Ngày 25-9, tại TP HCM, Cục Bảo vệ thực vật (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN-PTNT) phối hợp Đại sứ quán Mỹ tổ chức họp báo về "Công tác kiểm dịch thực vật thúc đẩy xuất khẩu trái cây sang Mỹ" nhân sự kiện chuyên gia Mỹ trở lại Việt Nam thực hiện công tác kiểm dịch sau thời gian về Mỹ do dịch Covid-19.
Tại buổi họp báo, ông Ben Petlock, đại diện Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, cho biết Mỹ hiện là đối tác thương mại nông sản vô cùng quan trọng của Việt Nam. Năm 2019, thương mại song phương về nông sản thực phẩm giữa Việt Nam và Mỹ đạt mức 8 tỉ USD trong khi 25 năm trước chỉ mới ở mức 200 triệu USD. Đối với trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, hai bên đang thực hiện chương trình kiểm tra trước xuất khẩu (kiểm tra hàng hóa ngay tại Việt Nam - PV) với 6 loại quả tươi là: thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa và xoài đạt kim ngạch khoảng 20 triệu USD/năm (khoảng 7.000 tấn trong năm 2019).
Ông Timothy Westbrook, nhân viên kiểm dịch thuộc Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS), cùng kiểm dịch viên Việt Nam kiểm tra lô trái cây trước khi xuất khẩu sang Mỹ trưa 25-9
Từ ngày 20-3, chuyên gia kiểm dịch Mỹ về nước do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới việc xuất khẩu trái cây tươi sang Mỹ. Để hoạt động xuất khẩu trái cây tươi không bị gián đoạn, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với văn phòng đại diện cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) tại Hà Nội đề nghị Đại sứ quán Mỹ tạm thời cử cán bộ của Đại sứ quán Mỹ và nhân viên văn phòng APHIS từ Hà Nội vào TP HCM giám sát xử lý chiếu xạ.
"Chúng tôi đã đưa ra những giải pháp ngắn hạn là đào tạo qua mạng cho nhân viên tại Việt Nam thực hiện công tác kiểm dịch (2 ngày/tuần - PV). Từ đó đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu được trên 2.000 tấn trái cây tươi sang Mỹ. Từ đầu tuần này, chuyên gia Mỹ đã quay trở lại Việt Nam làm việc toàn thời gian nên hoạt động kiểm dịch sẽ trở lại bình thường" - ông Ben Petlock thông tin.
Trao đổi với báo chí bên lề sự kiện, ông Timothy Westbrook (nhân viên kiểm dịch vừa trở lại Việt Nam) đánh giá trái cây Việt Nam rất ngon. "Bản thân tôi khi ở Mỹ rất hay tìm mua trái cây Việt bởi không dễ để mua do thị trường tiêu thụ còn đặc thù (chủ yếu là các chợ dành cho người châu Á - PV). Do đó, để thúc đẩy hơn nữa việc xuất khẩu trái cây sang Mỹ, Việt Nam nên chú trọng hơn công tác tiếp thị, quảng bá sản phẩm để người tiêu dùng ở Mỹ biết đến" - ông Timothy Westbrook khuyến cáo.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, kỳ vọng xuất khẩu trái cây tươi sang Mỹ năm 2020 sẽ tăng so với năm 2019 cả về sản lượng và giá trị do thời điểm chuyên gia kiểm dịch Mỹ trở lại làm việc bình thường vào đúng mùa trái cây xuất khẩu sang Mỹ. Ông Trung cũng thông tin thêm, chậm nhất đến tháng 12 năm nay, trái bưởi Việt Nam sẽ được xuất khẩu chính thức sang Mỹ, trở thành loại quả thứ 7 được Mỹ cấp "visa" nhập khẩu. Hiện phía Việt Nam đang nỗ lực hoàn tất các thủ tục cuối cùng trong công tác đàm phán mở cửa thị trường.
Song song với hoạt động đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, Việt Nam cũng đang hoàn tất hồ sơ kỹ thuật để nhập khẩu bưởi Mỹ. Loại bưởi dự kiến nhập khẩu là bưởi chùm, có hình thức tương tự cam ngoại nhưng to hơn, vỏ mỏng, ruột đỏ hồng, không hạt, vị chua. Loại bưởi này được các nước dùng để chế biến nhiều hơn ăn tươi.
Bình luận (0)