Trong lịch sử lập pháp ở nước ta, chưa có bộ luật nào được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của người dân lại được tranh luận quyết liệt như Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
Quá lạc hậu vì lạm phát cao
Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), có 4 yếu tố để căn cứ tính mức giảm trừ gia cảnh. Đó là tốc độ tăng trưởng GDP, biến động chỉ số giá tiêu dùng (CPI), đề án cải cách chính sách tiền lương giai đoạn 2013-2020 và kết quả điều tra xã hội học của Tổng cục Thống kê về thu nhập và mức sống dân cư.
Quyết toán thuế thu nhập cá nhân ở Cục Thuế TPHCM. Ảnh: Hồng Thúy
Trong các yếu tố đó, chỉ có đề án cải cách tiền lương là có tính chất cố định, các thông tin khác đều là biến số khó lường, đặc biệt là CPI. Tính từ thời điểm xây dựng Luật Thuế TNCN (năm 2007) đến hết năm 2011, CPI đã tăng tổng cộng xấp xỉ 70%. Giả sử đến năm 2014 - thời điểm Luật Thuế TNCN (sửa đổi) có hiệu lực, lạm phát được kiềm chế đúng như kế hoạch là tăng dưới 10% trong cả hai năm 2012 và 2013 thì CPI có thể tăng tổng cộng gần 90%.
Thế nhưng mức khởi điểm chịu thuế chỉ được đề xuất tăng từ 4 triệu đồng lên 6 triệu đồng/tháng, tương đương 50%. Mức giảm trừ gia cảnh cho mỗi người phụ thuộc được tăng từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 2,4 triệu đồng/tháng còn thấp hơn ngưỡng 50% nói trên.
Trong nhiều năm trở lại đây, Việt Nam đều đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 7%/năm nhưng rất khó đạt được, chỉ duy nhất năm 2009 lạm phát ở mức 6,5% nhưng trong năm đó, đời sống người dân vẫn chưa được cải thiện vì lâm vào trạng thái nguy hiểm hơn: thiểu phát.
Chính vì lo ngại lạm phát nên khi thảo luận xây dựng Luật Thuế TNCN 2007, đã có nhiều ý kiến cho rằng mức khởi điểm chịu thuế phải từ 10 triệu đồng trở lên, cũng có ý kiến đề xuất con số cụ thể là 15 triệu đồng, 20 triệu đồng. Quan điểm của những người đưa ra đề xuất cao như vậy là ngoài nghĩa vụ nộp thuế, người dân cần được tạo điều kiện để có tích lũy. Song luận điểm này đã bị bác.
Trong bối cảnh đó, Luật Thuế TNCN ngay từ năm đầu tiên có hiệu lực đã buộc phải dãn thuế từ ngày 1-1 đến 31-5-2009 vì mức khởi điểm chịu thuế là 4 triệu đồng cùng với mức giảm trừ 1,6 triệu đồng cho mỗi người phụ thuộc không còn là “cao hơn mức trung bình của xã hội”.
Cũng do lạm phát cao, đến năm 2011, Chính phủ lại phải đề xuất và được Quốc hội chấp thuận cho miễn thuế TNCN từ ngày 1-8 đến 31-12-2011 đối với các khoản thu từ tiền lương, tiền công, nằm trong bậc 1 của biểu thuế. Như vậy, chỉ so sánh với một yếu tố là CPI, mức khởi điểm mới chịu thuế TNCN 6 triệu đồng đã quá lạc hậu và khó có tính khả thi. Dư luận xã hội đang bày tỏ nỗi thất vọng khi một lần nữa, Bộ Tài chính lặp lại sai lầm trong cách tính mức khởi điểm chịu thuế của Luật Thuế TNCN sửa đổi.
Nên điều chỉnh ngay
Theo các chuyên gia kinh tế, mức giảm trừ 4 triệu đồng/tháng lên 6 triệu đồng/tháng thực chất không phải tăng mà là quy đổi ngang giá, thậm chí còn có thể dưới giá vì không loại trừ khả năng 6 triệu đồng của thời điểm đầu năm 2014 không có giá trị bằng 4 triệu đồng hiện tại.
Giá cả tăng cao đã tác động rất lớn đến đời sống người dân, lẽ ra phải áp dụng mức tính thuế mới này từ năm nay hoặc vào năm 2013 nhưng Bộ Tài chính lại kéo dài thời gian thực hiện tới ngày 1-1-2014 thì không còn ý nghĩa gì nữa và không sòng phẳng với người dân. Bộ Tài chính cho rằng sở dĩ phải chờ đến năm 2014 vì có liên quan đến Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi và phải có thời gian chuẩn bị các thông tư dưới luật, phần mềm tính thuế… Lý giải đó cũng chưa đủ sức thuyết phục.
Việc đợi đến năm 2014 mới áp dụng sửa đổi Luật Thuế TNCN sẽ làm tái diễn kịch bản lạc hậu của Luật Thuế TNCN năm 2007. Dù Bộ Tài chính cho rằng đã tham khảo các kênh thông tin chính thống nhưng nhiều ý kiến lo ngại các thông tin tham khảo hoặc quá lạc quan hoặc quá lạc hậu.
Kịch bản vĩ mô mà Bộ Tài chính tham khảo đều là các phương án rất lạc quan: dự báo giai đoạn 2011-2015, GDP Việt Nam sẽ ở khoảng 6,7% - 7% và lạm phát kỳ vọng dưới 2 con số. Dự báo CPI và GDP như trên đều dựa trên giả định bối cảnh kinh tế và trong nước là bình thường, không lạm phát cao, không có khủng hoảng, suy giảm. Trong khi đó, những năm gần đây, chỉ số CPI và GDP thực tế đều vượt xa dự báo, đời sống người dân thực sự khó khăn.
