xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sữa vẫn loạn giá !

Ngọc Dung - Phương Nhung

Bất chấp kỳ vọng về việc “trả lại tên” cho các mặt hàng sữa sẽ giúp bình ổn giá những sản phẩm này, thị trường sữa vẫn chuẩn bị cho đợt tăng giá mới!

Sau nhiều tháng tranh cãi về tên gọi cho sữa, bỏ mặc doanh nghiệp (DN) nhập khẩu, phân phối “làm giá”, từ ngày 20-11, các loại sữa nhập cho trẻ dưới 36 tháng tuổi, sữa và các sản phẩm dinh dưỡng có chứa sữa động vật dưới dạng bột hoặc dạng lỏng sử dụng cho trẻ dưới 6 tuổi… đều được đưa vào diện hàng bình ổn giá và buộc phải kê khai với Bộ Tài chính khi điều chỉnh giá. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động, tại một số cửa hàng kinh doanh thực phẩm dinh dưỡng, bất chấp các chế tài quản lý, sữa vẫn rục rịch tăng giá.

Tăng giá “chạy” quy định

Chị Trần Thanh Huyền - nhân viên một cửa hàng sữa ở quận Ba Đình, TP Hà Nội - cho biết cửa hàng vừa nhận được thông báo của Abbott: Kể từ tháng 12-2013 tới, hãng này sẽ tăng giá 3% tất cả sản phẩm sữa, thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung… Abbott chiếm thị phần khá lớn trong các hãng sữa nhập khẩu. Giá một số sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt cũng khá cao, như Pediasure: 570.000 đồng/hộp 900 g và 980.000 đồng/hộp 1.700 g, Ensure: 660.000 đồng/hộp 900 g…

img
Nhiều mặt hàng sữa lại rục rịch tăng giá Ảnh: NGỌC DUNG

Như vậy, với mỗi hộp sữa loại 900 g trở lên, giá sẽ tăng 15.000- 30.000 đồng, tùy loại. “Tuy mức tăng không “khủng” như những lần trước nhưng nhiều loại sữa nhập đã giữ ở mức khá cao nên việc sữa tăng giá sẽ tác động không nhỏ đến túi tiền của người tiêu dùng (NTD)” - chị Huyền nhận xét.

Theo anh Nguyễn Quân - chủ một siêu thị tư nhân ở phố Mai Động, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội - không chỉ Abbott, anh còn nghe thông tin một số sản phẩm sữa, như của Enfa, cũng chuẩn bị tăng giá, thậm chí tăng mạnh.

Từ ngày 4-9, quyết định đưa mặt hàng tạm gọi chung là sữa vào danh mục bình ổn giá của Bộ Y tế đã có hiệu lực. Tuy nhiên, trên thực tế, phải đến ngày 20-11, quy định này mới có hiệu lực. Khoảng thời gian đó không ngắn, các DN và đại lý hoàn toàn có thể tranh thủ tăng giá để “chạy” quy định. Tại công ty phân phối, giá nhiều sản phẩm không quá cao nhưng các đại lý, cửa hàng cấp 2-3 đã tự ý đội lên để hưởng chênh lệch. NTD chỉ biết ngậm ngùi móc ví để mua sữa cho con.

Đại diện Bộ Tài chính khẳng định sẽ rà soát và xử lý những trường hợp tăng giá bất hợp lý. Theo vị này, có thể so sánh, đối chiếu với giá sữa năm 2012 - thời điểm mặt hàng này đang thuộc danh mục bình ổn giá - để xác định mức tăng có hợp lý không, từ đó đưa ra quyết định xử lý.

“Tuy nhiên, từ đầu năm 2013 đến nay, do thay đổi tên gọi nên các sản phẩm này bị loại ra khỏi danh mục hàng bình ổn giá. Vì thế, việc xử lý sẽ không dựa vào vi phạm về mặt hàng bình ổn giá mà sẽ căn cứ theo dấu hiệu bất thường trong hình thành giá, có yếu tố thao túng thị trường hay không” - vị này nói.

