Giá bán lẻ điện sinh hoạt theo bậc thang so với năm 2009 - Đồ họa: VĨ CƯỜNG
Những nguyên nhân tăng giá điện - Tỉ giá ngoại tệ tăng cao làm tăng chi phí mua điện khoảng 800 tỉ đồng. - Giá khí, giá dầu, giá than tăng. - Lương tối thiểu được điều chỉnh tăng làm tăng chi phí ở tất cả các khâu. - Khối lượng đầu tư sửa chữa lưới điện và các nhà máy điện lớn. - Năm 2009, chi phí đầu vào cho điện tăng tới 2.565 tỉ đồng. Dự kiến năm 2010, giá nhiên liệu cho điện tiếp tục tăng... (Nguồn: Bộ Công thương)
Nhà nước trợ giá 43% cho hộ nghèo
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào, điều chỉnh giá điện năm 2010 là việc làm bình thường theo lộ trình và theo nguyên tắc không làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô khi nền kinh tế vừa phục hồi sau suy giảm.
Giải thích việc ban đầu Bộ Công thương đề nghị Chính phủ phê duyệt giá điện năm 2010 chỉ nên tăng khoảng 4,9%, sau đó giá điện đã tăng tới 6,8%, Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào cho rằng tính toán ban đầu của Bộ Công thương là “mới mang tầm của một bộ. Bộ Công thương đề nghị tăng 4,9% với mục đích không để giá điện ảnh hưởng tới nền kinh tế khi mới hồi phục và như thế chỉ để giá than tăng 15%. Tuy nhiên, trên cơ sở góp ý của Bộ Tài chính, như thế than bán dưới giá thành nhiều quá nên phải để giá than bán theo giá thành. Vì vậy, cần để giá điện tăng 6,8%. Mức này cũng nằm trong phương án 2 của Bộ Công thương”.
Theo Bộ Công thương, với mức tăng giá điện 6,8%, giá bán điện bình quân năm 2010 sẽ là 1.058 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Do đó, giá than bán cho điện sẽ tăng khá mạnh: than cám 5 tăng 28% và than cám 4b tăng tới 47% (năm 2009, giá bán than cho điện đã tăng 27%).
Với mức tăng trung bình là 6,8%, ông Đỗ Hữu Hào cho biết giá điện sinh hoạt vẫn được điều chỉnh tăng cao nhất, sau đó mới đến điện sản xuất và điện cho các cơ quan hành chính sự nghiệp... Tuy nhiên, với việc giữ nguyên mức giá 600 đồng cho 50 kWh đầu tiên, Nhà nước đã tăng bù lỗ cho những người nghèo chỉ sử dụng dưới 50 kWh/tháng từ mức 37% năm 2009 lên 43% năm 2010.
Với bậc thang từ kWh thứ 51 đến 100, Bộ Công thương khẳng định mức giá bán cho người dân cũng chỉ bằng giá thành sản xuất điện, không có lãi. Tuy nhiên, những người sử dụng 400-500 kWh/tháng cũng vẫn được hưởng giá ưu đãi ở 100 kWh đầu. Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào khẳng định: càng sử dụng nhiều, mức giá sẽ càng tăng mạnh, đủ để thu lại những bù lỗ trên.
Kéo giảm GDP 0,34%
Tính toán tăng giá điện tác động đến đời sống nhân dân, Bộ Công thương cho biết giá điện tăng sẽ làm tăng chi phí của người dân 0,19-0,27%. Người chỉ sử dụng dưới 50 kWh sẽ không phải tăng chi phí tiền điện do giá giữ nguyên, nhưng người nào dùng đến 100 kWh/tháng, mỗi tháng sẽ phải trả thêm 7.000 đồng.
Hộ dùng dưới 200 kWh/tháng, số tiền phải trả thêm tối đa là 16.000 đồng/tháng (bằng 0,53% thu nhập của hộ có thu nhập trung bình). Hộ sử dụng 300 kWh/tháng phải trả thêm khoảng 26.000 đồng. Với gia đình nào dùng tới 400 kWh/tháng, số tiền phải trả thêm ở mức 36.500 đồng/tháng... Theo ông Đỗ Hữu Hào, số tiền trên không quá lớn vì “một bát phở ra tết đã tăng giá đến 10.000 đồng”.
