xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sôi động thanh toán qua smartphone

Thy Thơ

Nhiều ngân hàng ứng dụng công nghệ thanh toán hiện đại trên điện thoại thông minh - smartphone mang lại tiện lợi trong giao dịch không dùng tiền mặt

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện có hơn 40 NH thương mại cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động với giá trị giao dịch tăng trưởng nhanh. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2017, thanh toán qua điện thoại di động trên 90 triệu giao dịch với hơn 423.000 tỉ đồng, bằng 153% so với năm 2016 và 316% so với năm 2015.

Giá trị giao dịch tăng nhanh

Nắm bắt xu thế này, một số NH đưa vào các ứng dụng thanh toán trên điện thoại di động với xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sử dụng mã QR (QR Code), thanh toán phi tiếp xúc…

Theo ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc NH Công Thương Việt Nam (VietinBank), sự ra đời và phát triển của ứng dụng QR Pay được xem là một hiện tượng, hứa hẹn thay thế các phương thức thanh toán truyền thống. Để thanh toán qua ứng dụng này, người tiêu dùng phải cài đặt ứng dụng mobile banking (NH điện tử trên điện thoại di động) hoặc ứng dụng thanh toán điện tử cho phép quẹt mã QR. Khi thanh toán, khách hàng chỉ cần quẹt mã QR trên điện thoại di động qua thiết bị chấp nhận thẻ (POS) của nơi bán hàng để xác thực thông tin, hoàn tất giao dịch.

Sôi động thanh toán qua smartphone - Ảnh 1.

Tiềm năng thanh toán qua smartphone còn rất lớn Ảnh: THU HẰNG

Ông Lân cho biết ngoài việc không cần đem theo tiền mặt hay thẻ ATM, việc thanh toán bằng điện thoại gắn liền với mã QR còn bảo mật thông tin cao do người mua hàng không phải đưa thẻ cho người bán. Còn người bán hàng tiết kiệm được các chi phí cho khâu thu ngân, kiểm đếm tiền. Các NH tiết giảm được chi phí đầu tư cho ATM, lại dễ mở rộng mạng lưới khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán.

Lãnh đạo nhiều NH nhận định tiềm năng thanh toán qua smartphone là rất lớn khi hơn 50% dân số Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh. Số liệu của Công ty CP Giải pháp thanh toán Việt Nam - VnPay cho thấy từ đầu năm 2017 đến tháng 9-2017, thanh toán qua mã QR tăng trưởng 120%, số điểm giao dịch chấp nhận thanh toán mã QR tăng lên gần 5.000, dự báo đến hết năm 2018 sẽ là 50.000 điểm và hiện có tới 12 NH triển khai thanh toán bằng mã QR thông qua smartphone.

Lĩnh vực giàu tiềm năng

Báo cáo thị trường mobile Việt Nam năm 2017 được công bố vào tháng 4-2017 của Appota (nhà cung cấp các nền tảng trên smartphone) cho thấy sự bùng nổ về số lượng người sử dụng smartphone năm 2016 gấp gần 4 lần so với năm 2013.

Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đánh giá khi số thuê bao di động tăng vọt, lĩnh vực thanh toán bằng smartphone có tiềm năng rất lớn. Các NH phát triển tốt dịch vụ này sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện đề án thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ.

"Năm 2017, việc thanh toán trên điện thoại xuất hiện làn sóng mới, nhờ mã QR. Hiện nhiều NH trong nước đã áp dụng giải pháp thanh toán này cho hàng triệu người dùng mobile banking, như BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank, Indovina, SCB, NCB, TPBank…" - ông Lực nhìn nhận.

Công ty Điện tử Samsung Vina cho biết từ khi ra mắt dịch vụ Samsung Pay vào ngày 29-9, đến nay đã có 100.000 người với hơn 50.000 giao dịch được thực hiện. Theo đó, Samsung Pay là ứng dụng dành riêng cho điện thoại thông minh thương hiệu Samsung, giúp khách hàng tích hợp thông tin thẻ của mình vào smartphone. Sau đó, người dùng thanh toán nhanh chóng, an toàn tại bất kỳ điểm bán hàng nào bằng cách chạm smartphone lên máy POS thay vì sử dụng thẻ.

Theo ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng Giám đốc NAPAS, một số công nghệ thanh toán tiêu biểu như Tokenization, QR Code đang thu hút sự quan tâm của các NH tại Việt Nam, trong đó phương thức thanh toán một chạm trên thiết bị chấp nhận thẻ bằng điện thoại di động giúp khách hàng dùng điện thoại thay thế cho thẻ để thực hiện thanh toán.

Ông Trịnh Thường Thức, Trưởng Phòng Thanh toán thẻ Vietcombank Chi nhánh TP HCM, cho rằng mã QR nhận diện thông tin người sử dụng điện thoại mua hàng hóa lẫn người bán hàng. Thông qua Mobile Banking, hệ thống sẽ tự đọc và hiển thị màn hình giao dịch để người dùng xác nhận.

Để thúc đẩy phát triển thanh toán qua điện thoại di động, NHNN đang nghiên cứu kinh nghiệm triển khai, áp dụng thiết lập chuẩn chung cho thanh toán QR Code của một số quốc gia trên thế giới làm cơ sở đề xuất việc xây dựng quy định chung cho thanh toán QR Code tại Việt Nam. Đồng thời, NHNN cũng thành lập Ban Chỉ đạo về lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) để tư vấn hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam phát triển, phù hợp với chủ trương, định hướng của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 844 ngày 18-5-2016 phê duyệt đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025". 

Thanh toán di động sẽ nhanh chóng bùng nổ

Phát biểu tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam (VEPF 2017) diễn ra ngày 6-11 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Chính phủ cam kết sẽ tạo thuận lợi và thúc đẩy xu hướng thanh toán di động tại Việt Nam. Xu hướng thanh toán qua mobile đang diễn ra mạnh mẽ. Nó không chỉ làm thay đổi phương thức thanh toán mà còn tạo ra và thúc đẩy những mô hình kinh doanh mới, thay đổi hành vi của người tiêu dùng.

Với 140 thuê bao di động/100 dân Việt Nam, gần 60 triệu thuê bao 3G, 4G…, Phó Thủ tướng nhìn nhận đây là điều kiện lý tưởng để thúc đẩy thanh toán di động, cũng như các dịch vụ tài chính và thương mại điện tử khác đến tất cả vùng miền, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và các nhóm dân cư ở Việt nam, thay đổi triệt để thói quen dùng tiền mặt như hiện tại. "Thanh toán di động sẽ nhanh chóng bùng nổ và phổ cập ở Việt Nam như chúng ta đã làm được với điện thoại di động hơn 10 năm trước" - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tin tưởng.

Cũng trong khuôn khổ diễn đàn này, trong phiên đối thoại xoay quanh kinh nghiệm phát triển thương mại điện tử, thanh toán điện tử trên thiết bị di động ở Trung Quốc (qua ứng dụng Alipay), tỉ phú Jack Ma đã chia sẻ những kinh nghiệm của ông trong cuộc cách mạng thanh toán mà ông gây dựng. Theo ông, Việt Nam có 54% dân số sử dụng điện thoại di động nhưng cứ dùng cả di động và tiền mặt là "không tốt". Để giải quyết vấn đề này, phải có sự bao trùm phổ cập về tài chính cùng với phát triển khoa học công nghệ, internet, thương mại điện tử… Điều này cũng sẽ tăng cường minh bạch, góp phần giảm chi phí giao dịch cho doanh nghiệp, hạn chế tham nhũng.

B.T.D - TH.DƯƠNG

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo