Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh - Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và tư vấn, CBRE Việt Nam - cho biết trong 6 tháng đầu năm, phân khúc bất động sản (BĐS) công nghiệp tiếp tục là điểm sáng của thị trường BĐS Việt Nam, tỉ lệ hấp thụ khả quan ở cả đất công nghiệp, nhà xưởng và nhà kho xây sẵn.
Đặc biệt, các tập đoàn lớn hàng đầu thế giới nhìn nhận Việt Nam là điểm đến lý tưởng để triển khai các dự án, những công xưởng quy mô lớn khi xu hướng chuyển đổi xanh ngày càng mạnh mẽ ở các khu công nghiệp (KCN), tòa nhà văn phòng.
Ưu thế của các KCN xanh
Theo CBRE, tính đến quý II/2023, hàng loạt dự án BĐS công nghiệp đã đăng ký cấp chứng nhận LEED (chứng nhận công trình xanh do Hội đồng Công trình xanh Mỹ cấp), như Core5 - Hải Phòng, Logos - Bắc Ninh, KCN Phú Tân - Bình Dương, KCN Xuyên Á - Long An…
Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh chia sẻ: "Mặc dù chúng tôi chưa thấy bằng chứng rõ ràng về chênh lệch giá thuê của các dự án công nghiệp đạt chứng chỉ xanh tại Việt Nam nhưng khách thuê đã bắt đầu có xu hướng ưu tiên hơn đối với những dự án được phát triển bền vững và chú trọng vào năng lượng tái tạo. Thực tế, ngày càng nhiều dự án công nghiệp được đăng ký và có chứng nhận LEED tại Việt Nam".
Ngoài ra, các khu bán lẻ, văn phòng xanh cũng đang thu hút các doanh nghiệp (DN) nước ngoài. Vì vậy, bất chấp thị trường khó khăn, các khu văn phòng hạng A vẫn luôn thu hút khách thuê và giá không giảm nhiều.
Theo bà Thanh, xu hướng văn phòng xanh đã được CBRE nhắc đến nhiều trong những năm qua đang dần trở nên rõ nét tại TP HCM và Hà Nội. Dự báo, hơn 75% nguồn cung văn phòng tương lai từ quý III/2023 đến hết năm 2025 của TP HCM là các tòa nhà đạt chứng chỉ xanh.
Thống kê của CBRE cho thấy hiện có khoảng 33% nguồn cung văn phòng hạng A tại TP HCM đã đạt một trong các chứng chỉ xanh có giá thuê trung bình cao hơn khoảng 6% so với các tòa nhà hạng A còn lại. Trong khi ở các nước phát triển, tỉ lệ văn phòng hạng A có chứng chỉ xanh trên tổng nguồn cung có thể lên đến gần 50%.
"Đầu tư vào công trình xanh hoặc tòa nhà có yếu tố xanh, bền vững dần trở thành một thông lệ được chủ đầu tư các nước phát triển áp dụng nhằm bảo chứng giá trị BĐS. Thực tế cho thấy những tòa nhà hạng A với vị trí đẹp, tiêu chuẩn mặt bằng cũng như vận hành cao vẫn thu hút được sự quan tâm của khách thuê dù chưa đi vào hoạt động chính thức. Điều này cho thấy nhu cầu về dịch chuyển sang mặt bằng chất lượng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bất chấp những thách thức đến từ nền kinh tế" - bà Thanh nhìn nhận.
Thực tế, báo cáo của Collier Việt Nam cũng cho thấy sự sụt giảm trong ngắn hạn của hoạt động xuất khẩu không ảnh hưởng nhiều đến hiệu suất đầu tư xây dựng và cho thuê của các KCN trong quý II/2023.
Một góc KCN Tân Tạo, quận Bình Tân, TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đẩy mạnh chuyển đổi
Dưới góc độ DN nước ngoài, ông Michael Jensen, đại diện Tập đoàn Pandora (thương hiệu trang sức hàng đầu thế giới), cho biết hầu hết các nhà bán lẻ đều muốn tòa nhà họ làm việc đạt tiêu chuẩn LEED. Do đó, các chủ tòa nhà, KCN muốn nâng cao giá thuê phải theo chuẩn xanh, bảo đảm môi trường…
Nắm bắt được xu thế chuyển đổi xanh các KCN, mới đây Ban Quản lý các KCX-KCN TP HCM (HEPZA) đã xây dựng Đề án định hướng phát triển các KCX - KCN giai đoạn 2023 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, 5 khu sản xuất công nghiệp đầu tiên của TP HCM gồm: KCX Tân Thuận và 4 KCN gồm Tân Bình, Cát Lái, Hiệp Phước và Bình Chiểu sẽ được thí điểm chuyển đổi trong năm nay và năm tới.
Các khu này sẽ được chuyển đổi theo định hướng phát triển công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; các sản phẩm và công đoạn có giá trị gia tăng cao; sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, có hàm lượng giá trị gia tăng cao…
Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp của HEPZA, 12 KCX - KCN đang hoạt động còn lại sẽ được lập đề án chuyển đổi trong giai đoạn 2025 - 2030. Trong quá trình thực hiện, HEPZA sẽ phối hợp các đơn vị khảo sát, lấy ý kiến, tham vấn các DN KCX, KCN; hiệp hội các DN, ngành nghề; các công ty phát triển hạ tầng KCX, KCN, chuyên gia… Trong trường hợp cần thiết sẽ tham mưu điều chỉnh định hướng cho phù hợp tình hình thực tiễn.
"Việc chuyển đổi sẽ được tuyên truyền rộng rãi, thực hiện từng bước, thận trọng, tạo sự đồng thuận, bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư theo quy định pháp luật. Các dự án của nhà đầu tư trong KCX, KCN vẫn tiếp tục triển khai hoạt động theo thời hạn hoạt động của dự án, tuy nhiên, các DN phải chủ động nâng cao trình độ công nghệ. Trường hợp DN có nhu cầu di dời, thành phố cũng sẽ tạo điều kiện cho DN. Đến nay, có 17 KCX - KCN trong tổng số 19 khu được thành lập đã đi vào hoạt động, diện tích đất cho thuê 1.948 ha, đạt tỉ lệ lấp đầy 77%" - đại diện HEPZA cho biết.
Bên cạnh TP HCM, "thủ phủ công nghiệp" Bình Dương cũng đang định hướng chuyển đổi các KCN truyền thống sang mô hình KCN thông minh - sinh thái. Đồng thời, tập trung thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, thân thiện môi trường, nâng cao chất lượng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao, vượt bẫy thu nhập trung bình…
Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Becamex IDC, cho biết từ tháng 2-2023 đến nay, Becamex đã đồng hành với Ngân hàng Thế giới và tư vấn kỹ thuật KPMG (Ấn Độ) để thực hiện dự án nghiên cứu tiền khả thi về cơ hội phát triển KCN sinh thái cho KCN Bàu Bàng.
"Các đơn vị đã khảo sát thực tế những KCN của Becamex ở Bình Dương, đặc biệt là ở Bàu Bàng, phỏng vấn trực tiếp DN hoạt động trong KCN, trao đổi thông tin với các đơn vị cung cấp dịch vụ như điện, nước, viễn thông... để nắm bắt nhu cầu và hiện trạng của các bên; xử lý tư liệu, dữ liệu thu thập được, đưa ra phân tích, thảo luận và lên kế hoạch hành động để xây dựng một EIP đúng nghĩa trong tương lai" - ông Thuận thông tin.
Bình luận (0)