Cụ thể, bộ này cho biết theo quy định tại Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu là giá để làm căn cứ điều hành giá xăng dầu trong nước, trong đó thuế nhập khẩu để tính giá được căn cứ vào thuế MFN (thuế suất ưu đãi theo nguyên tắc tối huệ quốc, nguyên tắc pháp lý quan trọng nhất của WTO - PV).
Tuy nhiên, theo xu hướng hội nhập, có nhiều mức thuế như FTAs, ATIGA, MFN. “Do vậy, bộ đang nghiên cứu để điều tiết, khắc phục chênh lệch trong giá cơ sở (nếu áp dụng các mức thuế khác nhau), đồng thời sẽ phối hợp Bộ Công Thương để có hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới” - Bộ Tài chính khẳng định.
Bộ Tài chính cũng cho biết để tránh gian lận thương mại trong khâu nhập khẩu với các mức thuế khác nhau, cơ quan này đã giao cơ quan hải quan tăng cường kiểm tra khâu nhập khẩu xăng dầu, đặc biệt là đối với các lô hàng có C/O từ các nước ASEAN, Hàn Quốc,... tránh gian lận thương mại, gây thiệt hại cho nhà nước và người tiêu dùng.
Cùng ngày, Bộ Tài chính ban hành công văn số 33557 về việc quản lý chi hoàn thuế GTGT theo quy định của pháp luật. Theo đó, kể từ thời điểm nhận danh sách, Tổng cục Thuế có trách nhiệm giám sát, kiểm tra hồ sơ giải quyết hoàn thuế; nếu trường hợp Cục Thuế đã thực hiện đầy đủ, đúng quy định, trong thời gian không quá 6 giờ làm việc, Tổng cục Thuế thông báo kết quả giám sát hoàn thuế GTGT. Căn cứ kết quả thông báo của Tổng cục Thuế, Cục Thuế ban hành quyết định hoàn thuế và tự động cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế.
Đáng chú ý, Công văn 33557 cũng bãi bỏ quy định: “Đối với các doanh nghiệp còn đang nợ tiền thuế và các khoản thu ngân sách nhà nước, Cục Thuế thực hiện đôn đốc doanh nghiệp nộp đủ số thuế và các khoản thu ngân sách nhà nước còn nợ trước khi giải quyết hoàn thuế”. Như vậy, doanh nghiệp có thể được bù trừ giữa số thuế phải nộp và số thuế được hoàn trong thời gian tới.
Bình luận (0)