Chiều 6-11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội về nhiều vấn đề "nóng" của ngành, trong đó có công tác quản lý, điều tiết, quy hoạch điện lực, năng lượng mới và năng lượng tái tạo.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết đã có 76 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.
Đại biểu (ĐB) Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về vấn đề giải phóng công suất điện mặt trời trong bối cánh hệ thống truyền tải điện còn chưa đáp ứng được. Đây cũng là nhóm vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi với người đứng đầu ngành công thương.
"Các doanh nghiệp tư nhân có mong muốn đầu tư hệ thống truyền tải điện nhưng chưa được chấp nhận, trong khi các doanh nghiệp đầu tư điện gió, điện mặt trời buộc phải giảm công suất. Bộ trưởng có giải pháp căn cơ để giải quyết những bất cập trong hệ thống truyền tải. Trong bối cảnh vốn nhà nước còn hạn chế, bộ có cơ chế nào để tư nhân đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải, sau đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vận hành, vẫn đảm bảo được vai trò quản lý nhà nước"- Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh đặt vấn đề với Bộ trưởng Công Thương.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết sẽ đề xuất sửa đổi luật theo hướng cho phép tư nhân đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện - Ảnh: Quochoi.vn
Trả lời đại biểu Quốc hội, tư lệnh ngành công thương khẳng định, việc đồng bộ hệ thống truyền tải điện để giải tỏa công suất điện mặt trời là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận những hạn chế về nguồn lực nhà nước, EVN cũng thiếu nguồn vốn để đầu tư phát triển hệ thống truyền tải, trạm biến áp nên gặp khó trong việc giải tỏa công suất điện mặt trời như đã xảy ra thời gian qua.
"Về giải pháp dài hạn, Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng các bộ ngành nghiên cứu, tham mưu, đề xuất sửa đổi 1 số nội dung ở các luật, trong đó có Luật Đầu tư, Luật Điện lực theo hướng đa dạng hóa các loại hình đầu tư truyền tải điện, kể cả đường dây 500 kV"- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Người đứng đầu Bộ Công Thương cho biết có doanh nghiệp tư nhân đã đề xuất xây dựng đường dây truyền tải để giải tỏa công suất. Bộ đã xem xét hồ sơ của doanh nghiệp, nghiên cứu và đề xuất có thể đưa hạng mục xây dựng đường dây truyền tải vào một hậu phần của dự án, như vậy có thể được xem xét, phê duyệt.
"Tuy nhiên về lâu dài phải sửa luật, hoặc có một văn bản hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên chúng tôi xác định, không thể đánh mất vai trò quản lý nhà nước khi tư nhân đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải, nên có thể xem xét dưới hình thức BT"- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.
Bình luận (0)