Mức đề xuất trên được đưa ra tại phiên Ủy ban Tài chính Ngân sách (UBTCNS) QH họp thẩm tra sơ bộ về dự luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sửa đổi ngày 7-9, với quan điểm mức khởi điểm chịu thuế 9 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ gia cảnh 3,6 triệu đồng/tháng là cao. Quan điểm này đã khiến các chuyên gia tài chính bất ngờ.
Lo ảnh hưởng nguồn thu ngân sách
Dù khẳng định việc sửa đổi luật lần này không tạo gánh nặng về nghĩa vụ tài chính đối với người dân, nhưng theo Tiểu ban Chính sách và thu ngân sách của UBTCNS QH, dự luật phải đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN). Tiểu ban này cho biết dù có ý kiến tán thành với đề xuất nâng mức khởi điểm chịu thuế lên 9 triệu đồng và nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 3,6 triệu đồng/tháng nhưng một số ý kiến lại cho rằng, việc nâng mức khởi điểm chịu thuế và giảm trừ gia cảnh như vậy là cao. Bên cạnh đó, đề xuất này “sẽ thu hẹp số lượng người nộp thuế, làm sai lệch bản chất thuế TNCN; ảnh hưởng đến nguồn thu NSNN”.
TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế nói: “Tôi thật sự không hiểu vì sao UBTCNS QH muốn giảm xuống, vì thường từ trước tới nay Chính phủ trình thấp, UB thẩm tra nâng lên mức cao hơn. Cơ quan nhà nước muốn bảo vệ nguồn thu NSNN nhưng cũng phải nhìn vào đại bộ phận người dân còn đang khó khăn hiện nay chứ”. |
Cũng theo tiểu ban này, hiện trong bộ máy nhà nước có một bộ phận cán bộ, công chức đang hưởng mức lương thấp hơn mức giảm trừ gia cảnh 3,6 triệu đồng/người/tháng, do đó nếu quy định mức giảm trừ gia cảnh 3,6 triệu là chưa bảo đảm công bằng; không khuyến khích người dân tham gia lao động.
“QH phải nâng lên, chứ sao lại hạ xuống ?”
Đề xuất của UBTCNS QH về việc giảm mức thu nhập khởi điểm chịu thuế và mức chiết trừ gia cảnh
Trái đạo lý
Luật gia Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc Công ty tư vấn thuế Sài Gòn, nguyên Trưởng phòng Thuế TNCN, Cục Thuế TP.HCM, cho biết ông bất ngờ khi nghe đề xuất của UB TCNS QH. Ông nhấn mạnh thêmviệc UBTCNS QH đề xuất khống chế “mỗi người nộp thuế chỉ được giảm trừ cho 2 trường hợp” là hoàn toàn không hợp với đạo lý. Vì thực tế rất nhiều trường hợp có 3 con trở lên, phải phụng dưỡng cha mẹ… Việc không cho các trường hợp này được giảm trừ gia cảnh là không thể chấp nhận được.
Nhiều chuyên gia khác nhìn nhận dù tình hình thu ngân sách khó khăn nhưng không thể không thấy thực tế là luật Thuế TNCN được xây dựng và thông qua vào năm 2007. Mức lương tối thiểu lúc đó là 450.000 đồng đã được điều chỉnh lên 1,05 triệu đồng (từ ngày 1.5.2012) trong khi mức giảm trừ gia cảnh không được nâng lên đồng nghĩa với việc người dân phải đóng thuế TNCN nhiều hơn trước rất nhiều. Chưa kể tình hình lạm phát những năm qua tăng nhanh đã xói mòn thu nhập của người dân. Không tính đến những vấn đề này tức những người đưa ra đề xuất giảm mức thu nhập tính thuế và giảm trừ gia cảnh chưa đặt mình vào hoàn cảnh của người dân.
Tăng giảm trừ gia cảnh để chia sẻ khó khăn với dân
Trong Tờ trình về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thuế TNCN, Chính phủ dẫn kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2010 cho biết, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 là 1,387 triệu đồng/tháng, tốc độ tăng giai đoạn 2008 - 2010 là 18,1%, chi tiêu bình quân đầu người năm 2010 là 1,211 triệu đồng/tháng, tốc độ tăng giai đoạn 2008 - 2010 là 23,6%. Dự kiến từ 2011 - 2015, tốc độ tăng thu nhập và chi tiêu mỗi năm khoảng 20% thì đến năm 2014, mức thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 2,8 triệu đồng/tháng, mức chi tiêu bình quân đầu người đạt khoảng 2,75 triệu đồng/tháng. Lý giải cho việc đề xuất nâng mức khởi điểm chịu thuế từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng và mức giảm trừ phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng lên 3,6 triệu đồng/tháng, Chính phủ cho rằng mức giảm trừ này bảo đảm cao hơn mức thu nhập bình quân đầu người vào thời điểm năm 2014 và các năm sau theo tính toán ở trên. “Trong bối cảnh lạm phát ở mức cao, đời sống còn khó khăn, thu nhập của người dân còn thấp như hiện nay (so sánh với các nước trong khu vực, GDP bình quân đầu người của nước ta chỉ bằng 0,262 lần Trung Quốc, bằng 0,257 lần Thái Lan, bằng 0,158 lần Malaysia, bằng 0,392 lần Indonesia và 0,604 lần Philippines) thì việc nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 3,6 triệu đồng vừa đạt mục tiêu giảm động viên vừa hướng được vào đối tượng có khó khăn, vừa có ý nghĩa xã hội, thể hiện sự chia sẻ của nhà nước với nhân dân”, Chính phủ nhận định. |
Bình luận (0)