Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3-2014 giảm 0,44% so với tháng trước, mức thấp nhất của tháng 3 trong vòng 11 năm qua.
So với tháng 3 năm trước, CPI tháng 3-2014 cũng chỉ tăng 4,39%, mức thấp kỷ lục trong vòng 5 năm trở lại đây.
Thực phẩm giảm mạnh nhất
Việc CPI tháng 3 giảm so tháng trước có thể hiểu được theo quy luật hàng hóa và dịch vụ thường giảm giá sau Tết Nguyên đán. Nhưng với mức giảm sâu trong tháng 3 cộng mức tăng thấp kỷ lục trong hai tháng trước đó dẫn đến chỉ số giá tiêu dùng quý 1-2014 tăng thấp kỷ lục.
Giá thực phẩm giảm mạnh nhất so với tháng trước, trong đó nhiều nhóm hàng đã giảm về mức thậm chí còn thấp hơn trước Tết như thịt lợn, thịt bò. Giá gia cầm cũng giảm mạnh, do e ngại từ dịch cúm đang bùng phát ở một số tỉnh thành.
Mức giảm mạnh thứ hai thuộc về nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng. Các nhóm giao thông và bưu chính viễn thông thì giảm nhẹ.
Ở chiều ngược lại, có tới 7/11 nhóm hàng tăng giá so tháng trước nhưng mức tăng rất nhẹ, cao nhất chỉ ở mức 0,24% của nhóm đồ uống và thuốc lá. Mức tăng đáng kể tiếp theo thuộc về nhóm hàng hóa và dịch vụ khác do tác động chính từ các mặt hàng trang sức tăng giá từ tác động của giá vàng. Các nhóm khác chỉ tăng không đáng kể.
Trong tháng, giá hai mặt hàng vàng và USD diễn biến cùng chiều ở các mức tăng 3,31% và 0,02% so tháng trước.
Giải thích trái chiều
Trong thời gian qua đã có nhiều ý kiến trái chiều lý giải cho hiện tượng CPI tăng thấp. Cụ thể, sau tháng 1, nhiều ý kiến đồng tình rằng CPI tăng thấp là do sức cầu của nền kinh tế yếu. Tuy nhiên, sang tháng 2, đã xuất hiện những giải thích trái chiều nhau.
Trả lời báo giới, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng CPI tăng thấp là do nguồn cung dồi dào, sự kiểm soát, điều phối tốt của Chính phủ và “một nguyên nhân quan trọng khác làm CPI tăng thấp là do nhu cầu tiêu dùng tăng không cao như năm trước, người dân chi tiêu ngày càng tính toán, tiết kiệm, hiệu quả và thông minh hơn” và “mức tăng thu nhập năm nay không cao như mọi năm nên người dân cân nhắc và tiết kiệm hơn”.
Trong khi đó, bà Đỗ Thị Ngọc, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê giá - Tổng cục Thống kê, đơn vị trực tiếp tính toán CPI, cho rằng “lo ngại về sức cầu của nền kinh tế yếu là không có cơ sở” và CPI tăng thấp “có nguyên nhân quan trọng nhất là tâm lý của người tiêu dùng không còn sợ lạm phát, nên không mua hàng hóa dự trữ”.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế, nguyên nhân quan trọng khiến CPI tăng thấp là sức cầu yếu.
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng “giá cả tăng thấp trong tháng Tết cho thấy một thực tế là sức mua của dân quá thấp”.
Còn Chủ tịch Hội Siêu thị thành phố Hà Nội Vũ Vinh Phú cho rằng “CPI tăng 0,55% trong tháng 2 một phần thể hiện vai trò điều hành chính sách của Nhà nước. Nhưng điều này chỉ chiếm 20%, còn lại chủ yếu do cầu yếu”.
Với diễn biến kinh tế gần đây, CPI tháng 3 giảm mạnh và GDP quý 1 năm 2014 của thành phố Hà Nội và TP HCM tăng ở mức 6,6% và 7,7% so với mức tăng tương ứng 7,5% và 7,6% của quý 1 năm ngoái càng khiến nhiều người tin rằng sức cầu của nền kinh tế chưa hồi phục, vẫn ở mức thấp.
Theo TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc Nghiên cứu của Dragon Capital, lạm phát Việt Nam đang ở mức thấp một phần nhờ chúng ta đã có kinh nghiệm hơn trong điều hành, nhất là đối với các mặt hàng nhà nước quản lý và nguồn cung lương thực, thực phẩm - yếu tố tác động chính - đang ổn định ở mức cao.
“Về dài hạn, giá cả hàng hóa được xác lập trên quan hệ cung - cầu, chứ không phải do tâm lý, đó chỉ là yếu tố nhất thời” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Bình luận (0)