Dẫn báo cáo kết quả khảo sát thực trạng thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực Đông Nam Á do Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) thực hiện mới đây, ông Lê Thanh Tâm, Tổng Giám đốc IDG Việt Nam và ASEAN, cho biết tỉ lệ thanh toán bằng tiền mặt ở Việt Nam dù đã giảm nhiều hơn trước nhưng vẫn còn khá cao, chiếm 79%, chỉ khoảng 21% là không dùng tiền mặt.
Trong đó, thanh toán qua ví điện tử tăng mạnh và chiếm tỉ lệ khá cao trong tổng thanh toán không dùng tiền mặt với 28,4%, thanh toán qua thẻ các loại 38% và thanh toán qua kênh di động Mobile Banking khoảng 30%...
Thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng nhiều trong kênh bán lẻ hiện đại Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), số người có tài khoản NH hiện nay là 45,8 triệu/92,6 triệu dân, chiếm 63% dân số. Tổng lượng giao dịch 6 tháng đầu năm 2019 qua kênh internet đạt 204,22 triệu lượt, tăng 60,64% so với cùng kỳ; tổng lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 169,86 triệu lượt, tăng 109,48% so với cùng kỳ.
Cùng với hệ thống NH thương mại, Việt Nam hiện có khoảng 32 tổ chức không phải NH được cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, phần lớn là ví điện tử, cổng thanh toán điện tử, hỗ trợ thu - chi hộ…
Ông Neil Van Heerden, Giám đốc chiến lược kinh doanh quốc tế của TrueMoney (doanh nghiệp đang dẫn đầu thị trường ví điện tử Thái Lan), nhìn nhận thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam thời điểm này đang có những lợi thế để phát triển mạnh mẽ, nhờ cơ cấu dân số trẻ, nền kinh tế tăng trưởng nhanh và tầng lớp trung lưu ngày một tăng.
"Sự bùng nổ về thương mại điện tử và sự xuất hiện của các công ty dịch vụ công nghệ ngày càng nhiều, đóng vai trò đòn bẩy trong việc phát triển các giải pháp thanh toán không tiền mặt. Thị trường thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Sự cạnh tranh của các công ty công nghệ tài chính cũng sẽ đem lại nhiều hơn những lợi ích và giá trị cho người dùng" - ông Neil Van Heerden nhận định.
Ông Nguyễn Bá Diệp - Phó Chủ tịch, đồng sáng lập ví MoMo - cho rằng thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên phổ biến ở các TP lớn như Hà Nội, TP HCM. Nhiều người dự báo trong 5 năm nữa, tỉ lệ người dân sử dụng các kênh thanh toán không tiền mặt sẽ tăng mạnh.
Dù vậy, theo các chuyên gia, tỉ lệ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trên tổng mức bán lẻ vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực. Một phần do hệ thống hạ tầng kỹ thuật tài chính chủ yếu tập trung tại các trung tâm, TP lớn và chưa vươn đến vùng sâu, vùng xa. Các công ty fintech nhiều nhưng chỉ tập trung vào thanh toán tiêu dùng, chứ chưa phủ khắp các loại hình thanh toán, dịch vụ cao cấp khác…
Chuyên gia tài chính, TS Huỳnh Trung Minh cho rằng trong lĩnh vực thương mại điện tử, phần lớn các giao dịch đều tiến hành trên mạng nhưng khâu thanh toán cuối cùng vẫn là "trả tiền mặt khi nhận hàng". Niềm tin của người dùng vào chất lượng dịch vụ, sản phẩm của nhà cung cấp là rào cản lớn nhất trong thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở lĩnh vực này, chứ không hẳn là thiếu phương tiện thanh toán.
"Mua sắm qua các ứng dụng (app) di động ngày càng phổ biến nhưng chỉ khi nào người dùng yên tâm về chất lượng sản phẩm, dịch vụ của nhà cung cấp, thanh toán trực tuyến trong lĩnh vực thương mại điện tử mới bùng nổ" - TS Huỳnh Trung Minh nhận xét.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Bá Diệp, thanh toán không dùng tiền mặt hiện vẫn phải có tài khoản NH (ngay cả ví điện tử muốn sử dụng cũng phải liên kết và nạp tiền từ tài khoản thanh toán ở NH chuyển qua - PV). Tuy nhiên, thống kê hiện chỉ khoảng 30% dân số Việt Nam có tài khoản NH, trong khi đó 70% dân số vẫn tập trung tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, không có điều kiện tiếp cận với dịch vụ NH. Đây là bài toán khó cho cả NH thương mại và công ty fintech.
An toàn và bảo mật phải ưu tiên
Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), cho rằng một trong những vấn đề cần lưu ý khi triển khai các kênh thanh toán không dùng tiền mặt là yếu tố an toàn và bảo mật phải đặt lên hàng đầu, an toàn mới giữ được khách hàng.
Trên thực tế, đại diện một số NH thương mại nhìn nhận hành lang pháp lý đang đi sau sự phát triển của ngành tài chính NH, những quy định về eKYC (định danh điện tử khách hàng), các chuẩn chung kết nối kỹ thuật hay các đầu mối quản lý hiện còn chồng chéo... Do đó, cần quy hoạch lại hệ thống thanh toán tập trung, đồng bộ và có một chính sách đủ độ mở nhằm thúc đẩy thanh toán không tiền mặt phát triển.
Bình luận (0)