Ngày 12-6, tại TP Tuy Hòa, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) và Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức Diễn đàn "Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam 2022" nhằm đánh giá tình hình thực tiễn và đưa ra nhiều giải pháp để kinh tế biển trở thành mũi nhọn của nền kinh tế Việt Nam.
Chưa có cơ chế, chính sách hoàn chỉnh
Theo Nghị quyết 36-NQ/TW về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", các ngành kinh tế biển được phát triển theo thứ tự ưu tiên là: Du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.
Tại diễn đàn, ông Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho biết cả nước hiện có 18 khu kinh tế ven biển, hình thành gần 600 đô thị với dân số khoảng 19 triệu người; hình thành 4 vùng kinh tế biển và ven biển là Bắc - Bắc Trung Bộ, Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Cả nước đã xây dựng, thành lập được 12 khu bảo tồn biển với 185.000 ha mặt biển.
"Việt Nam tham gia nhiều diễn đàn quốc tế về bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển bền vững kinh tế biển vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Chúng ta chưa xây dựng được hệ thống cảnh báo, thống kê kinh tế biển và đại dương. Các phương thức quản lý biển bằng phương pháp tiên tiến như quản trị biển theo không gian, quản lý tổng hợp vùng bờ biển còn chậm được áp dụng vì các quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ của quốc gia và quy hoạch ngành vẫn đang trong giai đoạn xây dựng, hoàn thiện..." - ông Lê Minh Ngân cho biết.
PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cho rằng kinh tế biển tác động đến nhiều đối tượng, nhiều ngành nghề, do đó cần quản lý tổng hợp, liên vấn đề. Các thể chế và chính sách liên quan phải điều chỉnh theo hướng bền vững. Chỉ riêng về thủy sản thì ngư dân - ngư nghiệp - ngư trường phải đi liền với nhau nhưng thực tế, ngư dân đang bị lọt thỏm giữa chính sách. Ngư dân ra biển không chỉ đánh cá mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Do đó, cần chính sách đặc thù để động viên họ vươn khơi bám biển.
"Ngư dân ra biển như thế nào nếu họ không lái được tàu to, không có bằng cấp? Hay vấn đề đánh bắt bất hợp pháp chỉ áp dụng một cách hành chính mà chưa làm rõ nếu ngư dân không đánh cá bất hợp pháp thì họ được lợi gì? Đây là vấn đề liên ngành, phải cùng nhau làm"- PGS-TS Nguyễn Chu Hồi đặt vấn đề.
Khánh Hòa là tỉnh khai thác thế mạnh về kinh tế biển với Khu Kinh tế Vân Phong, Khu Bảo tồn biển, du lịch biển...
Những chiến lược tương lai
Theo ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, trong nền kinh tế biển thì vận tải biển đóng vai trò ngày càng to lớn với trên 300 triệu tấn mỗi năm, chiếm 21,7% tổng sản lượng luân chuyển hàng hóa. Nếu tính về số km thì vận tải biển chiếm đến 52%.
Về đường bộ ven biển, hiện nay 775 km đã xây dựng được 80% từ vốn trung ương; còn lại địa phương 2.217 km đã xây dựng được 800 km, đạt 40% kế hoạch. Trong tương lai, hệ thống giao thông trục dọc, gồm: đường ven biển, Quốc lộ 1, cao tốc và đường Hồ Chí Minh sẽ mở ra hàng loạt đô thị biển, thúc đẩy du lịch biển, đánh bắt hải sản, xử lý thiên tai và an ninh quốc phòng. Bộ Giao thông Vận tải cũng đang nghiên cứu đưa thêm nhiều cảng biển du lịch vào hệ thống cảng biển để phát triển.
Thực tế, theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt, giai đoạn 2010- 2019, chỉ 28 tỉnh, thành có biển đã chiếm đến 66% buồng, phòng khách sạn của cả nước; doanh thu đạt hơn 508.000 tỉ đồng, chiếm 67% tổng thu từ du lịch. Riêng du lịch tàu biển chưa thể phát huy vì chỉ mới có 1 cảng biển du lịch.
Ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết Việt Nam có hệ thống điện đứng đầu Đông Nam Á, đứng thứ 22 thế giới về quy mô. Tuy nhiên, công nghiệp năng lượng còn nhiều thách thức vì trong tương lai sẽ giảm điện than để đẩy mạnh năng lượng tái tạo với mục tiêu đến năm 2045, tỉ trọng năng lượng tái tạo chiếm trên 60%. Lĩnh vực dầu khí và tài nguyên khoáng sản biển khác, ngay cả việc điều tra cơ bản cũng còn rất hạn chế; nhiều dịch vụ kỹ thuật, nhất là kỹ thuật cao, vẫn phải thuê nước ngoài... Do đó, trong tương lai cần phải đẩy mạnh, đầu tư về khoa học - công nghệ.
Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng chỉ một khía cạnh rất nhỏ về vấn đề ngư nghiệp đã đòi hỏi nhận thức mang tính đồng bộ.
"Chúng tôi nhận thức rõ điều này để thấy rằng chúng ta còn có khoảng cách lớn so với yêu cầu của Nghị quyết 36 và khoảng cách xa hơn nữa về yêu cầu trong việc phát triển kinh tế trong bối cảnh mới. Tính đồng bộ không chỉ dừng ở nhận thức mà còn phải tiên phong, mạnh mẽ hơn nữa về thể chế, pháp luật và cụ thể hóa bằng cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển, khai thác, quản lý, phát huy các thế mạnh về kinh tế biển một cách bền vững" - ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
5 yêu cầu trong thời gian tới
Ông Trần Tuấn Anh đưa ra 5 yêu cầu trong thời gian tới. Thứ nhất, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực thực hiện việc tuyên truyền, quán triệt các chủ trương của Đảng về phát triển bền vững kinh tế biển. Thứ 2, tập trung rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng hệ thống pháp luật về biển và hải đảo, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững kinh tế biển...
Thứ 3, tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển. Thứ 4, chú trọng bảo vệ các hệ sinh thái biển, đảo; sớm hoàn thành việc gỡ thẻ vàng IUU của Ủy ban châu Âu. Thứ 5, bảo đảm an ninh quốc phòng, an toàn trên biển; kiên quyết, kiên trì bảo vệ và giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.
Bình luận (0)