Ngày 12-4, UBND tỉnh Khánh Hòa đã họp các sở, ngành liên quan để đề xuất chính sách xây dựng Đặc khu hành chính - kinh tế Bắc Vân Phong (Đặc khu Bắc Vân Phong).
Trên nền tảng Khu Kinh tế Vân Phong
Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong, Đặc khu Bắc Vân Phong hình thành trên nền tảng của KKT Vân Phong. Hiện nay, KKT Vân Phong có tổng diện tích 150.000 ha, ở phía Bắc thị xã Ninh Hòa và phía Nam huyện Vạn Ninh. Khu vực này có nhiều lợi thế để phát triển cảng trung chuyển, lọc hóa dầu, du lịch chất lượng cao. KKT Vân Phong đã thu hút 145 dự án đầu tư, trong đó có 27 dự án nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 1,47 tỉ USD. Tuy nhiên, số vốn đã thực hiện chỉ đạt 628 triệu USD.
Về nội dung chính sách xây dựng Đặc khu Bắc Vân Phong, ông Hoàng Đình Phi, Trưởng Ban Quản lý KKT Vân Phong, cho biết có 4 đề xuất ưu tiên: Phát triển công nghiệp cảng biển, logistics quốc tế để trở thành trung tâm thương mại hàng hóa và cảng biển quốc tế; phát triển công nghiệp dịch vụ tài chính ngân hàng, quỹ đầu tư, bảo hiểm để trở thành trung tâm tài chính quốc tế; phát triển dịch vụ du lịch cao cấp có casino, bất động sản cao cấp; phát triển khoa học - kỹ thuật chất lượng cao nhằm kết nối quốc gia, khu vực và quốc tế…
Chính quyền một cấp thuộc tỉnh
Về mô hình quản lý, Đặc khu Bắc Vân Phong thực hiện theo chính quyền một cấp trực thuộc tỉnh có UBND, HĐND và tổ chức các “tiểu khu” trực thuộc là cơ quan hành chính đại diện của đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt tại cơ sở. Bí thư đồng thời là chủ tịch UBND Đặc khu Bắc Vân Phong. Nhiệm vụ và quyền hạn của HĐND, UBND đặc khu theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương và được giao thẩm quyền thuộc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ - ngành… Mô hình này bảo đảm phù hợp với Hiến pháp và đáp ứng mục tiêu tinh gọn bộ máy, dễ vận hành.
Theo Ban Quản lý KKT Vân Phong, ngày 5-4, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình. Trong đó, yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với 3 tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang khẩn trương xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt áp dụng chung cho 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Luật cũng tính đến các đặc thù của từng địa phương. Đặc khu cần có cơ chế đặc thù đối với mô hình quản lý cảng, chính sách thu hút đặc biệt các doanh nghiệp công nghệ cao; áp dụng luật của các quốc gia phát triển trong việc giải quyết các tranh chấp kinh tế...
Trong buổi làm việc ngày 11-4 với Khánh Hòa, ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội, đề nghị tỉnh chú trọng xác định địa giới hành chính, diện tích cũng như việc xây dựng các chính sách cởi mở để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế đặc khu khi hình thành. Cần tính toán xây dựng cơ quan tư pháp, hải quan, thuế… đặc thù để bảo đảm việc triển khai các nhiệm vụ trong đặc khu.
Trước đó, làm việc với Khánh Hòa, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng đánh giá xây dựng đặc khu là nhiệm vụ trọng tâm, tạo động lực cho các KKT có những lợi thế vượt trội phát triển, hướng tới lợi ích chung cho cả quốc gia. Đặc khu phải xây dựng bộ máy hành chính vận hành linh hoạt, phát huy tốt nội lực, tạo động lực để phát triển. Đồng thời, cần so sánh với các KKT, đặc khu kinh tế trong khu vực và thế giới để có những đánh giá, đưa ra các chính sách lâu dài.
Cần sớm có luật liên quan
Theo ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, tỉnh đang tiếp tục thảo luận để cuối tháng 4-2017 gửi đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù cho Đặc khu Bắc Vân Phong. Địa phương ít được tham quan, học hỏi, so sánh các lợi thế kinh tế với các đặc khu kinh tế khác ở trong và ngoài nước nên cần thêm thời gian nghiên cứu vấn đề này trước khi báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ.
Khánh Hòa cũng đề nghị Chính phủ, Quốc hội đưa chương trình xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt vào kế hoạch xây dựng luật của Quốc hội trong năm 2017 và thông qua trong năm 2018.
Bình luận (0)