thuật, tạm thời.
Khôi phục thị trường BĐS là 1 trong những nhiệm vụ hàng đầu hiện nay. Chúng ta bước vào năm 2023 mà theo báo cáo của Chính phủ là có nhiều thuận lợi, khó khăn nhưng khó khăn nhiều hơn năm 2022. Để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, thu hút dòng tiền trở lại thị trường BĐS, trước hết phải giải quyết các vấn đề về thể chế và pháp lý, thủ tục hành chánh.
Theo phản ánh của các DN BĐS, 70% vướng mắc hiện nay của các DN đến từ thủ tục hành chính. Nếu đúng như vậy thì quan trọng hàng đầu phải là giải quyết vướng mắc thủ tục và thể chế.
Anh Lê Hữu Nghĩa vừa có phân tích về nhà ở xã hội, chúng ta dường như đã thống nhất với nhau về chủ trương phát triển nhà ở xã hội nhưng chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện.
Trong điều kiện hiện nay, tâm lý sợ sai đang phổ biến, các bộ ban ngành đang có những hướng dẫn chồng chéo thì việc đưa ra những quy trình để triển khai hết sức cần thiết. Nên chăng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có văn bản để quy định vấn đề này.
Cần hệ thống lại pháp lý, các chính sách để trên cơ sở đó dẫn dắt cho việc tái cấu trúc thụ trường vốn cho BĐS và khơi thông nguồn vốn vào thị trường này; đa dạng các nguồn vốn của các NH từ trái phiếu, cổ phiếu, các quỹ đầu tư… thay cho nguồn vốn tín dụng NH.
Mặc dù vậy, trong giai đoạn chuyển tiếp này thì vai trò của nguồn vốn tín dụng rất quan trọng. Nghị quyết 01 của Chính phủ nêu rất rõ chính sách tài chính, chính sách tiền tệ phải chắc chắn và linh hoạt, điều đó bảo đảm đối phó với áp lực lạm phát đang gia tăng. Các biện pháp hỗ trợ DN giãn, hoãn, giảm… cần được tiếp tục.
Cũng cần nói thêm, quá trình khôi phục thị trường BĐS sẽ là quá trình sàng lọc rất đau đớn, sẽ có những DN buộc phải rời thị trường, có những DN rơi vào khó khăn. Nguồn vốn NH phải tập trung vào những lĩnh vực tiềm năng để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Quan trọng là sự minh bạch của thị trường BĐS và chính sự minh bạch của thị trường này sẽ dẫn dắt dòng vốn đầu tư vào thị trường này.
15:18 ngày 06/02/2023
Ông Trương Đình Long, Phó tổng giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB)
Trong năm nay, OCB mục tiêu triển khai vốn tín dụng hướng đến những nhóm khách hàng DN vừa và nhỏ, DN siêu nhỏ. Theo đó, NH sẽ giảm lãi suất ưu đãi hơn so với thông thường từ 1,5-2 điểm % và ngay từ đầu năm gói tín dụng ưu đãi này sẽ được triển khai với quy mô khoảng 25.000 tỉ đồng. Và mục tiêu là khách hàng phải tiếp cận được vốn.
Về khó khăn của DN trong tiếp cận vốn chúng tôi cũng hiểu được, bản thân OCB cũng là DN nhưng là DN đặc thù và cũng chịu chung khó khăn trong nền kinh tế. Do đó, để triển khai dòng vốn tín dụng hiệu quả hướng vào DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ, chúng tôi đã định hướng tập trung tìm kiếm khách hàng tốt thông qua các hiệp hội DN, phòng thương mại - phòng kinh tế quận huyện…
Về lãi suất, hiện có 2 nhóm lãi suất cho vay ngắn hạn với DN từ 8-12%/năm và khách hàng cá nhân tối đa khoảng 12%, giảm từ 1,5-2%/năm so với biểu lãi suất thông thường. Các gói lãi suất sẽ triển khai trên toàn hệ thống, có giám sát, điều chỉnh để hiệu quả, tới được tay khách hàng.
Về lĩnh vực bất động sản, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, dự báo thị trường này sẽ tiếp tục khó khăn. Để cung ứng vốn cho thị trường bất động sản, OCB xác định ngay từ đầu năm đánh vào nhu cầu thực của khách hàng, tìm hiểu nhu cầu thực của khách hàng. Đối với những dự án chưa bàn giao hoặc các dự án không có liên kết với OCB, chúng tôi quan điểm cần phải kiểm soát rủi ro chặt chẽ để bảo đảm an toàn tín dụng.
15:13 ngày 06/02/2023
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA)
Thị trường bất động sản đang rất khó khăn. Năm 2022 là năm mà tính chất khó khăn đó có thể nói là khắc nghiệt nhất của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người tiêu dùng bất động sản. Năm 2023 là bản lề, mang tính sống còn của doanh nghiệp bất động sản.
