Công ty CP Vinamit (gọi tắt là Vinamit) mở nhà máy chế biến nông sản sấy khô tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương từ rất sớm, năm 1996. Gần 25 năm qua, doanh nghiệp (DN) này đều đặn đóng góp cho địa phương thông qua nộp thuế, tạo việc làm cho lao động tại chỗ, giải quyết đầu ra cho nông sản trong tỉnh (cùng nhiều tỉnh, thành khác)...
Bới lông tìm vết
Tiếp tục hưởng ứng chủ trương mời gọi đầu tư của tỉnh Bình Dương, nhất là vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao - nông nghiệp hữu cơ, nhằm tạo giá trị gia tăng nhiều hơn và phát triển bền vững, Vinamit tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất tại địa bàn này bằng cách đầu tư cho vùng nguyên liệu ở xã Phước Sang, huyện Phú Giáo. Từ năm 2002, Vinamit mua lại nông trại trồng cây ăn trái (diện tích hơn 152 ha) của Trường ĐH Cần Thơ ở đây. Năm 2007, UBND tỉnh Bình Dương cho phép Vinamit chuyển từ hình thức thuê đất trả tiền hằng năm sang giao đất lâu dài có thu tiền sử dụng đất và vào ngày 20-12-2007, Vinamit đã nộp đủ một lần tiền sử dụng đất hơn 32 tỉ đồng vào ngân sách tỉnh.
Từ đó đến nay, DN này đã đầu tư thêm hàng trăm tỉ đồng làm trang trại Vinamit Organic Farm, cải tạo đất vi sinh, trồng cây ăn trái, rau sạch, chăn nuôi hữu cơ, xây dựng nhà xưởng, phân khu bảo quản - chế biến..., đồng thời tuyển dụng đội ngũ kỹ sư, công nhân lao động ngày đêm làm việc. Mấy năm nay, nông trại đã có thành phẩm gây chú ý trên thương trường. Đặc biệt, nông phẩm hữu cơ là kết quả từ quá trình đầu tư bài bản, công phu của Vinamit đã trải qua nhiều cuộc kiểm định quốc tế ngặt nghèo để đạt các chứng nhận Organic USDA (Mỹ), Organic EU (Liên minh châu Âu), Organic China (Trung Quốc).
Đùng một cái, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Bình Dương tiến hành kiểm tra Vinamit Organic Farm. Nguyên nhân khá mơ hồ, được giải thích là từ kiến nghị của "một cử tri" xã Phước Sang (huyện Phú Giáo) nêu ý kiến trước kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Bình Dương khóa IX, "đề xuất tỉnh xem xét thu hồi đất của Vinamit để quy hoạch khu dân cư tập trung dọc hai tuyến đường ĐH.504 và 508, nhằm tạo tiềm lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương".
Kết luận kiểm tra số 102/KL-STNMT của Sở TN-MT tỉnh Bình Dương về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đất đai đối với Vinamit thể hiện: Vinamit có đầy đủ cơ sở pháp lý sử dụng lâu dài (40 năm) hơn 152 ha đất nông trại ở xã Phước Sang; về hiện trạng: DN đang sử dụng làm đất trồng cây ăn trái và dựng xưởng, nhà kho, nhà kính, chuồng trại… đúng với dự án đăng ký; so với quy hoạch sử dụng đất huyện Phú Giáo (được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt) thì phù hợp quy hoạch đất nông nghiệp.
Không chỉ ra được sai phạm nào của Vinamit trong việc chấp hành các quy định pháp luật về đất đai, Kết luận số 102/KL-STNMT lại ghi: "Hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp chưa có đóng góp vào ngân sách để phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương".
Ông Nguyên Lâm Viên, Tổng Giám đốc Vinamit, thở dài: "Câu kết luận rất chung chung, võ đoán. Vinamit đóng thuế đều đặn cho tỉnh Bình Dương, số thuế tăng mỗi năm; ngoài ra còn tạo việc làm và tiêu thụ nông sản, tham gia công tác xã hội…, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển địa phương về nhiều mặt. Bảo chúng tôi "chưa có đóng góp vào ngân sách", thật không thể hiểu nổi!".
