Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố thông tin trên tại buổi họp báo về việc đáp ứng nhu cầu tiền mặt và bảo đảm hoạt động ATM trong dịp Tết Ất Mùi 2015 tổ chức ngày 21-1 tại Hà Nội.
Tiết kiệm 1.084 tỉ đồng
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết Tết Ất Mùi 2015, NHNN bắt đầu không cung ứng ra thị trường tiền mới có mệnh giá 5.000 đồng. Chủ trương không phát hành tiền mới mệnh giá thấp ra thị trường vào dịp Tết Nguyên đán đã thực hiện từ năm 2013 với loại tiền mệnh giá 500 đồng.
Năm 2014, NHNN tiếp tục bổ sung vào danh sách loại tiền có mệnh giá 1.000 và 2.000 đồng. Như vậy, đến Tết Ất Mùi, tất cả các loại tiền mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống đưa ra lưu thông sẽ không có tiền in mới.
Ngân hàng Nhà nước không in tiền mới mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống Ảnh: TẤN THẠNH
Sau 2 năm thực hiện, khảo sát tại Hà Nội, Hải Dương và Bắc Ninh (3 địa phương có nhiều đền, chùa và lễ hội nhất cả nước) cho thấy hiệu quả kinh tế rất lớn. Năm 2013, việc không in và đưa tiền mới mệnh giá 500 đồng vào lưu thông đã giúp cơ quan quản lý tiền tệ tiết kiệm hơn 94 tỉ đồng.
Năm 2014, tiết kiệm được 409 tỉ đồng. Nếu tính chung con số dự kiến cả năm 2015 thì tổng kinh phí tiết kiệm được vào khoảng 1.084 tỉ đồng (gồm chi phí in ấn, kiểm đếm, vận chuyển, bốc vác… trong quá trình từ lúc in tiền đến đẩy ra lưu thông và quay vòng trở lại ngân hàng).
ATM hết tiền là do yếu tố khách quan (?)
Tính đến hết tháng 11-2014, trên toàn quốc đã lắp đặt 15.931 máy ATM. Số lượng thiết bị thanh toán thẻ (POS) lên đến 167.943 máy, góp phần giảm bớt áp lực cho hệ thống ATM của các ngân hàng. Cả nước đã có trên 79 triệu thẻ do 52 tổ chức phát hành. Tuy nhiên, gần 80% tổng số giao dịch qua ATM là rút tiền mặt, đặc biệt tăng rất mạnh vào dịp lễ, Tết dẫn đến tình trạng quá tải.
Ông Đào Minh Tú khẳng định việc chỉ cho rút tối đa 2 triệu đồng/giao dịch ở một số ATM không phải do ngân hàng chia nhỏ giao dịch để tăng thu phí. Vì trong thực tế, phí thu được khoảng 1.000 đồng/giao dịch còn thấp hơn chi phí khấu hao, kiểm đếm, vận hành máy ATM cho một lần nhả tiền.
Hơn nữa, còn do yếu tố an ninh mạng nên không cho khách hàng rút tiền quá nhiều mỗi lần giao dịch. Thanh tra NHNN cũng không cung cấp số liệu cụ thể các ngân hàng bị xử phạt và cho rằng có nhiều nguyên nhân khách quan dẫn đến hiện tượng trên, mà phổ biến là lỗi đường truyền.
Theo ông Tú, dịch vụ ATM hiện nay vẫn chưa theo cơ chế thị trường, tính chất phục vụ nhiều hơn dịch vụ vì mức thu phí rất thấp. Nếu thu phí đầy đủ thì chất lượng phải tương xứng là điều không cần bàn cãi. Tuy nhiên, quan điểm của NHNN là vẫn phải nâng cao chất lượng dịch vụ ATM.
“Nếu phạt 10-15 triệu đồng thì không phải là chuyện lớn nhưng nhiều khi lại phạt oan vì máy không hoạt động có nhiều lý do. Có thể có địa phương đã phạt rồi nhưng NHNN chưa cập nhật” - ông Tú nói.
Đổi tiền lẻ trái phép: Bị phạt 20-40 triệu đồng
Về hiện tượng tại các điểm lễ hội, đình, chùa vẫn có bàn đổi tiền lẻ hoạt động, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh hoạt động đổi tiền chẵn lấy tiền lẻ hưởng chênh lệch là vi phạm pháp luật nhưng 2 năm trước không có quy định xử phạt nên vẫn diễn ra. Năm 2015, hiện tượng này có thể giảm hẳn vì theo Nghị định 96, mức xử phạt cho hành vi này là từ 20-40 triệu đồng. Thống đốc NHNN cũng đã tuyên bố nghiêm khắc xử lý các trường hợp đưa tiền lẻ mới mệnh giá thấp ra lưu thông vào dịp Tết Ất Mùi, ngay cả khi còn tồn kho 1-2 bó cũng không đưa ra. Cục trưởng Cục Phát hành Kho quỹ NHNN và giám đốc các chi nhánh phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra hiện tượng tiếp tay cho hoạt động đổi tiền bất hợp pháp.
Bình luận (0)