Về tác động chung đến xã hội, ông Hào cho biết sau khi thống nhất với Tổng cục Thống kê, việc tăng giá điện năm 2010 sẽ không khiến chỉ số CPI tăng 0,2-0,27% như tính toán ban đầu mà chỉ khiến tăng khoảng 0,16%, làm giảm tốc độ tăng GDP 0,34%. Tuy nhiên, theo ông Hào, các đánh giá tác động trên chỉ là dự báo. Dù tăng giá điện có thể kéo giảm GDP 2010 nhưng “cuối cùng nó lại giúp tăng GDP, vì giá tăng, điện phát triển, không mất điện, doanh nghiệp sẽ làm ra sản phẩm nhiều hơn, giúp tăng GDP” - ông Hào nói.
Giá điện giờ cao điểm sáng chỉ tăng 2-4%
Đáng chú ý là với điện cho sản xuất, Bộ Công thương đã chính thức bãi bỏ ưu đãi giảm giá điện giờ cao điểm buổi sáng cho các doanh nghiệp chỉ sản xuất một ca (cuối năm 2009, Chính phủ đã yêu cầu giảm giá cho đối tượng này). Lý do, theo ông Đỗ Hữu Hào, tính ra trong bốn tháng giảm giá, chỉ khoảng 1.500 doanh nghiệp đủ điều kiện được giảm giá, tổng số tiền được giảm cũng chỉ ở mức 3,86 tỉ đồng.
Với tác động không lớn nên việc giảm giá trên, theo ông Hào, đã được bãi bỏ. Tuy nhiên, để giúp giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, giá điện giờ cao điểm sáng sẽ có tỉ lệ tăng thấp hơn so với giá điện giờ cao điểm tối, chỉ tăng 2-4% tùy cấp điện áp.
Dự kiến của Bộ Công thương cũng cho thấy giá điện tăng sẽ khiến các ngành sản xuất phải trả thêm 2.630 tỉ đồng, các cơ quan hành chính phải chi thêm khoảng 280 tỉ đồng tiền điện. Một số ngành sản xuất dùng điện nhiều như cấp nước, điện phân, cán thép, ximăng... giá điện sẽ làm giá thành sản xuất sản phẩm tăng 0,2-3,15%. Với các hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, may mặc, nhiên liệu xăng dầu... giá điện tác động không đáng kể nên khó có cơ sở để tăng giá. “Phở, gà tăng mà đổ cho điện thì không đúng” - ông Hào nói.
Nhân viên Điện lực Bình Chánh ghi điện ở nhà một hộ dân - Ảnh: N.C.T.
TS Trần Đình Thiên (Viện trưởng Viện Kinh tế VN): Làm giảm 0,34% GDP là đáng kể
Việc tăng giá điện làm giảm khoảng 0,34% GDP theo tôi là rất đáng kể, trong điều kiện năm 2010 không phải đã hết khó khăn.
Nếu tính theo chỉ số ICOR của VN là 6 thôi thì muốn tăng trưởng 0,34%, chúng ta phải đầu tư khoảng 2% GDP, tương đương khoảng 2 tỉ USD. Việc đưa ví dụ trên để khẳng định bất cứ tác động nào đều cần phải đánh giá một cách cẩn trọng. Như tăng CPI, dù chỉ 0,16% nhưng cái cần quan tâm là tâm lý, lòng tin của người dân phải giữ cho được, nếu không sẽ thiệt hại đáng kể. Những tác động không tốt cần có chính sách một cách tổng thể bởi bao giờ chi phí để tái lập sự ổn định như cũ cũng không nhỏ.
Theo tôi, biện pháp dù đúng ở tầm tổng thể nhưng nên tránh lạm dụng các điều chỉnh chính sách bởi như vậy sẽ khó ổn định, đặc biệt nó sẽ tác động đến yếu tố tâm lý khá mạnh.
