Thị trường vận tải bằng taxi tại các TP lớn như Hà Nội và TP HCM từ khi có sự bùng phát mạnh mẽ của Grab và Uber đã khiến hoạt động kinh doanh của nhiều hãng taxi truyền thống bị ảnh hưởng nặng nề, doanh thu giảm sút.
Các "ông lớn" đồng loạt thay đổi
Ông Nguyễn Tuấn Sinh, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Tập đoàn Mai Linh, cho biết năm 2016, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của công ty vào mức thấp nhất trong 5 năm gần đây bởi sự bùng phát mạnh mẽ của Uber và Grab. Trước thực trạng này, Tập đoàn Mai Linh đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng để triển khai áp dụng các công nghệ gọi xe trong toàn hệ thống và coi đây như sự "sống còn". Những công nghệ này được áp dụng theo văn hóa Việt Nam nhằm phù hợp với thói quen đi lại của người dân cũng như đặc thù về đường sá.
Theo ông Sinh, từ giữa tháng 5-2017, Tập đoàn Mai Linh đã giảm giá cước trên địa bàn TP HCM với giá mở cửa là 5.000 đồng nhằm thu hút hành khách cũng như để cạnh tranh với Uber và Grab. "Chúng tôi xem lĩnh vực kinh doanh vận tải bằng taxi là mũi nhọn nên sẽ tiếp tục đầu tư vào loại hình này. Trong đó, công ty sẽ tập trung áp dụng công nghệ và đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng phục vụ, bao gồm chất lượng phương tiện, đội ngũ tài xế cũng như các dịch vụ tri ân khách hàng..." - ông Sinh nói.
Để cạnh tranh với taxi công nghệ, các hãng taxi truyền thống buộc phải thay đổi Ảnh: GIA MINH
Tại Hà Nội, điển hình của việc thay đổi theo hướng áp dụng công nghệ bằng phần mềm kết nối giữa hành khách và lái xe qua điện thoại thông minh là Công ty CP Vận tải 57 (phần mềm Thanh Cong Car). Ông Hoàng Văn Kỳ, Phó Giám đốc Công ty CP Vận tải 57, cho biết cuối năm 2016, đơn vị đã cho ra mắt ứng dụng gọi xe Thanh Cong app. Ngoài chức năng tương tự Uber và Grab, phần mềm trên còn thêm những tiện ích mở rộng về công nghệ như khách hàng có thể đặt xe qua chức năng messenger trên Facebook. "Đây là ứng dụng thông tin điện tử taxi loại xe "không mào", không bị cấm đường như taxi có mào thông thường được ra mắt thử nghiệm vào cuối năm 2016. Sau nửa năm hoạt động, ứng dụng này rất tiện lợi cho khách hàng và cũng tinh giản bộ máy hoạt động của công ty" - ông Kỳ phân tích.
Theo ông Kỳ, để cạnh tranh, hãng thu phí dịch vụ quản lý lái xe bằng 1/2 Uber và Grab, đồng thời có hợp đồng lao động trực tiếp với các tài xế. Ngoài kinh doanh trên ứng dụng điện tử taxi "không mào", hãng taxi Thành Công vẫn hoạt động theo hình thức taxi truyền thống.
Ông Tạ Long Hỷ, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Ánh Dương Việt Nam kiêm Giám đốc hãng taxi Vinasun, thông tin hiện doanh nghiệp cũng đã áp dụng nhiều công nghệ tương đồng như của Uber và Grab trong hoạt động kinh doanh. Cụ thể, công ty đang thí điểm phần mềm V.CAR kết nối giữa hành khách với lái xe, thông báo mức phí hành khách phải trả trước khi di chuyển, thanh toán tiền theo thẻ... Việc này nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như đáp ứng được xu thế mới để thu hút hành khách.
Tiếp tục phản đối
Là Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM, ông Tạ Long Hỷ cho rằng hiện có quá nhiều bất cập trong công tác quản lý giữa 2 loại hình taxi truyền thống và taxi công nghệ. Theo ông, Công ty TNHH Grabtaxi Việt Nam (Grab Việt Nam) và Công ty Uber Việt Nam (Uber Việt Nam) là những đơn vị công nghệ cung cấp phần mềm nhưng bản chất là hoạt động vận tải hành khách bằng taxi. Vì vậy, những quy định trong việc quản lý taxi cũng phải áp dụng tương đồng đối với 2 công ty trên. Ông Hỷ cho rằng nhiều hãng taxi truyền thống đã phải áp dụng công nghệ và hoạt động tương đồng như của Grab, Uber để cạnh tranh nên sự khác biệt gần như không còn. "Tuy nhiên, một nghịch lý là dù áp dụng những công nghệ như vậy nhưng taxi truyền thống vẫn bị siết chặt quản lý trong khi loại hình Uber và Grab lại được quá thoáng trong hoạt động" - ông Hỷ nói.
Ông Tạ Long Hỷ cho biết tại cuộc họp với Bộ Giao thông Vận tải vào hôm nay (28-6), ngoài việc sẽ kiến nghị những vấn đề trên, Hiệp hội Taxi TP HCM cũng nêu vấn đề tại sao phải đến thời điểm này mới khống chế số lượng xe Grab và Uber trong khi số lượng taxi truyền thống đã không được vượt quá quy hoạch taxi từ nhiều năm qua ở 2 TP lớn là Hà Nội và TP HCM. "Vấn đề này cho thấy sự bùng phát một cách chóng mặt số lượng xe Grab và Uber trong thời gian qua khiến nguy cơ ùn tắc giao thông trở nên trầm trọng và buộc phải khống chế. Tôi cho rằng cần dừng ngay thí điểm đối với đề án triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng của Grab Việt Nam và Uber Việt Nam hoặc phải có cơ chế quản lý minh bạch, công bằng" - ông Hỷ nói.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận trước sức ép của Grab và Uber, các hãng taxi truyền thống đã bị ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh, buộc phải thay đổi để phù hợp với quy luật do thị trường luôn chọn những thứ tốt và tiến bộ hơn. "Chúng ta nên tôn trọng quy luật này bởi trong nền kinh tế thị trường, việc cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi. Nếu doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh thì việc sụt giảm doanh số, thua lỗ là điều tất yếu nên các doanh nghiệp taxi truyền thống cần tiếp nhận công nghệ để cạnh tranh và tồn tại. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cũng phải nhanh chóng ban hành các quy định cụ thể, rõ ràng nhằm hài hòa hoạt động kinh doanh vận tải hiện nay để tạo ra một một thị trường kinh doanh lành mạnh, công bằng", tiến sĩ - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đề nghị.
Thêm 7 hãng taxi áp dụng công nghệ
Tính đến tháng 5-2017, Bộ Giao thông Vận tải đã tiếp nhận đề xuất và cho phép 9 đơn vị tham gia đề án thí điểm "Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng", gồm: Công ty TNHH GrabTaxi (Grab Car), Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (V.CAR), Công ty CP Vận tải 57 (Thanh Cong Car), Công ty CP Sun Taxi (S.CAR), Công ty CP Phát triển Thương mại và Du lịch quốc tế Ngôi Sao (VIC.CAR), Công ty CP Hợp tác đầu tư và Phát triển (HOME CAR), Công ty TNHH Uber Việt Nam (Uber), Công ty CP Tập đoàn Mai Linh (Mai Linh Car), Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Linh Trang (LB.Car).
Bình luận (0)