xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

HÓA GIẢI KHÓ KHĂN ĐỂ PHÁT TRIỂN: Tạo động lực tăng trưởng mới

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nghị quyết 01/2023 về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực mới nhằm hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp

Ông TÔ HOÀI NAM, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa:

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Dù đang trên đà hồi phục song doanh nghiệp (DN) Việt Nam cũng như toàn bộ nền kinh tế vẫn đối mặt nhiều nguy cơ, thách thức. Trong lúc tình hình chưa thật sự ổn định, cộng đồng DN, trong đó đại đa số là DN nhỏ và vừa, rất dễ bị tổn thương.

Nhằm hỗ trợ DN tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới, Hiệp hội DN nhỏ và vừa đã kiến nghị Chính phủ một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khu vực này. Cụ thể: Cần đẩy mạnh việc triển khai Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa trên 2 phương diện là ban hành chính sách và thực thi; cần thiết triển khai việc cấp bù lãi suất để thúc đẩy ngân hàng mở rộng quy mô vốn vay cho DN nhỏ và vừa; gia hạn chính sách hỗ trợ về tài khóa đến hết năm 2023.

Quan trọng không kém là cải cách thủ tục thuế, chế độ kế toán cho DN nhỏ, siêu nhỏ. Nhanh chóng ban hành chính sách hỗ trợ mua bán trực tuyến dành riêng cho DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh nhằm hỗ trợ đối tượng này thích ứng với sự thay đổi mạnh mẽ của hoạt động giao thương. Bên cạnh đó, cần chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; khuyến khích nhà đầu tư tư nhân trong nước mạnh dạn thành lập các khu, cụm vườn ươm tạo DN nhỏ và siêu nhỏ...

Ông TRẦN THANH VŨ, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vinagroup:

Mong tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất 2%

Ngành du lịch đang phục hồi nhanh chóng. Chỉ riêng du lịch nước ngoài đã ghi nhận sự khởi sắc rõ rệt ở một số thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản...

Cơ hội có nhiều nhưng khó khăn cũng không ít, nhất là khó khăn về nguồn vốn, tiếp cận vốn. Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đã triển khai được một thời gian nhưng tính đến thời điểm này, vẫn rất ít DN du lịch tiếp cận được. Do đó, DN ngành du lịch kỳ vọng các chính sách hỗ trợ cần được triển khai mạnh mẽ hơn với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý. DN cũng mong muốn Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm lãi suất để giảm áp lực tài chính.

Nghị quyết 01/2023 đã nêu rõ yêu cầu của Chính phủ là tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tập trung khai thác thị trường khách du lịch truyền thống; hoàn thiện chính sách tạo thuận lợi về xuất nhập cảnh và đi lại cho khách quốc tế; tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế mở đường bay mới, đường bay trực tiếp kết nối với thị trường du lịch trọng điểm và tiềm năng...

Ông NGUYỄN QUANG TRUNG, Trưởng Ban Kế hoạch phát triển Vietnam Airlines:

Kiến nghị nhiều nhóm giải pháp lớn

Đặc thù của ngành hàng không dân dụng là chịu tác động rất lớn từ những yếu tố khách quan với rất nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Tại Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 giai đoạn 2021-2025, hãng đã kiến nghị một số nhóm giải pháp lớn, gồm: nhóm chính sách hỗ trợ thanh khoản; nhóm chính sách tài khóa như miễn - giảm thuế, thay đổi chính sách khấu hao; nhóm chính sách bảo đảm vai trò của hãng hàng không quốc gia; nhóm chính sách về cơ chế đặc thù khi thực hiện thoái vốn tại các DN có vốn góp của Vietnam Airlines.

Chúng tôi cũng kiến nghị nhà nước giám sát giá bán của các hãng hàng không, bảo đảm giá bán trung bình phải cao hơn giá thành, qua đó bảo đảm các hãng cạnh tranh lành mạnh và bền vững, không triệt tiêu lẫn nhau.


HÓA GIẢI KHÓ KHĂN ĐỂ PHÁT TRIỂN: Tạo động lực tăng trưởng mới - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp kiến nghị giảm lãi suất và điều chỉnh điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% theo hướng tạo thuận lợi hơn cho việc giải ngânẢnh: THANH NHÂNLuật sư NGUYỄN ĐỨC NGHĨA, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ - Hội Doanh nghiệp TP HCM:

Cần tăng thêm nguồn lực hỗ trợ

DN hiện đối mặt rất nhiều khó khăn do chuỗi cung ứng bị đứt gãy, không có đơn hàng sản xuất dự trữ lẫn đơn hàng mới, dẫn đến phải nợ lương, cắt giảm nhân lực, ảnh hưởng đến đời sống của người lao động. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay quá cao cũng khiến nhiều DN không đủ sức gồng gánh chi phí vốn vay.

