xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sức mua yếu ớt

NGỌC ÁNH - LINH ANH

Điều các doanh nghiệp lo sợ nhất trong năm nay chính là sức mua từ thị trường. Giá cả hàng hóa giảm nhiều nhưng người dân vẫn thắt chặt chi tiêu

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2-2014 chỉ tăng 0,55% so với tháng trước, là mức tăng thấp nhất so với tốc độ tăng cùng kỳ trong 7 năm qua. So với tháng cuối năm 2013, CPI tháng 2 tăng 1,24% và 2 tháng đầu năm tăng 5,05% so với năm trước.

Giá giảm, người mua vẫn thưa thớt

Bà Nguyễn Thị Bảy, chủ vựa rau trên đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè, TP HCM) nói gần đây có cảm giác người ta không đi chợ nữa. Họ chỉ mua lượng tối thiểu, có món gì rẻ, năn nỉ họ mua thêm cũng không được. Nhiều khi đi chợ đầu mối thấy hàng nhiều, giá rẻ cũng không dám lấy thêm bởi không bán được, sợ phải đổ bỏ.

Sau Tết, giá hàng hóa giảm nhiều nhưng người dân vẫn còn thắt chặt chi tiêu Ảnh: Hồng Thúy
Sau Tết, giá hàng hóa giảm nhiều nhưng người dân vẫn còn thắt chặt chi tiêu Ảnh: Hồng Thúy

Nhiều tiểu thương các chợ tại phường Long Bình Tân (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cho biết giá rau củ quả rất rẻ nhưng tiêu thụ chậm. Chỉ tay vào đống cà chua, chị bán hàng cho biết cà chua giá chỉ 5.000 đồng/kg, rẻ quá nên ngoài Bắc họ bỏ cả đống. Riêng các loại rau củ như súp lơ, bắp cải, cà rốt, khoai tây… giá từ 15.000-25.000 đồng/kg, lấy từ Đà Lạt chứ không phải hàng Trung Quốc.

Chị Trần Thanh Hiếu, làm việc tại quận Phú Nhuận (TP HCM) chia sẻ dù vợ chồng có công việc ổn định nhưng thu nhập giảm so với trước nên phải tìm mọi cách để giảm chi tiêu. Trước đây, trên đường đi làm về chị thường ghé siêu thị mua đồ ăn cho vài ngày, nay thịt cá hầu như đều được mua từ quê trữ đông và chỉ mua thêm rau. “Giá thịt, cá ở quê chỉ bằng 1/2 so với ở đây nên gia đình cũng tiết kiệm được khoản đáng kể” - chị Hiếu nói.

Ngay cả dân công sở, trước đây vốn thường tụ tập cà phê nay cũng thưa dần. Ông Trần Nguyên Khải, chủ một quán cà phê trên đường Võ Thị Sáu (quận 3), cho biết khách của quán chủ yếu là dân công sở nhưng họ ngày càng tiết kiệm. “Vài tháng trước, khách quen có thể chi khoảng 50.000 đồng cho bữa trưa (gồm cơm và nước uống), nay họ chỉ ăn cơm. Số người có thể vào quán uống 2-3 cữ cà phê/ngày không còn nhiều. Thức uống của quán có giá từ 22.000 - 35.000 đồng/ly nhưng khách vào quán hầu như chỉ gọi giá thấp nhất!” - ông Khải kể. Kinh doanh ế ẩm, trong khi giá thuê mặt bằng cao nên phải bù lỗ. Sau Tết, ông Khải thử tăng giá nhẹ một số loại thức uống nhưng thấy lượng khách giảm mạnh nên không dám tăng nữa.

Doanh nghiệp phập phồng

Theo Tổng cục Thống kê, CPI tăng thấp do các địa phương thực hiện tốt công tác dự trữ hàng hóa và bình ổn giá phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết và cầu của thị trường vẫn ở mức thấp. Cụ thể, CPI tháng 2 tăng chủ yếu do tác động của giá nhóm hàng ăn, dịch vụ ăn uống và giá dịch vụ giao thông công cộng. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có chỉ số giá tăng cao 1,15% (gồm lương thực tăng 0,68%, thực phẩm tăng 1,16%, ăn uống ngoài gia đình tăng 1,6%); văn hóa, giải trí du lịch tăng 0,61%; giao thông tăng 0,66%...

Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho rằng CPI tăng thấp ngay trong tháng có Tết Nguyên đán không hẳn mừng mà là điều lo của doanh nghiệp (DN). Bởi DN kể cả lỗ cũng chủ động được hàng hóa nhưng không thể ép người tiêu dùng mua hàng của mình. Và điều lo sợ nhất của DN trong năm 2014 chính là sức mua. Tại Vissan, từ đầu năm đến nay, sức mua có hồi phục nhưng chưa khởi sắc. “Người tiêu dùng đã bắt đầu quen với tập tính dè sẻn, tiết kiệm trong mua sắm tiêu dùng. Các loại thực phẩm cũng dồi dào, họ không còn trữ thực phẩm ngày Tết như trước. Năm nay, người dân đã chuyển từ ăn Tết sang vui Tết” - ông Mười nhận xét.

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food, cũng nhận xét CPI giảm là nỗi lo đối với DN vì phản ánh sức mua yếu. “Cả năm nay, kể cả mùa Tết sức mua cũng không khá hơn, ngay cả ngành hàng thực phẩm với nhiều mặt hàng thiết yếu” - bà Lâm nhấn mạnh. Đối với các mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn cao cấp hơn của công ty, dùng cho đám tiệc cũng bị giảm mạnh. Hiện tại, DN tập trung vào các dòng sản phẩm dùng cho bữa ăn hằng ngày như lẩu (dùng như một món canh), cá tẩm ướp gia vị... do tiêu thụ tốt hơn.

Tương tự, các mặt hàng tiêu dùng như giấy vệ sinh, khăn giấy của Công ty CP Mai Lan từ sau Tết bán rất chậm, nhiều đại lý chậm thanh toán vì hàng chưa bán hết… “Sau Tết mà công ty phải tiếp tục khuyến mãi cho một số đơn đặt hàng, sức mua thậm chí yếu hơn cùng kỳ năm ngoái. Dù DN cho các đại lý trả chậm từ 2-4 tuần nhưng hàng chưa bán được nên họ không muốn lấy tiếp” - ông Phạm Như Bách, giám đốc công ty, cho biết.

Lòng tin người tiêu dùng còn thấp

Báo cáo về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam của Ngân hàng HSBC vừa công bố cho thấy lạm phát toàn phần tháng 2-2014 thấp nhất trong 5 năm qua, dù tháng này có Tết Nguyên đán, thường sẽ đẩy giá thực phẩm và một số mặt hàng cơ bản lên cao. Năm nay, ngoài việc chi tiêu vào thực phẩm và đi ăn ngoài, đa số người Việt đã cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết như quần áo và đồ dùng gia đình. Nhu cầu nội địa yếu hơn kỳ vọng, giá gạo thấp và giá cả hàng hóa có thể giảm. Các hoạt động kinh tế tiếp tục bị ảnh hưởng bởi yếu tố lòng tin của người tiêu dùng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo