Chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp (DN) tại hội nghị DN Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế đất nước ngày 29-4 ở TP HCM, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng dù những năm gần đây, năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh của Việt Nam đều cải thiện nhưng nếu nhìn lại nước ta vẫn ở tầm trung. Phải làm sao để tiếp tục cải thiện nhanh hơn và chắc hơn, môi trường an toàn. Ngay với Nghị quyết 19 mới của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, điểm quan trọng là phải đưa được nghị quyết tới từng bộ ngành, chứ không chỉ cải thiện ở thuế, hải quan, ngân hàng… Tất cả các bộ ngành, Chính phủ đều phải vào cuộc với tinh thần “chọn từng việc, làm đến cùng và quy trách nhiệm”. “Quan trọng nhất lần này là cột trách nhiệm rất nặng cho các bộ ngành, địa phương, đồng thời phải tổ chức diễn đàn tiếp thu ý kiến phản ánh của các DN để xử lý rốt ráo từng chính sách” - Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Về những kiến nghị của DN tại hội nghị, lãnh đạo các bộ ngành cũng lần lượt chia sẻ với tinh thần ưu tiên phục vụ cộng đồng DN. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cam kết coi phát triển DN là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Bộ sẽ tiếp tục rà soát, kiến nghị Chính phủ rà soát, trên cơ sở tuân thủ các cơ chế thị trường, loại bỏ các nút thắt, từng bước phân bổ nguồn lực theo tín hiệu thị trường. Đảm bảo DN thuộc mọi thành phần kinh tế đều được tiếp cận công bằng, minh bạch. Đổi mới phương thức hỗ trợ DN, thay đổi quan điểm từ hỗ trợ chung chung sang đại trà, có hỗ trợ cho mục tiêu dài hạn.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng kiến nghị Chính phủ cần đẩy mạnh hải quan một cửa bởi liên quan tới 8 bộ ngành và hiện nay quá trình này mới thực hiện được 20%. Như việc thông quan hàng hóa, thống kê cho thấy chỉ 28% thời gian thông quan thuộc ngành hải quan, 78% thời gian còn lại do các bộ ngành khác. Dù vậy, người đứng đầu Bộ Tài chính cũng nhìn nhận, để thực sự DN được thụ hưởng các chính sách cải cách, nhất là cải cách hành chính thì trọng tâm là đào tạo lại đội ngũ cán bộ, nâng cao chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp…
“Dù đã nâng một bước nhưng vẫn còn rào cản, quy định tốt nhưng cán bộ không tốt thì triển khai vẫn ách tắc. Mà không chỉ cán bộ thuế hải quan, do thông quan cần 7-8 ngành nên các bộ ngành khác phải đồng bộ mới giải quyết được” - Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.
Với các kiến nghị về lãi suất ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết dù lãi suất huy động chịu áp lực tăng từ đầu năm đến nay nhưng lãi suất cho vay vẫn ổn định. Hiện có một số vấn đề Chính phủ và NHNN đang quan tâm chỉ đạo là tăng trưởng kinh tế có biểu hiện chậm lại, GDP quý I chỉ đạt 5,46% một phần do khó khăn về thời tiết, ngập mặn. Do đó, mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,46% là thách thức. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng đầu năm tăng 1,33% và tăng 1,89% so với cùng kỳ và xu hướng này tăng nhanh hơn các năm trước đây nên mục tiêu kiểm soát 5% là rất thách thức.
Về đề nghị giảm thêm lãi suất cho vay, Thống đốc cho biết tại cuộc họp với các NH thương mại mới đây nhiều NH đã thống nhất tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay. Theo đó, một số NH thương mại đã công bố giảm lãi suất cho vay ngắn hạn 0,3-0,5%/năm và lãi suất cho vay trung dài hạn xuống 10%/năm.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định đối với lĩnh vực bán lẻ dù Việt Nam đã có cam kết sâu rộng, mở cửa thị trường nhưng hiện Bộ Công Thương và các bộ ngành khác đang xây dựng chiến lược ngành công nghiệp bán lẻ theo hướng Chính phủ quan tâm tạo điều kiện cho DN nội địa, DN trong nước xây dựng hệ thống phân phối đủ mạnh để cạnh tranh với nước ngoài.
“Tôi không thích nói những lời hoa mỹ nhưng Bộ Xây dựng luôn coi cộng đồng DN là đối tượng phục vụ chính của mình và sẽ coi là mục tiêu phát triển kinh tế chính của đất nước” - Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định trong phần trả lời với DN.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhìn nhận có nhiều bất cập trong môi trường kinh doanh gây khó khăn, phiền hà cho DN. Từ các luật ban hành còn chậm và chỉnh sửa chậm so với thực tế làm DN chờ đợi tốn thời gian hoặc một số luật không thực tế nên DN kêu rất nhiều.
Sức cạnh tranh của DN có chiều hướng giảm trong bối cảnh nền kinh tế cần động viên các tiềm năng do thể chế, thủ tục góp phần làm chi phí cao; tình trạng phí chồng phí, thanh kiểm tra chồng chéo, gây mất thời gian tiền bạc của DN. Thậm chí một bộ phận cán bộ Đảng viên tiêu cực, phiền hà ở nhiều cấp ngành.
“Nhà nước bảo vệ quyền kinh doanh chính đáng của DN, DN được hoạt động tất cả các loại hình, lĩnh vực pháp luật không cấm mà không phân biệt quy mô loại hình. Mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, vốn, thị trường, đất đai kể cả DN nhà nước. Nhà nước đảm bảo sự ổn định lâu dài của chính sách, đặc biệt tính tiên lượng của chính sách để nhà đầu tư yên tâm, không để chuyện “sáng nắng chiều mưa, không hồi tố chính sách” – Thủ tướng khẳng định.
Một lần nữa, Thủ tướng khẳng định chủ trương của Bộ Công an và nhà nước là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và sẽ ngăn chặn có hiệu quả việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế để tạo điều kiện cho nhà đầu tư, DN yên tâm làm ăn.
Sau hội nghị đối thoại với DN, chiều nay Thủ tướng tiếp tục làm việc với các bộ ngành để xử lý trực tiếp các kiến nghị của DN. Chủ trương của Chính phủ là trước thời điểm 1-7-2016 phải ban hành xong các nghị định hướng dẫn triển khai Luật đầu tư và Luật DN sửa đổi theo hướng đề cao quyền tự do kinh doanh của DN và tạo hành lang thông thoáng cởi mở cho DN.
Bình luận (0)