Trong khi những nông dân TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu đang đấu tranh đòi Công ty Vedan trả lại công bằng cho họ thì giới kinh doanh cũng không đứng ngoài cuộc. Họ ủng hộ bằng cách không bày bán các sản phẩm của Vedan. Nhiều người tiêu dùng cũng bày tỏ chính kiến thông qua việc không tiêu thụ sản phẩm của công ty này.
Ngày 5-8, hệ thống siêu thị Co.op Mart không bán bột ngọt Vedan . Ảnh: HỒNG THÚY
Đồng cảm với nông dân
Ngày 6-8, ông Huỳnh Hữu Tuấn, quản lý siêu thị Citimart Bình Thạnh – TPHCM, cho biết bức xúc trước việc Vedan gây ô nhiễm môi trường mà không chịu bồi thường cho nông dân nên người tiêu dùng cũng hạn chế mua các sản phẩm của Vedan. Vả lại, những mặt hàng này lâu nay cũng tiêu thụ chậm nên siêu thị rút các mặt hàng còn lại trên kệ xuống đưa vào kho chờ nhà cung cấp đến giải quyết. Cùng ngày, bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc quan hệ đối ngoại siêu thị BigC, cho biết siêu thị cũng đã tạm ngưng kinh doanh các mặt hàng của Vedan.
Dù sản phẩm Vedan không có vấn đề gì về chất lượng nhưng nhà máy sản xuất sản phẩm đó lại thải chất thải nguy hại ra môi trường làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng thì cũng đồng nghĩa với việc sản phẩm đó gián tiếp gây hại đến sức khỏe mọi người. Không có lý do gì tôi sử dụng sản phẩm đó.
Bà Trần Thị Tâm, người tiêu dùng ở quận Bình Thạnh - TPHCM |
Trước đó, ngày 5-8, hệ thống Co.op mart đồng loạt ngưng kinh doanh các mặt hàng bột ngọt, hạt nêm mang nhãn hiệu Vedan. Đồng thời buộc Công ty Vedan phải có biện pháp thu hồi sản phẩm cho đến khi khắc phục xong sự cố và giải quyết thỏa đáng cho bà con nông dân. Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết đơn vị chỉ ưu tiên thu mua và phân phối sản phẩm của những nhà cung cấp có đầu tư hệ thống xử lý chất thải, bảo đảm chất thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường và được cơ quan chức năng chứng nhận.
Người tiêu dùng quay lưng
Qua khảo sát tại chợ đầu mối Lê Tấn Kế (Q.6 - TPHCM), chúng tôi thấy phần lớn các sạp chỉ bán chủ yếu các mặt hàng bột ngọt, bột nêm Ajinomoto. Chỉ có một số ít sạp có kinh doanh thêm mặt hàng của Vedan. Những sạp có bán hàng Vedan cho biết bột ngọt Vedan có giá bán 38.000 đồng/kg (rẻ hơn 5.000 đồng so với hàng của Ajinomoto) nhưng vẫn tiêu thụ chậm hơn hàng của Ajinomoto. Chủ sạp Yến Hoa tại chợ này cho biết: Hàng của Vedan tiêu thụ chỉ bằng 3/10 hàng của Ajinomoto. Còn ông Lý Huệ, chủ sạp gia vị ở chợ này, cũng cho biết thêm hàng Vedan cho dù có giá rẻ nhưng gần đây rất khó bán nên nhiều sạp ở chợ cũng không lấy hàng vào nữa.
Khảo sát một số chợ lẻ như: Thị Nghè, Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), Hòa Bình (Q.5), Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình)... cho thấy các mặt hàng của Ajinomoto vẫn chiếm lĩnh thị trường. Theo bà Hương, buôn bán hàng tạp hóa tại chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), dân lao động trước đây mua bột ngọt Vedan khá nhiều do giá khá rẻ nhưng thời gian gần đây, lượng người mua cũng giảm đi. Khi được hỏi về việc Vedan đang cù cưa việc bồi thường cho nông dân thì nhiều bà nội trợ đang mua hàng tại các chợ cho rằng sau vụ Vedan xả thải ô nhiễm, không bồi thường cho nông dân thì khi mua hàng của Vedan họ có cân nhắc.
Dù trước đây sử dụng hàng của Vedan thì nay họ chuyển sang thương hiệu khác.
Bộ TN-MT sẽ cùng các địa phương giải quyết vụ Vedan
Ngày 6-8, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức cuộc họp với Hội Luật gia, Sở Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) và Sở Tư pháp để xem xét việc Vedan đột ngột tăng mức hỗ trợ lên 60 tỉ đồng và tiến độ tư vấn pháp lý cho nông dân khởi kiện Vedan.
Theo báo cáo của các bên liên quan, qua hơn 1 tuần làm việc tại cơ sở, Hội Luật gia đã tư vấn cho gần 3.000 hộ dân, trong đó 1.500 hộ đã có cơ sở pháp lý để khởi kiện Vedan. TAND hai huyện Long Thành và Nhơn Trạch đã xem xét, tiếp nhận 57 hồ sơ khởi kiện. Các thành viên dự họp vẫn chưa đưa ra thông tin chính thức về việc tỉnh Đồng Nai sẽ nhận 60 tỉ đồng hỗ trợ hay tiếp tục hướng dẫn người dân khởi kiện Vedan. Dự kiến ngày 9-8, Bộ TN - MT sẽ có cuộc họp với Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và TPHCM để xem xét mức hỗ trợ 130 tỉ đồng của Công ty Vedan cho nông dân 3 địa phương này.
K.Cương |
Bình luận (0)