Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính về việc thay đổi cách xác định thuế nhập khẩu trong giá cơ sở điều hành giá bán lẻ xăng dầu. Theo đó, khi xác định giá cơ sở điều hành xăng dầu, thuế suất nhập khẩu của quý này được tính là bình quân gia quyền của các mức thuế trong quý trước, bao gồm: thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) và biểu thuế của các hiệp định thương mại tự do.
Quỹ bình ổn giá đủ bù chênh lệch
Trước khi đưa ra đề xuất nêu trên và được Thủ tướng đồng ý, Bộ Tài chính đã quyết định áp mức thuế nhập khẩu đối với mặt hàng dầu là 7%. Mức thuế này được giải thích là nhằm bảo đảm hài hòa thuế suất giữa các thị trường nhập khẩu.
Tuy nhiên, chỉ một ngày sau, đề xuất thuế nhập khẩu tính trong công thức giá cơ sở là bình quân gia quyền của các mức thuế đã được thông qua. “Như vậy, thuế được tính theo số lượng nhập thực tế, có cập nhật thị trường dựa trên số liệu hải quan công bố. Nếu tính theo bình quân gia quyền các mức thuế thì có thể thuế được tính cho các mặt hàng dầu sẽ thấp hơn 5% bởi số lượng nhập từ ASEAN với thuế suất 0% là rất lớn” - một đầu mối xăng dầu giải thích.
Theo tính toán của đầu mối này, nếu áp thuế 7% đối với dầu diesel thì chênh lệch giá mặt hàng này đang là 1.300 đồng/lít, giảm được 200 đồng so với công thức giá chưa sửa đổi trước đây. Còn với công thức giá tính theo bình quân thuế nhập khẩu thực tế, giá cơ sở có khả năng sẽ giảm hơn nữa, có thể chỉ còn 900 đồng/lít.
“Tuy nhiên, việc điều hành giá thực tế phụ thuộc vào quyết định của liên bộ Tài chính và Công Thương bởi các cơ quan này mới nắm số liệu nhập khẩu chính xác từ phía hải quan của các DN xăng dầu. Hơn nữa, tuy quỹ bình ổn giá còn nhưng vẫn chưa biết nhà nước có cho phép xả quỹ thay vì tăng giá không” - đại diện đầu mối nói trên băn khoăn.
Vị đại diện này cho rằng mức chi từ quỹ bình ổn giá cho dầu diesel đang là 983 đồng/lít, dầu hỏa 995 đồng/lít. Do đó, chỉ cần giữ nguyên mức xả quỹ là có thể tận dụng được lợi thế từ giảm thuế để tránh tăng giá xăng dầu.
Doanh nghiệp giảm lợi, người dân bớt thiệt
Trong khi mặt hàng xăng chưa được điều chỉnh giá cơ sở bởi thực tế phần chênh lệch thuế 10% từ thị trường Hàn Quốc chưa có nhiều DN được hưởng thì các mặt hàng dầu có sự thay đổi rõ rệt. Tức là, giá cơ sở các mặt hàng dầu sẽ giảm đáng kể từ khi áp dụng cách tính thuế mới.
Tác dụng trước mắt là người dân sẽ không còn phải bỏ tiền túi ra để trả phần chênh lệch thuế - mà thực tế là phần này biến thành lợi nhuận của DN chứ không vào ngân sách nhà nước. Đồng thời, về phía DN, tất yếu phần lợi nhuận tăng thêm do kẽ hở chính sách sẽ giảm đi.
Theo các chuyên gia kinh tế, quyết định của Bộ Tài chính sẽ giúp siết chặt kỷ cương quản lý thuế nhằm tránh thất thu cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, việc cập nhật thuế để áp dụng vào công thức tính giá theo sản lượng thực tế sẽ giúp cho giá xăng dầu bám sát hơn vào thị trường. Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng mà nhà nước đã đề ra từ trước đến nay. Hơn nữa, nó cũng giúp cho các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã nỗ lực ký kết có thể mang lại lợi ích thực tế cho người tiêu dùng.
Mặt khác, giới chuyên gia cũng lưu ý cơ quan quản lý nhà nước cần quyết liệt trong việc truy thu các khoản thuế mà DN trước đây đã nghiễm nhiên hưởng lợi và có phương án đền bù hợp lý cho người tiêu dùng. “Có thể bổ sung phần này vào quỹ bình ổn giá xăng dầu để góp phần ổn định giá xăng trong những thời điểm biến động” - chuyên gia Ngô Trí Long nói.
Cần làm rõ đúng - sai
Các chuyên gia đề xuất cần làm rõ việc DN báo cáo phần chênh lệch thuế vào lợi nhuận như trước nay vẫn làm có sai về nguyên tắc tài chính không. Nếu sai thì cần kiên quyết chấn chỉnh và có thanh tra để truy thu phần hưởng lợi chưa đúng.
Bình luận (0)