Tỉ giá, giá xăng, giá điện tăng, theo tôi, biện pháp tổng thể lúc này không gì tốt hơn là làm đúng như cam kết của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi đầu năm là ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn chặn lạm phát. Để thực hiện được điều này, ngay cả mục tiêu tăng trưởng 6,5% chúng ta cũng không ngại ngần gì mà không điều chỉnh giảm nếu cần thiết.
EVN lời giả lỗ thật? Tại buổi họp báo, lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Tài chính và EVN đã trao đổi với báo chí về các vấn đề liên quan đến tăng giá điện 2010. * Với việc tăng giá điện thêm 6,8%, giá điện tại VN so với thế giới như thế nào? - Ông Đinh Quang Tri (phó tổng giám đốc EVN): Giá điện bình quân ở Brunei là 6,2 cent/kWh, Campuchia khoảng 17 cent/kWh, Indonesia khoảng 6,77 cent/kWh. Tại Lào, giá 1 kWh là 5,4 cent. Singapore giá 13,07 cent/kWh. Thái Lan bình quân 8,5 cent/kWh... VN sau đợt điều chỉnh giá năm 2010 này, giá điện bình quân mới chỉ là 5,54 cent/kWh. - Ông Đỗ Hữu Hào (thứ trưởng Bộ Công thương): Tôi xin khẳng định giá điện ở VN vẫn thấp nhất khu vực Đông Nam Á, trừ một số vùng của Lào. Lương ta thấp thì giá thấp nhưng lương cơ bản vừa được điều chỉnh tăng rồi, người nghèo ngoài việc được trợ giá điện còn được hưởng các chính sách khác. Ta phải tăng giá điện để đảm bảo cho đầu tư nguồn điện. * Tại sao Bộ Công thương và Bộ Tài chính lại có đề xuất tăng giá khác nhau? Vì sao năm qua EVN lãi vài ngàn tỉ nhưng vẫn phải tăng giá khá mạnh? - Ông Trần Văn Hiếu (thứ trưởng Bộ Tài chính): Không hề có việc hai bộ Tài chính và Công thương trái quan điểm nhau. Việc tăng giá điện 6,8% do nhiều yếu tố, không chỉ vì tăng giá than. Tôi xin nói lại là dù tăng giá điện nhưng giá than bán cho điện mới chỉ đạt khoảng 79% giá thành than chứ không phải đã được 100%. Tôi xin nói là lãi của EVN là lãi giả, lỗ mới là lỗ thật. EVN báo cáo năm 2009 lãi mấy ngàn tỉ nhưng do ta điều chỉnh tỉ giá, nợ trước đây của EVN tính theo tỉ giá mới tăng thêm trên 12.000 tỉ. Nguồn này rồi sẽ phải được hạch toán vào kinh doanh của EVN. * Than vừa tăng giá nên điện phải tăng theo. Khí bán cho điện cũng đang được đề nghị tăng. Vậy giá điện sẽ lại phải tăng tiếp? - Ông Đỗ Hữu Hào: Nếu giá khí tăng cũng sẽ phải tính toán vào giá thành để tính giá điện mới. Nhưng dù giá khí tăng năm nay thì giá điện cũng chỉ điều chỉnh vào sang năm vì quy định hiện tại mỗi năm chỉ điều chỉnh giá điện một lần. Sắp tới có thể điều chỉnh một năm hai lần, vào mùa mưa và mùa khô nhưng nhiều khả năng sẽ phải sau năm 2012. - Ông Đinh Quang Tri: Tập đoàn Dầu khí đã đề nghị tăng giá khí cho điện từ 1-4 nhưng chúng tôi đề nghị Chính phủ chưa đồng ý cho tăng trong năm 2010. Nếu tăng thì ngành điện sẽ phải trả thêm trên 2.000 tỉ. Chênh lệch tỉ giá đã khiến chúng tôi phải trả thêm khoảng gần 12.000 tỉ rồi, khoản này chưa tính vào giá thành. Các khoản tăng lên đều sẽ phải khấu hao hoặc tính vào giá thành điện các năm sau. |
Bình luận (0)