Hành vi này ít nhiều gây ngộ nhận cho người tiêu dùng, lộn xộn trong kinh doanh và ảnh hưởng đến uy tín các siêu thị thực thụ.
Đáng nói là tình trạng nhà nhà tự phong siêu thị này không phải do thiếu chế tài của luật pháp mà do thiếu sự giám sát, hậu kiểm từ các cơ quan quản lý nhà nước.
Theo Quyết định 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24-9-2004 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) về quy chế siêu thị, trung tâm thương mại hiện vẫn còn hiệu lực, siêu thị được định nghĩa là loại hình cửa hàng hiện đại; kinh doanh tổng hợp hoặc chuyên doanh; có cơ cấu chủng loại hàng hóa phong phú, đa dạng, bảo đảm chất lượng; đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích kinh doanh, trang bị kỹ thuật và trình độ quản lý, tổ chức kinh doanh, có các phương thức phục vụ văn minh, thuận tiện nhằm thỏa mãn nhu cầu mua sắm hàng hóa.
Quy chế cũng nêu rõ chỉ các cơ sở kinh doanh thương mại có đủ tiêu chuẩn mới được đặt tên là siêu thị và nghiêm cấm các cơ sở kinh doanh thương mại không có đủ tiêu chuẩn tự đặt tên là siêu thị hoặc đặt tên, ghi biển hiệu bằng tiếng nước ngoài (như supermarket, hypermarket, big mart, big store...).
Không chỉ nghiêm cấm, tại khoản a, mục 1, điều 98 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng đã quy định phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi đặt tên gọi của cơ sở kinh doanh là siêu thị hoặc từ ngữ tương đương bằng tiếng nước ngoài mà không bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định.
Có một tiêu chí dễ phân biệt nhất là diện tích tối thiểu đối với siêu thị tổng hợp phải đạt 500 m2 và siêu thị chuyên doanh phải là 250 m2. Chỉ cần căn cứ vào tiêu chí này đã có nhiều “siêu thị tự phong” phải bị loại ngay từ vòng đầu.
Thế nhưng, trong khi nhiều cơ sở kinh doanh chân chính phải nỗ lực chứng minh mình đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe để được công nhận là siêu thị thì lại có những cửa hàng chẳng cần làm gì, cứ việc treo biển siêu thị ngay vị trí mặt tiền, dễ thấy nhất ngày này qua tháng nọ mà chẳng bị làm sao.
Thậm chí, có cửa hàng mắt kính nằm tại một vòng xoay ngay trung tâm TP HCM diện tích chưa tới 50 m2 cũng ngang nhiên treo biển “siêu thị mắt kính” với kích thước cực lớn đập vào mắt mọi người dù bên trong bán đầy hàng giả, hàng dỏm.
Ví dụ dễ thấy là kính hiệu Gucci tại đây đều ghi xuất xứ Ý, bán giá trên dưới 1 triệu đồng/chiếc trong khi nhà nhập khẩu chính thức cho biết ở phân khúc dưới 5 triệu đồng/chiếc, hàng chính hãng đều được đặt làm tại Trung Quốc.
Khi vi phạm dễ nhìn, dễ thấy nhưng lâu ngày không được xử lý, người vi phạm sẽ sinh “lờn” và đẩy phần thiệt thuộc về khách hàng và những người kinh doanh chấp hành pháp luật.
Bình luận (0)