Trong số này, thương hiệu thủ công mỹ nghệ đan lát cói xiên ChicnChill được vinh danh ở hạng mục công ty khởi nghiệp năng động, có năng lực. Amazon nhận xét: Dù chưa từng có kinh nghiệm thực chiến với nền tảng thương mại điện tử nào trước đó, ChicnChill bắt đầu xuất khẩu trực tuyến với Amazon và đạt doanh thu đột phá, thành công trong quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam đến thế giới.
ChicnChill là thương hiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ cói xiên đan lát được thành lập bởi anh Trần Tuấn Dũng, chàng trai gốc Quảng Bình, khởi nghiệp trong giai đoạn thử thách do dịch COVID-19. Dũng cho biết anh tốt nghiệp Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội năm 2015 và đã có gần 3 năm làm kỹ sư kiểm định kết cấu đường ở Nhật.
Sau khi về nước, với số vốn tích lũy, anh quyết định khởi nghiệp với công ty đầu tiên chuyên xuất khẩu các sản phẩm da sang Nhật nhưng không thành công nên chuyển sang sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Đây vốn là những sản phẩm quen thuộc, gắn với ký ức tuổi thơ ở làng quê Quảng Bình của anh, nơi có những phụ nữ tỉ mẩn đan lát những vật dụng cho gia đình từ tre, nứa, cỏ cói.
Tuy nhiên, khởi đầu của ChicnChill khá đặc biệt. Khi nhiều doanh nghiệp phải thu mình "tránh dịch", Dũng đã nhìn thấy cơ hội cho những sản phẩm của mình. Đó là khi giãn cách xã hội được áp dụng, nhiều người phải ở nhà cũng chính là lúc xu hướng mua sắm đồ nội thất, trang trí nhà cửa lên ngôi, đặc biệt là thị trường Mỹ. Anh tìm cách đưa những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đan lát trang trí nội thất của ChicnChill lên các sàn thương mại điện tử quốc tế.
"Là kỹ sư, không có nhiều kiến thức về thị trường thương mại điện tử lẫn kinh nghiệm kinh doanh nên tôi gặp không ít khó khăn, từ thiếu nhân lực đến thách thức về tài chính, kiến thức vận hành, tìm hiểu thị trường và thị hiếu của khách hàng...
Tôi đã dành nhiều tháng tìm tòi trên các website về lối sống ở thị trường Âu, Mỹ; nghiên cứu và phân tích các xu hướng trang trí nhà cửa với các vật liệu từ thiên nhiên, từ đó xác định dòng sản phẩm chủ lực đầu tiên của doanh nghiệp, kết hợp yếu tố bản sắc Việt trong chất liệu phối hợp với phong cách phù hợp" - Dũng nhớ lại.
Thời gian đầu, ChicnChill thử nghiệm kinh doanh vài sản phẩm đồng loạt trên một số nền tảng nhưng không đạt kết quả như kỳ vọng. Thất bại đã đổi lấy kinh nghiệm để Dũng mạnh dạn hơn khi chính thức đưa hàng hóa lên sàn Amazon vào đầu năm 2021. Bất ngờ là chỉ sau một khoảng thời gian ngắn tham gia xuất khẩu và bán hàng trên Amazon, các sản phẩm thủ công trang trí của ChicnChill được đón nhận và yêu thích trên nền tảng này.
Có được thành công ban đầu, Dũng đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho hơn 800 thợ thủ công ở các làng nghề cói xiên tại Ninh Bình, Nam Định. Hiện tại, công ty đã có nhà xưởng với quy mô hơn 1.000 m2 tại làng nghề cói Kim Sơn (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), với gần 300 dòng sản phẩm, giá xuất khẩu từ 20-100 USD/sản phẩm. Nhà sáng lập ChicnChill tự tin sẽ đạt mức tăng trưởng doanh số 200% - 300% mỗi năm trong thời gian tới, cũng như mang sản phẩm đan lát của Việt Nam mở rộng sang thị trường Anh và cả châu Âu.
Chia sẻ kinh nghiệm của một startup nhỏ có những thành công bước đầu trên lĩnh vực thương mại điện tử, anh Dũng cho biết bí quyết của ChicnChill là chú trọng vào khâu xây dựng và phát triển thương hiệu, đồng thời kết hợp các giải pháp quảng cáo cho gian hàng và sản phẩm, tiếp cận và tiếp thị đến khách mua hàng.
ChicnChill còn xây dựng hình ảnh, nội dung, gợi ý cách trang trí, giới thiệu về nguồn gốc sản phẩm đến khách hàng quốc tế một cách chuyên nghiệp, hiện đại và cập nhật xu hướng. Những điều đó giúp công ty tăng trưởng 700% về doanh số trong năm đầu xuất khẩu online.
Bình luận (0)