Chị Hiền Hạnh (TP Hà Nội) tỏ ra bất ngờ khi khám phá ra một ứng dụng có tên Clingme hỗ trợ hoàn tiền cho mọi hóa đơn được thanh toán tại tất cả hệ thống cửa hàng, nhà hàng, thẩm mỹ viện, rạp chiếu phim… trong hệ thống liên kết.
Cụ thể, chỉ cần tải ứng dụng về điện thoại, đăng ký nhận hoàn tiền, chụp lại hóa đơn đã thanh toán và gửi về hệ thống. Tùy từng đơn hàng, Clingme sẽ hỗ trợ hoàn trả vào tài khoản của khách từ 5%-20% giá trị hóa đơn trong vòng 24 giờ. "Hiện nay, có nhiều ứng dụng gọi món, đặt chỗ trước liên kết với nhà hàng, khách sạn ưu đãi đến vài chục phần trăm giá cho khách hàng theo hình thức trừ tiền trực tiếp khi thanh toán. Hình thức cashback này cũng chính là một cách giảm giá cho khách nhưng khá mới lạ nên khiến nhiều người tò mò. Bản thân tôi đã nhận được khá nhiều khoản tiền hoàn từ ứng dụng này. Điểm hạn chế là trong nhiều trường hợp, thời gian nhận được tiền lâu hơn 24 giờ" - chị Hạnh chia sẻ.
Một ứng dụng hoàn tiền khác cũng lôi cuốn khách hàng là Jamja - được quảng cáo là một trong những ứng dụng tiên phong cho khách hàng mua sắm và ăn tiệm tiết kiệm. Theo đó, ứng dụng này hỗ trợ người dùng săn tin khuyến mãi trong nhiều lĩnh vực như thời trang, làm đẹp, hàng quán và hoàn tiền ngay tại chỗ khi khách hàng thanh toán. Ngoài ra, hàng loạt ứng dụng săn giảm giá, khuyến mãi khác cũng tích cực chiếm lĩnh thị trường thời gian gần đây như: Hotdeal.vn, Ifind, Meete…
Theo giới chuyên gia thị trường, các ứng dụng ra đời giải quyết được bài toán hỗ trợ nhanh địa điểm ăn uống, mua sắm cho giới nhân viên công sở bận rộn, ít thời gian. Bên cạnh đó, khi các hình thức khuyến mãi, tặng quà truyền thống của các cửa hàng, địa điểm kinh doanh đã dần đi vào lối mòn và bão hòa thì việc săn ưu đãi trực tuyến được ưa chuộng hơn cả. Thay vì cửa hàng khuyến mãi cho khách 20% họ có thể chia sẻ phần ưu đãi này với bên thứ ba là một ứng dụng nào đó. Thậm chí, lợi ích của đơn vị kinh doanh còn lớn hơn khi có thể tận dụng ứng dụng để quảng cáo sản phẩm rộng rãi hơn. Mặt khác, mô hình kinh doanh O2O (online to offline) ngày càng giao thoa và hỗ trợ nhau trong việc định vị xu hướng tiêu dùng của khách hàng, dẫn đến việc các nhà bán lẻ buộc phải có biện pháp hỗ trợ khách hàng mua sắm trực tiếp thông qua mạng internet, từ quảng cáo trực tiếp trên Facebook, Zalo đến liên kết chia sẻ lợi nhuận với các ứng dụng.
Khách hàng thanh toán qua app điện thoại ở một cửa hàng 7-Eleven. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Về phía các ứng dụng, việc chia sẻ doanh thu với đối tác, bao gồm chia sẻ phần tiền cashback và phí hoa hồng theo doanh số, giúp thu về khoản lợi nhuận cố định. Nhưng không dừng ở đó, nhiều ứng dụng không ngại tiết lộ có thể thu được phí quảng cáo theo thỏa thuận đối với các cửa hàng, shop mới mở, các thương hiệu thời gian đầu ra mắt để lôi cuốn khách.
Người sáng lập và điều hành Clingme, ông Trần Hải Quang cho rằng ứng dụng phân tích vị trí của khách hàng để đưa ra các gợi ý tiêu dùng gần nhất với ưu đãi lớn nhất không chỉ có lợi cho khách mà còn có lợi cho nhà bán lẻ. Thông qua phân tích hành vi mua sắm tại một địa điểm, nhà bán lẻ có cách thức tiếp cận đúng khách hàng có nhu cầu, tiết kiệm được chi phí vận hành và tăng doanh thu.
Chuyên gia thương hiệu Lại Tiến Mạnh đánh giá câu chuyện các thương hiệu, nhà bán lẻ liên kết với các app để chia sẻ doanh thu là xu hướng hiện đại, cần tận dụng mạnh mẽ hơn nữa. Việc này không chỉ có lợi cho người tiêu dùng khi có công cụ thông minh hỗ trợ tìm kiếm nơi mua sắm mà còn giúp các nhà bán lẻ kéo được khách đến mua trực tiếp, cạnh tranh với hình thức mua sắm online, đặt hàng nước ngoài nở rộ hiện nay.
"Một thương hiệu có thể liên kết với rất nhiều ứng dụng để tăng doanh thu mà không cần phải lựa chọn ứng dụng nào hiệu quả hơn, bởi vì phần doanh thu được chia sẻ dựa trên sản phẩm bán ra. Đây là cách thức rất dễ dàng, tiện dụng với nhà bán lẻ" - ông Mạnh nói.
Bình luận (0)