Đáng nói hơn, sau kiểm tra, Sở TN-MT kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương giao Thanh tra tỉnh chủ trì phối hợp các sở, ngành thanh tra toàn diện dự án nông nghiệp của Vinamit. UBND tỉnh liền có công văn chỉ đạo Thanh tra tỉnh và các sở, ngành vào cuộc theo kiến nghị nói trên của Sở TN-MT.
Rau cải được trồng theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ ở trang trại Vinamit Organic Farm, sản phẩm đã được bán ra thị trường. Ảnh: KHƯU ĐẠT
Nói không đi đôi với làm
Trước tình hình đó, Vinamit cầu cứu các hội, ngành có chức năng bảo vệ DN. Chuyện đến tai Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Nội vụ tiến hành thanh tra công vụ hoạt động thanh tra DN của tỉnh Bình Dương. "Khi đã cho DN thuê đất và họ đã trả tiền sử dụng đất một lần thì sử dụng hiệu quả đất hay không là việc của DN, không còn là việc của địa phương nữa. Cần làm rõ đúng - sai trong trường hợp này bởi nếu làm không nghiêm sẽ tạo tiền lệ cho các địa phương khác gây khó dễ cho DN, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh nói chung" - ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Giải thích với báo giới, lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh Bình Dương nói sở làm theo kiến nghị của cử tri và chỉ đạo của UBND tỉnh (!). Đại diện lãnh đạo CLB Hàng Việt Nam chất lượng cao - nơi Vinamit là một thành viên - thắc mắc: "Tỉnh Bình Dương mời gọi đầu tư và cam kết tạo mọi điều kiện cho DN làm ăn đúng pháp luật. Nhưng qua vụ này thì thấy nói không đi đôi với làm. Đó là chưa kể DN đang còn lao đao vì Covid-19 mà lại bị thanh - kiểm tra kiểu này sao họ sống nổi!".
Trước sự lên tiếng của báo chí, chuyên gia kinh tế, các hội - ngành và VCCI, mấy ngày qua, hoạt động thanh tra tại Vinamit Organic Farm tạm dừng (chưa nêu lý do chính thức). Bình luận về trường hợp này, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh nói: "Bình Dương từng là điển hình tiêu biểu về thu hút đầu tư. Đừng vì "lợi ích nhóm" mà làm trái cam kết, mất hình ảnh của tỉnh nhà. Tuyệt đối không để DN chịu oan sai, bị thu hồi đất rồi sau đó đất ấy được giao cho nhà đầu tư bất động sản đem phân lô bán nền, như đã từng xảy ra ở một vài nơi khác".
Chủ tịch tỉnh khẳng định "không thu hồi"
Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo Người Lao Động đã tìm nhiều cách liên hệ với lãnh đạo huyện Phú Giáo nhưng không nhận được hồi âm. Còn tỉnh Bình Dương, mới đây, ông Trần Thanh Liêm - Chủ tịch UBND tỉnh - trả lời: "Việc thành lập đoàn thanh tra đối với dự án nông trại Vinamit Organic Farm là hoạt động bình thường, đúng quy định của pháp luật. Mục đích là xem việc sử dụng đất như thế nào, đúng hay không để có hướng khắc phục, hướng dẫn, phòng tránh việc nếu có sai lớn quá thì khó xử lý. Tỉnh cũng đã yêu cầu đoàn thanh tra làm sao để không ảnh hưởng đến DN".
Ông Trần Thanh Liêm cho biết thời gian qua, tỉnh đã thanh tra nhiều dự án lớn trên địa bàn, nhất là các dự án nông nghiệp. "Chẳng biết vì lý do gì mà DN đang hiểu sai vấn đề nên tỏ ra lo lắng. Không hề có việc tỉnh tiến hành thanh tra để làm cớ nhằm lấy lại dự án giao đất cho chủ đầu tư khác..." - ông Liêm khẳng định.