Khó khăn pháp lý chiếm 70% khó khăn của doanh nghiệp bất động sản. Thị trường bất động sản là ngành quan trọng nhất trong nhóm 21 ngành của kinh tế. Bất động sản liên quan tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Sự phát triển của ngành này ổn định sẽ có lợi cho các ngành khác. Dòng vốn của ngân hàng cũng đã xác định và hướng vào ngành bất động sản chân chính. Cuộc họp với Chính phủ ngày mốt (8-2), một số doanh nghiệp bất động sản tại TP HCM sẽ được mời trực tiếp dự.
Năm 2017, thị trường bất động sản có 42.991 sản phẩm được tung ra, sau đó giảm dần qua các năm còn 28.000 năm 2018, rồi 23.000 năm 2019 và năm 2020 còn 16.894 sản phẩm. Đến năm 2021 chỉ 13.849 sản phẩm được bán ra và 2022 chỉ hơn 12.100 sản phẩm. Tốc độ giảm quy mô lớn theo từng năm. Tình trạng này là do thiếu dự án mà nguyên nhân chính là do vướng mắc pháp lý. Chúng tôi đang cùng doanh nghiệp tháo gỡ. Ở các nước, đa phần là nhà ở vừa túi tiền, trung cấp, còn nhà cao cấp siêu sang phải đếm trên đầu ngón tay. Nhưng ngược lại, tại Việt Nam con số này lại khác. Tỉ lệ nhà ở vừa túi tiền giảm dần và ngày càng biến mất. Trong khi nhà cao cấp lại chiếm áp đảo. Nhà ở xã hội dù kế hoạch 5 năm qua đã có mà vẫn thiếu trầm trọng.
Toàn cảnh tọa đàm do Báo Người Lao Động tổ chức
Theo tôi, trong những khó khăn thì vướng mắc pháp lý là lý do lớn nhất, cần tập trung tháo gỡ. Tiêu biểu Nghị quyết 16 của Trung ương, với mục tiêu ghi rõ là đến hết 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật đất đai 2013 và một số luật liên quan để đồng bộ. Ví dụ, Luật đầu tư chỉ ghi phù hợp quy hoạch đô thị nhưng Nghị quyết 21 hướng dẫn luật thì lại hiểu là quy hoạch đô thị phải phù hợp quy hoạch chi tiết 1/500, hay 1/2000. Từ đó gây khó cho chủ trương xin dự án chứ không phải "tự động" được duyệt theo quy định của Luật.
Thực thi của cơ quan là yêu cầu chủ đầu tư phải làm việc với sở, điều chỉnh 1/2000 mà đây là trách nhiệm của Nhà nước không phải của doanh nghiệp. Trong khi doanh nghiệp làm dự án nhà ở xã hội lẽ ra phải được ưu đãi. Cụ thể, Nghị định 100 Chính phủ nêu rõ giảm 70% thuế nhưng Luật Thuế không quy định nên Cục thuế không áp dụng. Doanh nghiệp đinh ninh mình được giảm nhưng thực tế lại không được giảm dù đã nộp 50% thì doanh nghiệp bị phạt. Cụ thể là trường hợp của Công ty Bất động sản Lê Thành.
Nhận thấy tình hình khó khăn nói trên, vào cuối năm 2022, Thủ tướng đã ký các công điện liên tục để tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản. Nghị quyết 01 hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp tục nhắc lại những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường.
Ngân hàng Nhà nước cũng có nhiều thông tư tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó các quy định liên quan đến việc miễn giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp cũng như miễn giảm lãi, phí đối với người vay. Trong chuyện cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ là cực kỳ quan trọng. Bởi cái khó là không phải lãi suất cao mà không được tiếp cận vốn ngân hàng.
Ngân hàng ấn định tới đây vốn cho vay còn ít hơn. Từ ngày 1-10-2022, theo quy định tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng điều chỉnh từ 37% xuống 34%. Đến 1-10-2023 sẽ tiếp tục giảm còn 30%. Do đó, kiến nghị NHNN cho giãn thêm thời gian, vì nếu tỉ lệ này xuống còn 30% từ 1-10-2023 thì có nghĩa là các NHTM sử dụng 100 đồng chỉ còn dùng 30 đồng cho BĐS. Điều đó có nghĩa, nguồn lực cho vay ngày càng ít đi trong khi các doanh nghiệp đang kiệt quệ.
Lãnh đạo UBND TP HCM cũng có chỉ đạo Sở Xây dựng làm việc với chúng tôi để làm việc với một số doanh nghiệp bất động sản, tháo gỡ một số dự án cụ thể. Như vậy trong 1 tuần hoặc 10 ngày nữa sẽ có cuộc họp này.
