Theo lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải của ô tô, xe máy thực hiện theo Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1-1-2017, các loại ô tô, xe máy đã được đưa vào sử dụng trước thời điểm này sẽ dùng nhiên liệu đáp ứng tiêu chuẩn khí thải theo các mức 2, 3 và 4.
Quá nhiều
Theo Bộ Công Thương, hiện tất cả các loại ô tô, xe máy đang lưu thông và sản xuất mới ở Việt Nam có tiêu chuẩn khí thải mức 2 và sử dụng nhiên liệu xăng hoặc dầu diesel có chất lượng tương ứng với các quy chuẩn được đưa ra. Quy chuẩn này dựa trên cơ sở tiêu chuẩn an toàn của các nước có nền công nghiệp ô tô phát triển, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Tuy nhiên, chuyện về khí thải từ động cơ tham gia giao thông vẫn luôn gây nhiều lo ngại bởi sự tăng trưởng mạnh của lưu lượng xe cộ tại đô thị với lượng phát thải các khí độc hại gây ô nhiễm không khí ngày càng nhiều. Để góp phần bảo vệ môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg về việc quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô, mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới. Theo đó, từ ngày 1-1-2017, tiêu chuẩn mức khí thải cho các loại ô tô, mô tô hai bánh có lắp động cơ nhiệt sẽ bao gồm: mức 2 (đối với ô tô, xe máy đã được đưa vào sử dụng trước ngày 1-1-2017), mức 3 (cho xe máy đưa vào sử dụng sau ngày 1-1-2017) và mức 4 (cho ô tô đưa vào sử dụng sau ngày 1-1-2017). Từ ngày 1-1-2022, tiêu chuẩn mức khí thải cho các loại ô tô, mô tô hai bánh có lắp động cơ nhiệt sẽ bao gồm: mức 2, 3 và 5.
Thực hiện quyết định này, ngày 11-11-2015, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2015/BKHCN về xăng, nhiên liệu diesel và nhiên liệu sinh học. Theo đó, từ đầu năm 2017, trên thị trường có thể tồn tại 9 loại xăng không chì, gồm: RON90-II, RON92-II, RON95-II, RON92-III, RON95-III, RON98-III, RON92-IV, RON95-IV, RON98-IV. Trong khi đó, số lượng xăng không chì hiện nay chỉ là 3 loại. Tương tự, chủng loại sản phẩm đối với xăng E5, E10 và diesel cũng tăng lên gấp 3 lần.
Với số lượng chủng loại xăng, dầu quá lớn như vậy, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết đã tổng hợp các ý kiến của các bộ, ngành về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải; tình hình sản xuất và kinh doanh xăng dầu; hiện trạng các loại ô tô, mô tô đang lưu thông và sản xuất mới... để tìm giải pháp phù hợp.
Người mua, người bán đều than
Chị Vũ Hồng Vân (ngụ quận Đống Đa, TP Hà Nội) đã quen sử dụng xăng RON92 cho xe máy, RON95 cho ô tô và không biết sẽ có những tiêu chuẩn riêng về khí thải kể từ đầu năm 2017 nên rất băn khoăn với việc lựa chọn loại xăng dầu hợp lý từ thời điểm này. Tương tự, nhiều người tiêu dùng khi được hỏi đều không biết sẽ phải sử dụng các chủng loại xăng dầu mới nếu như có kế hoạch mua ô tô, xe máy từ năm sau. Đồng thời, câu hỏi về mức chênh lệch giá cả đối với nhiên liệu mức 2, 3, 4 cũng được người tiêu dùng đặt ra.
Ở góc độ doanh nghiệp, chia sẻ về những khó khăn có thể vướng phải, đại diện một doanh nghiệp đầu mối cho biết việc đầu tư kho bồn, trang thiết bị để thực hiện lộ trình này sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với trang bị thêm bồn, trụ bơm cho xăng E5. “Số lượng chủng loại xăng được xác định tăng thêm quá nhiều. Chín loại xăng sẽ tương ứng với bồn chứa, cột bơm phù hợp. Nhưng khó nhất chính là diện tích cửa hàng chỉ có từng đấy, không phải cứ muốn đầu tư thêm cột là đầu tư được” - vị này phân tích.
Thêm nữa, thời hạn để thực hiện lộ trình rõ ràng không còn nhiều. Mặc dù Bộ Công Thương có thể bảo đảm sản xuất, nhập khẩu và cung ứng nhiên liệu sử dụng cho xe cơ giới có chất lượng theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam cho biết có thể cung cấp ra thị trường ô tô đạt tiêu chuẩn khí thải mức 4 từ ngày 1-1-2017 nhưng công tác bảo đảm có thể bán hàng đến tay người tiêu dùng không hề dễ dàng.
“Các cửa hàng phải lên kế hoạch chuẩn bị kho bể, trụ bơm... và không hề dễ dàng. Một phương án được đưa ra là cửa hàng này bán xăng dầu mức 2 còn cửa hàng khác sẽ bán mức 3, 4 thì mới có sẵn cơ sở vật chất để sử dụng luôn. Thế nhưng, nếu làm thế thì khó cho người tiêu dùng khi nhà ở trong phố mà phải chạy ra tận ngoại thành để tìm trụ bơm đúng loại mình cần” - đại diện một doanh nghiệp nói.
Vấn đề giá cả chênh lệch giữa các loại xăng cũng có thể gây ra tiêu cực mà cơ quan quản lý không thể quản được hết. Các loại xăng dầu tiêu chuẩn càng cao thì giá sẽ tăng theo tương ứng. Như vậy, không tránh khỏi tình trạng thương nhân phân phối, bán hàng có thể gian lận khi nhập nhèm hoặc pha trộn giữa các loại xăng để thu lợi bất chính qua chênh lệch giá. Việc này không chỉ khiến người tiêu dùng bị thiệt hại mà còn tạo sự cạnh tranh không lành mạnh đối với các thương nhân chân chính.
Một đại diện doanh nghiệp khác cho rằng việc doanh nghiệp thực hiện theo lộ trình không phải điều gì quá khó khăn bởi thế giới đã làm được và Việt Nam chỉ làm theo. Tuy nhiên, các loại xăng sẽ có chênh lệch về giá và có những loại phương tiện buộc phải dùng chủng loại xăng giá cao hơn. “Chênh lệch giá có thể không lớn nhưng chắc chắn người tiêu dùng không hài lòng, đây là điều chúng tôi ngại nhất” - vị này nêu.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thực hiện lộ trình trên, các cơ quan quản lý sẽ gặp khó khăn khi quản lý về thuế, phí, chống gian lận thương mại. Mỗi loại xăng có đầu vào khác nhau, trong khi việc quản lý tính toán giá xăng được thực hiện theo chu kỳ rất ngắn và thậm chí nhiều ý tưởng còn muốn đưa giá xăng về theo ngày để bảo đảm theo sát nhịp độ thị trường thì việc có quá nhiều chủng loại trên thị trường rõ ràng là bài toán khó.
Bình luận (0)