Chiều 6-7, tại hội thảo chuyên đề giải pháp triển khai sơ chế tại nguồn mặt hàng rau củ quả phân phối trên địa bàn TP HCM do Sở Công Thương TP HCM và Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng tổ chức ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng), ông Bùi Thế, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, cho biết trước đặt hàng của TP HCM về việc sơ chế nông sản tại nguồn, UBND tỉnh Lâm Đồng đã văn bản thông báo trên toàn địa bàn từ 1-8 toàn bộ hàng hóa nông sản của Lâm Đồng bán về TP HCM phải qua sơ chế.
Sơ chế đóng gói rau củ ở Lâm Đồng trước khi đưa về TP HCM tiêu thụ
Tuy nhiên, việc triển khai sơ chế tại nguồn bước đầu sẽ gặp khó khăn do hệ thống các trung tâm sau thu hoạch chưa thể đáp ứng ngay được việc sơ chế, chế biến, phân loại, đóng gói lượng lớn nông sản trong thời gian ngắn. Ngoài ra, nhận thức của nông dân trong công tác sơ chế, chế biến nông sản còn hạn chế.
Từ thực tế đó, ông Thế kiến nghị TP HCM có kế hoạch, lộ trình, tiêu chuẩn cụ thể đối với công tác sơ chế nông sản trước khi đưa về TP HCM tiêu thụ để các hộ nông dân, doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất, liên kết trong thu hoạch, bảo quản, sơ chế nông sản đáp ứng yêu cầu.
Thống nhất là cần có lộ trình thực hiện việc sơ chế nông sản tại nguồn, bà Nguyễn Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết hiện việc sơ chế tại nguồn đã thành công với 2 mặt hàng củ cải trắng và củ cải đỏ. Tất cả củ cải trắng và đỏ đưa về TP HCM tiêu thụ đều đã được rửa sạch trước khi nhập chợ. Mục tiêu là từ nay đến cuối năm mặt hàng bắp sú, cải thảo về TP HCM cũng sạch từ nguồn.
*Cùng ngày, tại hội thảo bàn về các giải pháp hỗ trợ tín dụng cho ngành điều do Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) tổ chức ở TP HCM, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas, cho biết sẽ đề xuất Chính phủ gói vay 800 triệu USD để mua nguyên liệu, bảo đảm hoạt động trong 6 tháng cuối năm 2018. Theo Vinacas, hiện có khoảng 500.000 tấn nguyên liệu đang bị kẹt trên đường từ nước xuất khẩu sang Việt Nam và rất cần ngân hàng hỗ trợ cho vay 800 triệu USD để lấy hàng về kho của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.
Bình luận (0)