Ngày 22-6, UBND TP HCM đã tổ chức họp trực tuyến với các tỉnh miền Đông Nam Bộ gồm Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu để bàn về kế hoạch hợp tác phát triển du lịch; phối hợp tổ chức hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ; thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2020-2025; kế hoạch triển khai hoạt động hợp tác du lịch trong thời gian tới...
Để triển khai liên kết, hợp tác phát triển du lịch TP và vùng Đông Nam Bộ, doanh nghiệp (DN) du lịch trên địa bàn TP đề nghị các đơn vị cung ứng dịch vụ trong vùng cùng giảm giá dịch vụ để hạ giá tour, kích thích nhu cầu đi du lịch của người dân. Mức giảm giá được đề xuất từ 10%-50%.
Cụ thể, gốm sứ Minh Long (Bình Dương) giảm 15%-20% giá sản phẩm; cáp treo núi Bà Đen (Tây Ninh) giảm 50% giá khách đoàn; làng bưởi Tân Triều giảm 30% thực đơn ăn trưa, trái cây; Bảo tàng Vũ khí (Bà Rịa - Vũng Tàu) giảm 50% giá vé từ nay đến cuối năm...
Du khách tham quan Bảo tàng Vũ khí tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Ảnh: LAM GIANG
Theo lãnh đạo Sở Du lịch TP HCM, hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ sẽ được tổ chức vào cuối tháng 6 này nhằm giới thiệu điểm đến, sản phẩm du lịch mới của các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ; chính sách kích cầu của địa phương trong việc xây dựng sản phẩm liên tuyến mới; phát huy lợi thế cửa ngõ quốc tế. Các tỉnh, thành trong vùng vốn có lợi thế về cơ sở hạ tầng du lịch với tài nguyên phong phú, đặc trưng như sản phẩm du lịch văn hóa di sản, rừng núi và biển đảo. Đồng thời, những tuyến du lịch liên kết kích cầu du lịch giữa TP HCM - Bình Dương - Tây Ninh; TP HCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu... sẽ sớm hình thành sau thời gian cơ quan quản lý và DN tiến hành khảo sát, nhằm khai thác tốt hơn thị trường nội địa, thu hút người dân đi du lịch nhiều hơn.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP, cho hay TP đang thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng về việc khai thác tối đa thị trường du lịch nội địa thời kỳ hậu Covid-19. Để khuyến khích thị trường nội địa - khoảng 100 triệu dân đi du lịch, cần vai trò đầu tàu của TP trong khai thác du lịch với các tỉnh, thành trên cả nước. Như liên kết giữa TP HCM và 13 tỉnh ĐBSCL đã được ký kết, triển khai thời gian qua, tạo ra sản phẩm du lịch mới giữa TP với các tỉnh, giữa những địa phương ở vùng ĐBSCL với nhau; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh... Hội nghị mời gọi đầu tư vào du lịch vùng ĐBSCL cũng sắp được tổ chức nhằm tạo cơ sở hạ tầng về du lịch cho vùng, từ điểm nghỉ dưỡng, vui chơi, đến mua sắm...
Dự kiến đầu tháng 7 tới, TP sẽ tổ chức hoạt động sơ kết và rút kinh nghiệm để triển khai có hiệu quả hơn trong liên kết với vùng ĐBSCL. "Đối với vùng Đông Nam Bộ, TP cũng sẽ ký kết hợp tác với từng tỉnh, như Tây Ninh thời gian qua đã có nhiều đầu tư phát triển du lịch, tạo ra nhiều sản phẩm mới hấp dẫn. Việc ký kết, liên kết nhằm đưa DN du lịch của TP đến các tỉnh trong bối cảnh bản thân từng DN cũng thiếu sản phẩm mới, phải tự tìm tòi, xây dựng… Nếu có kết nối từ phía chính quyền, sẽ tạo ra cầu nối và tạo thuận lợi nhiều hơn cho DN" - ông Trần Vĩnh Tuyến nói.
Cũng theo lãnh đạo TP HCM, trong quá trình liên kết, chính quyền địa phương đóng vai trò cầu nối, tạo hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi về môi trường kinh doanh, trong khi DN sẽ tạo ra sản phẩm du lịch từ đó phục vụ du khách. Chỉ riêng TP HCM, hiện có hơn 1.300 DN trong lĩnh vực du lịch, quá trình kết nối, tìm hiểu sẽ giúp họ có thêm thông tin về những điểm đến mới, hấp dẫn hơn, cùng nhau khai thác tour du lịch hiệu quả.
Bình luận (0)