Trước thực trạng trên, chúng tôi kiến nghị nhà nước tăng thêm nguồn lực cho DN. Cụ thể, sớm tháo gỡ nút thắt của gói hỗ trợ lãi suất 2% để DN dễ dàng tiếp cận; khuyến khích các ngân hàng thương mại giảm lợi nhuận, sử dụng nhiều hơn nguồn vốn ngắn hạn với lãi suất huy động chỉ 0,1% - 0,2% để cho vay trung - dài hạn nhằm giảm thêm lãi suất.

Ngoài ra, chính sách tài khóa cần mềm dẻo hơn theo hướng giảm thuế suất thuế thu nhập DN xuống còn 15% - 17%; xem xét giảm thuế suất thuế thu nhập cá nhân; tiếp tục giãn, gia hạn thời hạn nộp thuế...

Ông NGUYỄN TÙNG ANH, Trưởng Phòng Phân tích Tín dụng và Dịch vụ tài chính xanh thuộc FiinRatings:

Kiểm soát lạm phát, ổn định tỉ giá

Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2023 ở mức 14% - 15%. Trong đó, ưu tiên vốn cho ngân hàng có chất lượng tài sản, bộ đệm vốn và chất lượng lợi nhuận tốt hoặc ngân hàng thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động thị trường tài chính, kiểm soát lạm phát và ổn định tỉ giá.

Từ cuối năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực để hỗ trợ DN và nền kinh tế. Chính phủ sẽ kiên trì biện pháp giữ ổn định thị trường cùng quan điểm không hình sự hóa các quan hệ kinh tế nên dự kiến ít có khả năng xảy ra sự kiện bất thường ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại vẫn cần theo dõi chặt chẽ, bảo đảm các chỉ tiêu thanh khoản ở mức cho phép, tạo bộ đệm thanh khoản để đối phó những tình huống bất thường, qua đó hỗ trợ tốt hơn cho DN.

Ông NGUYỄN VĂN MƯỜI, Phó trưởng Cơ quan phụ trách phía Nam - Hội Làm vườn Việt Nam (VACVINA):

Cần giải pháp liên kết sản xuất nông nghiệp

Hầu hết thị trường nhập khẩu nông sản của Việt Nam gần đây đều nâng cao tiêu chuẩn hàng hóa, rõ nhất là thị trường Trung Quốc. Trong bối cảnh các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... vẫn đối mặt với lạm phát dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm, động thái mở cửa của Trung Quốc sẽ tạo cơ hội tốt cho đầu ra của nông sản Việt Nam song cũng đi kèm áp lực không nhỏ.

Giải pháp liên kết tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị đã được đề cập nhiều nhưng ít nơi thực hiện thành công. Một trong những nguyên nhân chính là do DN trong chuỗi liên kết không thể bảo đảm bao tiêu toàn bộ đầu ra trong khi đây là điều kiện để nông dân, HTX gắn bó bền chặt với chuỗi liên kết.

Để giải bài toán khó này, chúng tôi triển khai liên kết các DN cùng ngành để hợp tác, chia sẻ lợi nhuận và rủi ro trên cùng một vùng nguyên liệu, qua đó bảo đảm tiêu thụ hết hàng hóa cho nông dân. Ngoài ra, các DN còn liên kết xây dựng vùng nguyên liệu để đưa hàng hóa vào kênh phân phối trong nước, tăng tính cạnh tranh với rau quả nhập khẩu.

Như vậy, nếu như trước đây, DN Việt Nam trong cùng lĩnh vực chủ yếu cạnh tranh với nhau thì nay phải đẩy mạnh hợp tác. Có như vậy mới nâng cao được năng lực cạnh tranh của ngành hàng, tổ chức được vùng nguyên liệu không chỉ đủ phục vụ xuất khẩu mà còn phục vụ ngay chính thị trường 100 triệu dân trong nước. 

Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm "Nghị quyết 01 - Đột phá hỗ trợ doanh nghiệp"

2023 là năm bản lề của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Nền kinh tế cần nhiều hơn nữa những giải pháp hỗ trợ để hóa giải khó khăn, thách thức và hồi phục, tăng trưởng mạnh mẽ. Trong bối cảnh này, DN phản ánh còn khó khăn khi tiếp cận vốn cũng như các chính sách hỗ trợ của nhà nước; còn phải đối mặt với rào cản, vướng mắc về thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư - kinh doanh...

Vào lúc 14 giờ hôm nay, 6-2, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm với chủ đề "Nghị quyết 01 - Đột phá hỗ trợ doanh nghiệp" nhằm lắng nghe các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo bộ, ngành, hiệp hội, DN trao đổi, kiến nghị, hiến kế giải pháp thực hiện nghị quyết một cách hiệu quả, thiết thực, qua đó hỗ trợ tốt nhất cho DN cũng như nền kinh tế. Tọa đàm được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

T.Phương

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo