Ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập, Phó chủ tịch HĐQT Ví điện tử MoMo, đã chia sẻ với Báo Người Lao Động chuyện từ một ứng dụng trên di động trở thành ví điện tử có thị phần lớn nhất Việt Nam.
Phóng viên: Để có được thành công như hôm nay, yếu tố lớn nhất nào giúp MoMo trụ vững trong những giai đoạn khó khăn nhất từ khi ra đời?
Ông Nguyễn Bá Diệp: Khi chúng tôi khởi nghiệp vào 2007, ví điện tử là một khái niệm hoàn toàn mới ở Việt Nam. Với những dịch vụ mới để mọi người chịu sử dụng đã là một bài toán khó, huống chi biến nó trở thành thói quen thanh toán hằng ngày. Để trụ vững và ngày càng phát triển như hiện nay, điều đầu tiên là phải hội tụ đầy đủ nhân tài, trân trọng và tận dụng được chất xám của người Việt - những người tâm huyết với việc ứng dụng công nghệ để thay đổi cuộc sống.
Ông Nguyễn Bá Diệp
Kế tiếp, theo tôi phải tạo ra được một sản phẩm độc đáo, sáng tạo, tiện dụng và mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng. MoMo đã tạo ra ứng dụng thanh toán một chạm đầu tiên trên thị trường, tạo nên trải nghiệm thanh toán cực nhanh và đơn giản hơn so với tiền mặt và các phương thức thanh toán điện tử truyền thống.
MoMo cũng đã tạo ra các chương trình lì xì, trò chơi Lắc Xì, ứng dụng công nghệ để mọi người có thể chia sẻ may mắn cho người thân, bạn bè bất chấp khoảng cách và thời gian. Đặc biệt, ví MoMo cũng là công ty đầu tiên áp dụng hoàn tiền cho các giao dịch thanh toán, mua bán. Chúng tôi đã biến một ứng dụng thanh toán thông thường trở thành một ứng dụng công nghệ - tài chính - giải trí, phục vụ mọi nhu cầu của khách hàng.
Một trong những yếu tố rất quan trọng nữa là biết cách tận dụng triệt để các nguồn lực hỗ trợ trong và ngoài nước cho việc phát triển dịch vụ. Kể từ những ngày đầu tiên, chúng tôi đã được hỗ trợ từ nhiều tổ chức quốc tế như IFC, ADB, UK AID, GSMA, Bill & Melinda Gate Foundation, nhận đầu tư từ những ngân hàng, quỹ lớn của Anh, Mỹ để phát triển thị trường và sản phẩm.
Hệ sinh thái của MoMo rất đa dạng từ ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, đến cả những thanh toán hằng ngày là cà phê vỉa hè, mua bánh mì, xôi chè… Bí quyết nào để thuyết phục người dùng, người bán hàng phải dùng MoMo - thay vì trả tiền mặt?
Thực ra, với người dùng, để thuyết phục họ chịu sử dụng MoMo, thay đổi thói quen dùng tiền mặt cố hữu quả thật không dễ dàng. Chúng tôi hay ví von cách thuyết phục mọi người dùng MoMo như việc trồng cây ăn trái, điều quan trọng là phải đầu tư nghiêm túc và kiên nhẫn.
Phải nhẫn nại thuyết phục khách hàng bằng tấm lòng của mình cùng với chất lượng sản phẩm. Họ dùng một lần, hai lần, ba lần… sẽ hiểu được sự tiện lợi của thanh toán không dùng tiền mặt. Từ đó khách hàng chính là những người bán hàng giỏi nhất, thuyết phục người thân bạn bè dùng ví.
So với các sản phẩm ví có nguồn gốc từ nước ngoài, MoMo có lợi thế đặc biệt là được thiết kế riêng biệt cho người Việt Nam sử dụng. Chúng tôi đã chứng minh cho khách hàng thấy lợi thế về thời gian khi thanh toán bằng tiền mặt mất khoảng 30-40 giây, trong khi thanh toán bằng MoMo chỉ mất 1-2 giây.
Đối với đối tác bán hàng, MoMo cung cấp đa dạng giải pháp thanh toán, từ đơn giản đến phức tạp, giúp cho việc thanh toán điện tử trở nên cực kỳ đơn giản ngay cả với một người bán cà phê, hủ tíu trên đường phố, ai cũng có thể dùng được, với chi phí không đáng kể.
Khi hợp tác cùng MoMo, các đối tác có thể đưa sản phẩm mới của mình tiếp cận khách hàng nhanh chóng, giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận. Chúng tôi phải thuyết phục các đối tác thông qua con số, kết quả bán hàng, mức độ gia tăng lợi nhuận khi hợp tác với MoMo.
Các đối tác thường phối hợp với nhiều đơn vị ví điện tử cùng lúc nhưng khi thấy chỉ cần sử dụng MoMo là đủ phục vụ đối tượng khách hàng, họ sẽ tự lựa chọn MoMo là ví điện tử chính và loại bỏ các hình thức khác. Phải "có thực mới vực được đạo".
Thanh toán bằng ví MoMo tại siêu thị Co.opmart Nguyễn Đình Chiểu, TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Vậy điều gì làm ông chưa hài lòng đến thời điểm này?
Điều làm chúng tôi trăn trở và có lẽ cũng là trăn trở chung của những người làm thanh toán điện tử. Trong bối cảnh số hóa nền kinh tế như hiện nay, tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt của Việt Nam vẫn còn quá thấp, hiện chỉ mới chiếm khoảng 14% trên tổng phương diện thanh toán. Là đơn vị dẫn đầu thị trường với 15 triệu người đăng ký sử dụng, Ví MoMo cũng chỉ mới tiếp cận được 15% dân số Việt Nam.
Nếu cho khởi nghiệp lại, ông có chọn MoMo?
Nếu tiếp tục khởi nghiệp lại, chúng tôi vẫn theo đuổi một mục đích là ứng dụng công nghệ để mang lại cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính cho mọi người dân Việt Nam. Với MoMo, chúng tôi luôn tạo ra các dự án khởi nghiệp bên trong công ty, mời các nhân tài về đề cùng làm việc và tỏa sáng.
Định hướng tiếp theo của MoMo để trở thành "kỳ lân" của Việt Nam và thế giới?
Chúng tôi mong muốn trong 5 năm tới, tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt sẽ chiếm 70% tổng số giao dịch thanh toán của cả xã hội. Mục tiêu không phải là trở thành một kỳ lân, mà ví MoMo phải trở thành công cụ của nhà nước để biến xã hội không tiền mặt trở thành hiện thực.
Hiện MoMo đã trở thành một siêu ứng dụng với hàng trăm loại hình dịch vụ được cung cấp: thanh toán hóa đơn, tài chính tiêu dùng, bảo hiểm, giao thông, du lịch, giải trí, ăn uống, dịch vụ công, y tế, giáo dục… Chúng tôi sẽ tiếp tục tích hợp thêm hàng ngàn dịch vụ trong những năm tới để trở thành một ứng dụng công nghệ - tài chính - giải trí toàn diện.
Bình luận (0)