Quản kiểu “hành chính”

Theo một chuyên gia thực phẩm, nhiều năm qua, các sản phẩm sữa - nay là thực phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ từ 6 tuổi trở xuống - đã liên tục tăng giá với tốc độ “phi mã”, dù đã được đưa vào danh mục hàng hóa phải kê khai giá từ năm 2007. Đã có những thống kê cho thấy giá các sản phẩm này đã tăng khoảng 30 lần trong 6 năm. Như vậy, trung bình cứ hơn 2 tháng, giá sữa lại tăng 1 lần!

“Chuyện quản lý giá sữa suốt một thời gian dài chẳng khác nào “ném đá ao bèo”. Song, rõ ràng nếu loại trừ các yếu tố bên ngoài như giá nguyên liệu, tỉ giá, chi phí kinh doanh… thì đa phần những lần tăng giá sữa đều là do DN lợi dụng kẽ hở của pháp luật, nhất là với sữa nhập khẩu” - chuyên gia này nhận xét.

Chuyên gia nêu trên cho biết Thông tư 104/2008 của Bộ Tài chính đã quy định trong vòng 15 ngày liên tục, sữa không được tăng giá 20% nhưng hiện nay, DN thường để sau khoảng thời gian này mới tăng giá. Vì vậy mà liên tục nhiều năm, giá sữa tăng vài lần mỗi năm nhưng các cơ quan quản lý không thể kiểm soát được, vì DN vẫn tuân thủ đúng quy định của Pháp lệnh Giá.

“Đây chính là kẽ hở của những quy định về quản lý giá, không đơn thuần chuyện sữa thay đổi tên gọi là nguyên nhân để các cơ sở lách luật tăng giá như nhiều người vẫn nói” - ông nhận xét.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng khó có thể kiểm soát được giá sữa nếu cứ áp đặt các biện pháp hành chính, bộ nào cũng quản lý nhưng suy cho cùng chẳng bộ nào quản! Bằng chứng là sữa tăng bình quân 3-4 lần/năm, mỗi lần tăng 3%-15%, thậm chí tới 20%.

“Thị trường sữa bột cho trẻ em hiện có tới 200 nhà nhập khẩu, phân phối nhưng hầu hết đều thuộc các hãng nước ngoài, chiếm đến 80%. Nhìn vào bức tranh thị trường, NTD cũng có thể thấy sữa đang bị thao túng bởi một số “ông lớn” chiếm thị phần cao” - ông Phú khẳng định.

Hiện nay, khi các quy định kiểm soát giá sữa đã có hiệu lực, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn nhìn nhận đây cũng chỉ là những biện pháp hành chính, chưa phải giải pháp thị trường nên tính khả thi và hiệu quả sẽ khó như mong muốn.

“Chúng ta không thiếu quy định, thực tế đã có rất nhiều công cụ để kiểm soát giá sữa cũng như hoạt động kinh doanh sữa; đội ngũ thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan hải quan… đều có thể cung cấp bảng tổng hợp giá sữa tại các nước, từ đó có thể so sánh và tìm ra sự bất hợp lý của giá sữa ở ta. Vấn đề là các cơ quan quản lý nhà nước sử dụng những công cụ đó thế nào. Thị trường sữa cần được quản lý bằng những giải pháp mang tính thị trường, chứ không phải chỉ là kê khai giá” - một chuyên gia phân tích.

Khó kiểm soát từ chi phí gốc

Bộ Công Thương cho rằng khi đưa các sản phẩm ngoài vòng kiểm soát vào danh mục những mặt hàng sữa và sản phẩm sữa ban hành, chịu sự quản lý của Luật Giá, chắc chắn các đơn vị kê khai không đúng với cơ cấu giá sẽ được hạn chế. DN nào kê khai không hợp lý sẽ bị yêu cầu điều chỉnh.