H.Liên
Chữ tín và môi trường kinh doanh
Bình Dương là địa phương thu hút nhiều đầu tư nước ngoài và trong nước, tiến nhanh trong sự nghiệp công nghiệp hóa. Trên bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2019, Bình Dương xếp thứ 13, thuộc nhóm "tốt", cải thiện đáng kể so với xếp hạng thứ 27 năm 2014.
Vậy mà, tin tức trên các báo mấy ngày qua cho biết một nông trại hữu cơ lớn có hợp đồng và nộp đủ tiền thuê đất 40 năm; tạo việc làm cho 200 lao động; sản xuất rau, củ quả tươi và sấy khô...; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với tỉnh này lại bị thanh tra, kiểm tra liên tục vì "có một cử tri" muốn thu hồi hơn 152 ha đất của nông trại đó để "làm khu dân cư..., tạo tiềm lực phát triển kinh tế xã hội"!
Lần này, mặc dù sổ sách của doanh nghiệp (DN) trong nhiều năm bị lục tung nhưng cho đến nay các đoàn thanh tra, kiểm tra chưa phát hiện sự vi phạm pháp luật nào. Song, DN vẫn bị đe dọa thu hồi đất.
Hôm 17-6-2020, Quốc hội đã thông qua Luật DN (sửa đổi), trong đó quy định rất tường minh tại điều 5 - Bảo đảm của nhà nước đối với DN và chủ sở hữu DN: (1) Nhà nước công nhận sự tồn tại lâu dài và phát triển của các loại hình DN được quy định tại luật này; bảo đảm bình đẳng trước pháp luật của các DN không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế; thừa nhận tính sinh lợi hợp pháp của hoạt động kinh doanh. (2) Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, thu nhập, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của DN và chủ sở hữu DN. (3) Tài sản và vốn đầu tư hợp pháp của DN và chủ sở hữu DN không bị quốc hữu hóa, không bị tịch thu bằng biện pháp hành chính.
"Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia; tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của DN; trường hợp trưng mua thì DN được thanh toán, trường hợp trưng dụng thì DN được bồi thường theo giá thị trường tại thời điểm trưng mua hoặc trưng dụng. Việc thanh toán hoặc bồi thường phải bảo đảm lợi ích của DN và không phân biệt đối xử giữa các loại hình DN".
Lẽ nào các cơ quan công quyền tỉnh Bình Dương không biết và tự cho mình cái quyền không tuân thủ Luật DN (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua hay sao?
Đấy là chưa viện dẫn đến Luật Quy hoạch, Luật Đất đai không cho phép việc áp dụng quyết định hành chính dẫn tới vi phạm những quy định của hai luật này.
Trong pháp luật có nguyên tắc "Sự bất công đối với một người là sự đe dọa đối với tất cả mọi người". Có thể hiểu rằng cách hành xử của quan chức Bình Dương đối với một DN như trường hợp thanh - kiểm tra thiếu nguyên cớ đối với nông trại kể trên chính là sự đe dọa trực tiếp đối với tất cả DN khác đang hoạt động trong tỉnh, vì nếu cần quy hoạch thì chính quyền có thể sẵn sàng đuổi DN này đi để cấp phép cho DN khác mà không cần có bất cứ lý do gì. Làm như vậy, liệu môi trường kinh doanh năm 2020 của Bình Dương có được cải thiện và các nhà đầu tư có tiếp tục đua nhau về đây làm ăn hay không?
Chữ tín là cơ sở để tạo lập niềm tin của DN vào chính quyền. Nếu chính quyền ngang nhiên vứt bỏ chữ tín thì khó mà DN còn đủ niềm tin và sự an toàn để toàn tâm đầu tư, kinh doanh!
TS LÊ ĐĂNG DOANH
Bình luận (0)