Tính thuế theo lương cơ bản
Luật gia Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc Công ty Tư vấn thuế Sài Gòn, nguyên trưởng Phòng Thuế TNCN - Cục Thuế TPHCM, cho rằng hướng điều chỉnh Luật Thuế TNCN mà Bộ Tài chính đề xuất chưa có tác dụng nuôi dưỡng nguồn thu và chưa thể hiện sự quan tâm thỏa đáng đến quyền lợi người nộp thuế.
Biểu thuế lũy tiến từng phần giảm còn 6 bậc thay cho 7 bậc như hiện nay (bỏ bậc thuế 35%) nhưng chỉ tác động đến những người có thu nhập cao trên 80 triệu đồng/tháng, còn những người có thu nhập ở mức thấp hơn vẫn chịu áp lực do biểu thuế suất quá dày, khoảng cách giữa các bậc chịu thuế quá thấp. Biểu thuế suất như hiện nay không tạo động lực cho người dân làm việc, tăng thu nhập vì thu nhập vừa nhích lên đã rơi vào bậc thuế khác và phải đóng thuế nhiều hơn đến 5%.
Trong 2 năm qua, mức giảm trừ gia cảnh luôn thấp so với mức tăng lạm phát khiến đời sống người dân khó khăn. Ông Nguyễn Thái Sơn cho rằng nên sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh theo chỉ số giá để mức giảm trừ sát thực tế. Đặc biệt, cần ủy quyền quyết định cho Chính phủ để linh hoạt thay đổi mức chịu thuế vì cứ vài năm lại thay đổi luật, phải chờ Quốc hội họp rất mất thời gian.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, việc tăng mức khởi điểm chịu thuế là cần thiết và tất yếu. Tuy nhiên, cách tốt nhất là tính theo lương tối thiểu. Cách tính này đáp ứng được cả 2 nhu cầu: phù hợp với mức sống thực tế của người dân và dễ áp dụng; hạn chế tình trạng lạm dụng, thiệt hại cho cả người nộp thuế và Nhà nước.
Nên quy định phần trăm hoặc số lần so với mức lương tối thiểu để sau này cơ quan thuế chỉ cần nhân với mức lương tối thiểu và số lần quy định trong luật thì sẽ ra được mức chịu thuế cho từng thời điểm. Đây cũng là một trong những phương án được người dân, nhà khoa học ủng hộ.
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh:
Nên điều chỉnh theo lạm phát
Lạm phát và thuế TNCN là 2 vấn đề rất nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Nếu cứ chờ làm theo thủ tục, lấy ý kiến, chờ trình… sẽ quá trễ, người dân phải chịu thiệt. Cách tốt nhất là áp dụng sửa đổi Luật Thuế TNCN ngay từ bây giờ để không bị lạc hậu so với thực tế. Bộ Tài chính cần nhanh chóng đưa vấn đề này ra xin ý kiến Quốc hội để điều chỉnh sớm.
Nên chăng, tính đến phương án điều chỉnh tăng mức khởi điểm chịu thuế tương ứng với mức lạm phát tăng. Cụ thể: lạm phát tăng 5% thì tự động điều chỉnh khởi điểm chịu thuế 5%. |
Anh Huỳnh Hà, Công ty Hong Ik Vina - KCX Tân Thuận:
Ăn cơm với rau muống, đậu hũ vẫn phải đóng thuế!
Với mức thu nhập hơn 4 triệu đồng/tháng, tôi chỉ đủ sống, hoàn toàn không có khoản nào cho việc khám chữa bệnh, vui chơi giải trí, càng không có tích lũy. Để đạt được mức thu nhập này, bản thân tôi phải tăng ca cật lực và hầu như không có ngày nghỉ. Thế nhưng, vào tháng Tết, do được lãnh lương cộng thưởng Tết Nguyên đán, rất nhiều công nhân phải đóng thuế. Điều này thật sự vô lý khi đời sống công nhân còn quá khó khăn.
Nghe nói sẽ tăng mức khởi điểm chịu thuế TNCN lên 6 triệu đồng, theo tôi, mức đó hiện nay đã là lạc hậu; huống hồ gì lại đến năm 2014 mới áp dụng! Tôi thấy những người soạn thảo chính sách chưa hiểu hết đời sống những người lao động như chúng tôi. Họ không hề biết chúng tôi phải ăn cơm với rau muống, nước tương, đậu hũ suốt năm này qua tháng nọ…
Anh Hà Phước Đức, Chủ tịch công đoàn Công ty CP Viễn Thông A (quận 10 - TPHCM):
Sao lại phải đến năm 2014?
Theo tôi, mức chịu thuế TNCN mới được đề xuất nên áp dụng từ năm 2012 là hợp lý, còn đến năm 2014 mới áp dụng thì quá lạc hậu, vì từ nay đến năm 2014, biến động kinh tế khó lường.
Về mức chịu thuế, tại sao Bộ Tài chính không tính theo tỉ lệ phần trăm trượt giá hằng năm để xây dựng mức chịu thuế, như vậy mới hợp lý và bảo đảm được cuộc sống cho người lao động. Một bó rau muống của năm 2012 là 5.000 đồng nhưng đến năm 2014 sẽ là bao nhiêu? Giá xăng bây giờ 22.900 đồng/lít đến năm 2014 sẽ là bao nhiêu?
Tình hình của công nhân lao động ngày càng khó khăn. Người lao động phải tăng ca thường xuyên mới đủ sống. Nếu những đồng tiền công thấm đẫm mồ hôi ấy chưa đủ lo cho bản thân và gia đình mà vẫn phải đóng thuế thì quá vô lý!
Hồng Đào ghi |
Bình luận (0)