Khi đến với nông dân, nhà buôn đưa ra những “lời có cánh” rằng siêu cao lương là cây trồng dễ thích ứng với các điều kiện canh tác khó khăn như khô hạn, thiếu nước tưới hoặc đất đai cằn cỗi…
Về năng suất, sản lượng, siêu cao lương một lần trồng cho thu hoạch ba đợt trong năm, với khối lượng chất xanh lên tới 400 tấn/ha, sản lượng ethanol đạt trên 17.000 lít/ha, cao gấp 2 – 2,5 lần so với việc sản xuất ethanol từ sắn, mía…
Thực tế, ông Nguyễn Văn Thanh, nông dân trồng thử nghiệm giống cây siêu cao lương tại xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc, cho biết lần thu hoạch đầu cây trồng này đạt năng suất gần 60 tấn/ha.
Tuy nhiên đợt thu hoạch lần hai chỉ đạt 11 tấn/ha. Con số này cách biệt rất xa với năng suất mà doanh nghiệp giới thiệu với nông dân.
Ông Thanh so sánh: “Nếu 3 vụ thu hoạch từ một đợt trồng siêu cao lương đạt năng suất khoảng 180 tấn/haa như công ty giới thiệu thì thu nhập từ cây siêu cao lương vượt xa cây bắp.
“Nhưng với năng suất thực tế hiện nay và mức trả của doanh nghiệp cho nông dân là trên 31 triệu đồng cho toàn vụ với diện tích trồng là 0,5ha thì nông dân chúng tôi đang lỗ tiền công”.
Ông Nguyễn Đức Thơm, nông dân trồng đạt năng suất cao nhất khi trồng thử nghiệm giống cây này tại xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, là 102 tấn/ha vào vụ một, cũng khẳng định sẽ không chọn cây trồng này vì hiệu quả kém.
Ông Thơm dẫn chứng: “Vụ hai, tôi bỏ không thu hoạch vì năng suất quá thấp. So với cây bắp, chi phí đầu tư, công chăm sóc, thu hoạch giống cây mới này cao hơn rất nhiều. Cụ thể, khi trồng bắp cây, tôi bán cả ruộng cho đơn vị thu mua nhưng với cây siêu cao lương, tôi phải tìm công lao động để thu hoạch”.
“Cây cao cả 4-5m nên thu hoạch rất vất vả và tốn chi phí tiền công hơn 11 triệu đồng cho 0,5ha. Tôi đang kiến nghị phía doanh nghiệp hỗ trợ thêm tiền công thu hoạch thì mới có lời” – ông Thơm nói tiếp.
Trước đó, khi được hỏi về tiềm năng phát triển của siêu cao lương tại Việt Nam, ông Nguyễn Thái Sơn, Tổng Giám đốc Sol Holding Việt Nam, nhận định ban đầu, sản phẩm thu từ siêu cao lương sẽ dùng làm thức ăn cho bò, cho gà.
Sau đó, trong năm nay, Sol Holding sẽ xây dựng nhà máy viên nén sinh học tại Đồng Nai và ở Đăk Nông. Cụ thể, dự án liên doanh giữa Sol Holdings và NTS Partners có tổng vốn đầu tư khoảng 15 triệu USD, dự kiến sẽ động thổ nhà máy sản xuất viên nén sinh học tại Đồng Nai trong hai tháng tới.
Tương tự, một nhà máy khác có quy mô 300ha ở tỉnh Đăk Nông, vốn đầu tư khoảng 15 triệu USD, cũng sẽ đi vào hoạt động sản xuất viên nén sinh học trong năm nay. Thời điểm ông Sơn phát biểu với báo chí là vào tháng 6-2015. Này đã gần cuối tháng 1/2016.
May thay nông dân chỉ mới chấp nhận thử nghiệm một cuộc chơi khá là nguy hiểm khi họ phải phụ thuộc hoàn toàn vào một tập đoàn nước ngoài từ khâu giống đến tiêu thụ, chế biến… Mà giống siêu cao lương cũng thuộc loại siêu cao giá. Nghe đâu đến 300.000 đồng/kg.
Chỉ có một người còn chống chế là ông Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ Đồng Nai, khi cho rằng kết quả trồng thử nghiệm siêu cao lương thu hoạch lần một đạt năng suất 88 tấn/ha, vẫn cho lợi nhuận trên 20 triệu đồng/ha, theo báo Đồng Nai.
Ông cũng thừa nhận ở nước ngoài triển khai không vướng hạn điền, nên giảm chi phí đầu tư. Điểu này trước khi thử nghiệm chắc chắn ông đã biết. Nhưng vẫn muốn chắp thêm cánh cho những lời có cánh.
Tại sao? Có vẻ như hỏi là đã tự trả lời.
Xuống đến cán bộ huyện, ta đã thấy mọi chuyện đã dè dặt hơn. Ông Nguyễn Lam Điền, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Xuân Lộc, nhận xét hàng hai: cần thêm thời gian trồng khảo nghiệm để đánh giá đúng hiệu quả giống cây trồng này.
Vì với hiệu quả ban đầu, nông dân không bị thuyết phục bởi cây trồng này, nhất là chi phí đầu tư lớn hơn nhiều so với cây bắp.
Ông Điền tính toán: “Công chăm sóc và nhất là thu hoạch cây trồng này rất cao, có nông dân mất gần 15 triệu đồng để thu hoạch 0,5ha. Những chi phí này “ăn” hết phần lời của nông dân”.
Ngoài ra, vấn đề vướng mắc lớn nhất của nông dân hiện nay là doanh nghiệp không đưa ra chính sách thu mua và giá thành cụ thể, rõ ràng với nông dân. Nông dân cũng mù mờ về cách tính sản lượng của doanh nghiệp.
Theo ông Điền, điều cũng cần quan tâm là vấn đề cải tạo không để đất bị thoái hóa vì trồng giống cây mới này. Vì trồng giống siêu cao lương mới này, đất chỉ bị lấy đi mà không được trả lại nguồn dinh dưỡng như trồng các loại cây hàng năm khác.
Bình luận (0)