Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, TS Vũ Viết Ngoạn, cho rằng việc điều chỉnh tăng 1% tỉ giá của Ngân hàng (NH) Nhà nước lần này là cần thiết và phù hợp bởi để thị trường căng thẳng quá lâu cũng gây tâm lý không tốt. Lạm phát năm 2014 và từ đầu năm đến nay ở mức thấp nên cũng không quá lo ngại.
Phù hợp diễn biến cung - cầu
Với quyết định mới, giá USD được điều chỉnh từ 21.458 đồng/USD lên 21.673 đồng/USD; trong biên độ ±1%, các NH thương mại sẽ giao dịch với tỉ giá trần 21.890 đồng/USD và tỉ giá sàn 21.456 đồng/USD. Đây là lần thứ hai kể từ đầu năm, tỉ giá tăng và đã “xài” hết biên độ 2% - như cam kết của NH Nhà nước.
Ngay sau khi tỉ giá chính thức tăng, các NH thương mại đồng loạt niêm yết bảng giá USD mới tăng thêm khoảng 60 đồng/USD so với phiên ngày trước. Mức giá phổ biến từ 21.670 đồng/USD mua vào, 21.740 đồng/USD bán ra. Đến cuối ngày 7-5, giá USD trong các NH “hạ nhiệt” chỉ còn khoảng 21.710 đồng/USD (bán ra), mua vào 21.660 đồng/USD.
Trên thị trường tự do, USD được một số điểm thu đổi ngoại tệ tại TP HCM báo giá mua vào 21.700 đồng/USD, bán ra 21.780 đồng/USD, cao hơn so với chiều hôm trước.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NH Nhà nước, tất cả nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức và cá nhân đều được các tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ và kịp thời. Tổng giá trị giao dịch trong ngày tính đến đầu giờ chiều 7-5 là khoảng 700 triệu USD. Đây là mức giao dịch rất bình thường của thị trường thời gian qua.
TS Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia, nêu: Có 3 lý do để điều chỉnh tỉ giá lúc này, đó là cung - cầu ngoại tệ đang căng thẳng, giá USD trong NH đã ở mức kịch trần biên độ và biên độ điều chỉnh theo như cam kết của NH Nhà nước vẫn còn 1%. Khi giá USD tăng, người mua muốn mua thêm nhưng người bán không bán ra nữa gây áp lực lên tỉ giá, phải điều chỉnh ngay để đỡ tâm lý đồn thổi.
Động thái của NH Nhà nước như vậy là cần thiết trong lúc này. Mức điều chỉnh tăng 1% không phải quá cao mà phù hợp với diễn biến cung - cầu thật sự trên thị trường. Trong năm nay, tỉ giá có thể phải tăng đến 3% chứ không chỉ mức 2% như cam kết của NH Nhà nước.
Theo các NH, lần điều chỉnh này không gây nhiều bất ngờ. HSBC Việt Nam cho rằng với tình hình tỉ giá USD/VNĐ đóng cửa ở ngưỡng kịch trần vài tuần qua và đặc biệt những ngày gần đây, quyết định này không quá ngạc nhiên.
Giảm thâm hụt thương mại
Ngân hàng ANZ Việt Nam cũng nhận định: Quyết định tăng tỉ giá sẽ giúp thu hẹp cán cân thương mại đang bị thâm hụt ở mức 3 tỉ USD trong 4 tháng đầu năm bởi dù dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng lên mức khoảng 35 tỉ USD, tương đương với 2,5 tháng nhập khẩu nhưng vẫn dưới mức trung bình là 3-4 tháng nhập khẩu.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc kinh doanh trái phiếu và ngoại hối - HSBC Việt Nam, phân tích thêm: Thâm hụt thương mại lên mức 3 tỉ USD trong những tháng đầu năm đã tạo nên tâm lý kỳ vọng tỉ giá tăng, gây nguy cơ găm giữ ngoại tệ. Về tác động đến lạm phát, dù điều chỉnh tỉ giá lúc này gần trùng với đợt tăng mạnh giá xăng nhưng do lạm phát từ đầu năm đến nay tăng chưa tới 1% nên dư địa vẫn còn rất lớn và không quá lo ngại.
Theo TS Vũ Viết Ngoạn, tăng tỉ giá tất nhiên sẽ có tác động nhất định đến lạm phát nhưng cũng không quá quan ngại bởi nền tảng lạm phát thấp trong năm 2014 và những tháng đầu năm cho dư địa nhiều để NH Nhà nước điều chỉnh. Vào thời điểm này, các cân đối vĩ mô khá tốt và những yếu tố tác động đến tâm lý thị trường cũng không quá lớn.
Lợi xuất khẩu; chút lo cho nợ công
Trong lần điều chỉnh này, được hưởng lợi nhiều nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), phân tích: Tăng tỉ giá sẽ làm tăng sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu, nhất là đối với ngành thủy - hải sản. Đặc thù của ngành là mọi nguyên phụ liệu đầu vào từ tôm, cá đều lấy nguồn cung trong nước nên khi tỉ giá tăng không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi mà nông dân cũng có thể bán được giá cao hơn.
Về nỗi lo nợ công, ông Nguyễn Quốc Anh - Vụ phó Vụ Kinh tế Dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - từng đưa ra tính toán của cơ quan này là nếu tỉ giá tăng thêm 1% thì nợ nước ngoài sẽ tăng thêm 10.000 tỉ đồng. Trong khi đó, TS Cao Sỹ Kiêm thì cho rằng mức độ ảnh hưởng nợ công còn tùy thuộc mức độ nhập khẩu, mua sắm của Việt Nam. Nếu mua sắm bằng hoặc giảm hơn năm ngoái thì mức tăng nợ công không lớn.
Bình luận (0)