Tại buổi thuyết trình về kinh tế Việt Nam năm 2016 diễn ra ở TP HCM ngày 27-1, ông Chidu Narayanan - chuyên gia kinh tế châu Á, Ngân hàng (NH) Standard Chartered - cho rằng sự tăng trưởng của ngành sản xuất và xây dựng trong bối cảnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đổ vào sẽ giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng tới 6,9% trong năm nay, cao hơn mức dự đoán trước đó là 6,6%, trở thành nền kinh tế phát triển nhanh thứ hai ở châu Á, sau Ấn Độ.
Lạm phát vẫn ở mức thấp
Theo NH Standard Chartered, xuất khẩu của Việt Nam có khả năng tiếp tục tăng trong nửa đầu năm 2016 trước khi chững lại vào cuối năm do nhu cầu nhập khẩu từ nước ngoài suy giảm. Theo các chuyên gia Standard Chartered, lĩnh vực tiêu dùng được dự đoán tiếp tục đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng kinh doanh. Lạm phát năm 2016 vẫn ở mức thấp, khoảng 1,4%.
Nghiên cứu của ông Chidu Narayanan cho thấy chi phí lao động của Việt Nam đang thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Nếu so với Campuchia, Bangladesh, doanh nghiệp FDI đầu tư ở Việt Nam sẽ tiết kiệm được 19% tiền lương - chi phí không nhỏ của doanh nghiệp.
Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, TS Vũ Viết Ngoạn, nhìn nhận Standard Chartered khá lạc quan khi đưa ra tăng trưởng GDP là 6,9%. Dù vậy, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đồng thuận với quan điểm của tổ chức này là lạm phát vẫn được kiểm soát ở mức thấp.
Mới đây, Tổng cục Thống kê công bố CPI tháng 1-2016 không đổi so với tháng trước và chỉ tăng 0,8% so với cùng kỳ. Lạm phát cơ bản tháng 1-2016 tăng 0,27% so với tháng trước và tăng 1,72% so với cùng kỳ. Riêng tỉ giá tháng 1-2016 đã tăng 0,18% so với tháng trước, theo Tổng cục Thống kê là do áp lực tăng tỉ giá USD/VNĐ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất thêm 0,25% và nhu cầu thanh toán cuối năm của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tăng cao.
Cán cân thanh toán sẽ không biến động lớn
Để ứng phó với áp lực tỉ giá USD/VNĐ, từ ngày 1-1, NH Nhà nước đã áp dụng chính sách điều hành tỉ giá trung tâm. Các chuyên gia của Standard Chartered nhìn nhận việc NH Nhà nước ấn định tỉ giá USD/VNĐ hằng ngày sẽ tạo điều kiện linh hoạt hơn trong việc phản ứng với tình hình thị trường ngày càng biến động.
TS Vũ Viết Ngoạn cũng cho rằng cán cân thanh toán và tỉ giá dù chịu một số tác động không thuận lợi như nhập siêu, chính sách phá giá đồng tiền so với USD của một số nước nhưng do tổng cầu chưa tăng mạnh, nhập siêu của khu vực doanh nghiệp trong nước không lớn và phần nào được bù đắp từ xuất siêu của khu vực FDI… Do đó, cán cân thanh toán sẽ không biến động quá lớn. Năm 2016, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô là nhân tố chi phối chủ đạo chính sách tỉ giá.
Không quá lo khi giá dầu giảm sâu
Ông Paul Horsnell - chuyên gia tỉ giá khu vực Bắc Á, NH Standard Chartered - nhận định giá dầu ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua đang ảnh hưởng không nhỏ đến ngân sách của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Theo tính toán của các cơ quan quản lý Việt Nam, giá dầu giảm 1 USD, ngân sách sẽ thiệt hại cả ngàn tỉ đồng. Hiện giá dầu chỉ xấp xỉ 30-35 USD/thùng, trong khi Việt Nam đưa ra dự toán ngân sách dựa trên giá dầu 60 USD/thùng.
Nếu giá dầu giảm quá sâu sẽ tạo thành cú sốc ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, TS Vũ Viết Ngoạn lại cho rằng: “Dù khó khăn và có thể phải có một số điều chỉnh để thích ứng khi giá dầu giảm sâu hơn dự toán nhưng bội chi ngân sách, nợ công vẫn trong phạm vi kiểm soát và đạt chỉ tiêu”.
Bình luận (0)