Chúng tôi xác định nếu bất động sản phục hồi, lan tỏa thì thúc đẩy rất nhiều ngành nghề khác. Vừa qua, khi nhà thầu dừng triển khai dự án, nhiều công nhân đã mất việc, nhiều doanh nghiệp giảm lương 50% nhân sự, giảm lương 80%. Có doanh nghiệp kiếm vay tiền cho nhân sự lương tháng 13 cũng không có. Nếu năm 2023 này, không có giải pháp hiệu quả cho DN nói chung DN bất động sản nói riêng sẽ có kết quả không tốt.
Hiện nay chúng tôi cũng đang lo về nguy cơ thôn tín dự án bất động sản. Nên mong NHNN vận dụng Nghị quyết 14 hỗ trợ cho các doanh nghiệp Nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân...
Tới đây chúng tôi sẽ đề nghị Ngân hàng Nhà nước xây dựng thông tư riêng trong đó có cho phép cơ cấu nợ, không chuyển nhóm nợ. Vì dòng tiền vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp bất động sản. Khi dòng tiền luân chuyển có lợi các bên mà khởi đầu là từ các doanh nghiệp chủ đầu tư dự án bất động sản. Khi có tiền, dự án được triển khai, người mua có sản phẩm mua thì dòng tiền này quay lại doanh nghiệp...
Thực tế, đối với trách nhiệm của các doanh nghiệp bất động sản, chúng tôi cũng nhìn nhận, họ cần phải tự vận động, nỗ lực và cần coi lại chính mình. Phải chủ động tái cơ cấu sản phẩm, giảm giá bán. Có doanh nghiệp giảm 40-50% nhưng chúng tôi cũng yêu cầu họ giảm thực chất chứ không nâng lên rồi giảm giá.
Chúng tôi cũng đề nghị cơ quan Nhà nước có trách nhiệm giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp. Mục tiêu 2023 sẽ giải quyết 26.000 sổ hồng cho người dân.
Năm 2023 khó khăn cần thấu hiểu từ cơ quan Nhà nước, cùng đồng hành để đem lại điều tốt đẹp cho doanh nghiệp, cho người dân.
Chúng tôi cũng đang chờ lịch Thủ tướng làm việc doanh nghiệp bất động sản để có hướng ra tích cực.
14:36 ngày 06/02/2023
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP HCM
Có thể nói cùng với các kênh dẫn vốn khác, nguồn vốn tín dụng NH đã và đang giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thị trường bất động sản trong nhiều năm qua.
Năm 2022, dư nợ tín dụng bất động sản chiếm khoảng 28% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP HCM với mức tăng trưởng tín dụng khoảng 16% - cao hơn mức tăng trưởng chung của thành phố là 13,8%. Trong đó, cho vay tiêu dùng, cho vay mục tiêu tự sử dụng, cá nhân vay mua nhà… chiếm khoảng 70%. Qua đánh giá chung, ngành NH vẫn giữ vai trò quan trọng đối với thị trường bất động sản.
Trên cơ sở Nghị quyết 01 của Chính phủ và Chỉ thị 01 của NHNN về những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023, NHNN chi nhánh TP HCM sẽ tập trung vào 3 nhiệm vụ lớn: Bám sát định hướng chỉ thị của NHNN về các giải pháp, nhiệm vụ, thực hiện nghị quyết của Chính phủ, NHNN cũng giao cho NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố 25 nhóm nhiệm vụ cụ thể; đồng thời hỗ trợ tốt cho DN nói chung và tạo ra bước đột phá như chủ đề của tọa đàm của Báo Người Lao Động.
Đồng thời, ngành NH tại TP HCM cũng sẽ thực hiện tốt chính sách hỗ trợ lãi 2% đối với các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân… Các tổ chức tín dụng được chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ 22 nhóm của NHNN giao, trong đó có bảo đảm khai thác và sử dụng vốn hiệu quả; kiểm soát cơ cấu huy động vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn; hỗ trợ vốn cho DN và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển như định hướng.
Tuy vậy, cả tổ chức tín dụng và DN đều phải phải tôn trọng kỷ luật, kỷ cương, trong đó gồm cả DN bất động sản thông qua việc triển khai những dự án hiệu quả; các dự án nhà ở xã hội, dự án xây dựng nhà ở cho thuê… Với những định hướng này và cùng với kinh nghiệm thực tiễn gói 30.000 tỉ đồng trong quá khứ kỳ vọng sẽ có sự đột phá trong thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Dù vậy, đối với tín dụng bất động sản là vốn trung dài hạn, còn bản chất của hoạt động NH thương mại là ngắn hạn đáp ứng vốn lưu động cho DN và nền kinh tế. Do đó, với cơ cấu tín dụng như trên, ngành NH đã và đang nỗ lực, trong bối cảnh các kênh dẫn vốn khác đang gặp khó khăn. Vì vậy, cùng với vốn tín dụng NH, chúng tôi cho rằng các kênh khác như vốn chứng khoán, trái phiếu DN cũng cần phải khơi thông để cùng đồng hành hỗ trợ DN và nền kinh tế.
Bình luận (0)