Liên tục tăng giá, sữa ngoại đang là nỗi ám ảnh của các bà mẹ chăm sóc con nhỏ. Ảnh: NLĐ
Theo một đại lý sữa, các hãng sữa ngoại đã cảnh báo về một đợt tăng giá sữa nhập khẩu từ trước Tết Âm lịch nhưng không cho biết thời điểm tăng giá cụ thể để tránh việc găm hàng của các đại lý. Trong 10 ngày vừa qua, sau khi tỷ giá USD/VND được điều chỉnh tăng 9,3%, hầu hết các sản phẩm của các hãng sữa ngoại quen thuộc với thị trường Việt Nam như: Abbott, Mead Johnson, Friso đều đã tăng giá khoảng 20.000 đồng/hộp 400g và 45 - 50.000 đồng/hộp 900g.
Không chịu thua kém, hầu hết các sản phẩm sữa nội như Vinamilk, Ba Vì, Mộc Châu cũng đã tăng giá mạnh. Sữa chua Vinamilk đã tăng từ 3.600 đồng/hộp lên 4.200 đồng/hộp; sữa chua Bavi đang có mức giá thấp hơn mức giá của Vinamilk cũng “vọt” lên mức 4.200 đồng/hộp. Kem Celano ốc quế tăng từ 11.000 đồng lên 12.000 đồng và sẽ tiếp tục tăng thêm 1.000 đồng/chiếc trong tuần tới.
Theo các chuyên gia kinh tế, giá sữa ngoại tăng một phần do tỷ giá thay đổi nhưng nguyên nhân chủ yếu là bởi các sản phẩm sữa ngoại hiện vẫn chiếm trên 70% thị phần sữa tại Việt Nam trong khi cơ quan quản lý nhà nước chưa đủ mạnh để có thể quản lý. Còn giá sữa nội tăng không chỉ do chi phí nguyên liệu tăng, tỷ giá thay đổi mà còn do các hãng sữa nội hiện nay đang “mạnh tay” chi phí cho quảng cáo sản phẩm nhằm giành thị phần tại Việt Nam.
Với lợi ích tiện sử dụng và giúp tăng cường sức khỏe, nhất là với người già và trẻ nhỏ, sữa và các sản phẩm từ sữa đang là một trong những thực phẩm thiết yếu của người tiêu dùng Việt Nam hiện nay. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần có các quy định mạnh tay hơn với các công ty sản xuất và nhập khẩu sữa trong việc công bố minh bạch giá bán sản phẩm, thời gian tăng giá và các thông tin cần thiết khác.
Theo TTXVN, hiện tất cả các trang web của các hãng sữa từ ngoại đến nội đều chỉ công bố các thông tin về sản phẩm, chất lượng sản phẩm và các chương trình quảng cáo còn tuyệt nhiên không hề công bố giá bán công khai của các sản phẩm như các loại hàng hóa thiết yếu khác. Với tình trạng mù mịt thông tin về giá cả như vậy, người tiêu dùng Việt Nam chỉ có cách phải chập nhận trả tiền một cách thụ động.
Bình luận (0)