Tuy nhiên, việc tăng giá sữa cứ đến hẹn lại lên theo chu kỳ, ngay cả trước và sau thời điểm ngày 20-11, được các DN hợp thức hóa bằng hàng chục lý do như giá nhập khẩu, thuế suất tăng cao, biến động lãi vay…

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, cơ quan đứng đầu về kiểm soát giá là Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ chi phí của DN, không được tùy tiện đưa chi phí bất hợp lý vào giá thành khiến NTD thiệt thòi. Ông Long cho rằng khi đã đưa các loại sữa vào danh mục bình ổn thì chức năng của Cục Quản lý giá là phải kiểm tra rõ chi phí đầu vào, xem hóa đơn chứng từ, so sánh giá các nước..., khắc phục hiện tượng DN khai báo chi phí một chiều, không được kiểm soát hoặc kiểm soát lỏng lẻo.

“Yêu cầu DN kê khai giá chỉ là một phần, vấn đề là vai trò giám sát, quản lý của cơ quan kiểm soát giá chưa được làm tròn” - ông Long nhìn nhận.

Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong nhận xét Thông tư 30 về quản lý giá sữa có hiệu lực sẽ kiểm soát được phần nào giá cả do hạn chế việc kê khai bất hợp lý của DN. Tuy nhiên, theo ông, phần lớn nhất trong cơ cấu giá hiện nay chưa được kiểm soát đến nơi đến chốn là giá nhập khẩu.

“Giá nhập khẩu không được đối chiếu, so sánh với các nước cùng khu vực là bất cập trong quản lý. Như thế, sắp tới, khi siết khâu bán lẻ thì giá sữa sẽ có khả năng loạn ở khâu nhập khẩu do không kiểm soát được đầu vào” - ông Phong nghi ngại.

Tuy nhiên, một khó khăn được Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn nêu ra là việc đối chiếu để kiểm soát giá sữa nhập khẩu không hề dễ dàng.

“Các dòng sữa ở các nước khác nhau, hàm lượng khác nhau, đặc biệt là thị hiếu khách hàng khác nhau nên khó có độ tương thích để so sánh giá. Hơn nữa, sữa nhập khẩu do bản thân công ty mẹ cung cấp. Khai thác dữ liệu từ công ty mẹ là rất khó” - ông Tuấn băn khoăn.

Quảng cáo đến 40% chi phí sản xuất
Lý do lớn nhất khiến giá sữa tăng mà các chuyên gia đã chỉ ra chính là DN đã chi cho quảng cáo quá mức. Dù nhà nước quy định kinh phí dành cho quảng cáo không được quá 10% chi phí sản xuất nhưng theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Tổng Thư ký Hội đồng Thẩm định giá Việt Nam, có DN sữa đã chi quảng cáo tới 40%.
Ngoài ra, hàng loạt chi phí công khai và chi phí ngầm khác như phí vận chuyển, “bôi trơn”, chiết khấu hoa hồng… đều tính vào giá thành và NTD phải gánh chịu.

Dùng thuế để điều tiết

TS Nguyễn Minh Phong cho rằng ngoài rất nhiều bất cập, kẽ hở khiến giá sữa tăng không ngừng đã được chỉ ra, còn một nguyên nhân nữa ít được lưu tâm, đó là chính sách thuế. Hiện Việt Nam còn bỏ ngỏ một công cụ quan trọng là thuế điều tiết thu nhập DN, chưa lợi dụng để kìm hãm giá cả của mặt hàng sữa. Chính sách thuế đang tạo điều kiện cho DN lách được kẽ hở để bán hàng giá cao nhưng nộp thuế lại thấp, như vậy vừa không có lợi cho NTD vừa không có lợi cho ngân sách nhà nước.

“Cần có chính sách thuế linh hoạt, sử dụng công cụ thuế để điều tiết thu nhập DN. Giả dụ có chính sách khuyến khích nếu DN bán hàng với mức lãi thấp thì sẽ phải nộp thuế ở mức thấp, nếu đẩy lãi cao thì phải chịu mức thuế cao thì sẽ không còn nhiều DN bán hàng giá cao nữa” - ông Phong khẳng định.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo