xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thất thoát đất "vàng" ở Khánh Hòa (*): Gian nan xử lý hậu quả

Bài và ảnh: KỲ NAM

Với hàng loạt sai phạm, thiếu sót trong quản lý đất đai tại tỉnh Khánh Hòa, việc thu hồi tài sản thất thoát, xử lý cán bộ vi phạm hậu thanh tra, kiểm tra hết sức khó khăn

Cuối năm 2020, đoàn Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật liên quan đến các dự án BT (xây dựng - chuyển giao) sử dụng quỹ đất thanh toán tại khu vực sân bay Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Đến nay, kết quả thanh tra này vẫn chưa được công bố.

Dự án "đứng bánh", nhà đầu tư ngậm ngùi

Đây là dự án mà Báo Người Lao Động đã thông tin, từ tháng 10-2016, UBND tỉnh Khánh Hòa ký quyết định thu hồi 62,3 ha đất tại khu vực sân bay Nha Trang giao, thuê đất đối với Công ty Phúc Sơn để thực hiện dự án Khu trung tâm đô thị - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang (một phần diện tích sân bay Nha Trang cũ) gồm phân khu 2A, 2 và 3. Tuy nhiên đến năm 2017, UBND tỉnh mới ủy quyền cho các ban quản lý dự án của tỉnh ký hợp đồng BT 3 dự án giao thông với Công ty Phúc Sơn gồm: nút giao thông Ngọc Hội; đường vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội; các tuyến đường, các nút giao thông kết nối với khu sân bay Nha Trang. Tháng 2-2018, sau khi điều chỉnh bổ sung, 3 hợp đồng BT với tổng giá trị tạm tính khoảng 3.562 tỉ đồng. Cả 3 dự án BT đều không qua đấu giá mà được chỉ định thầu là Công ty Phúc Sơn.

Theo Công ty Phúc Sơn, tiến độ các dự án BT đang chậm trễ vì cơ quan chức năng chưa giải phóng và bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư. Trong khi đó, kinh phí doanh nghiệp (DN) ứng ra 100% để thực hiện. Khối lượng thi công của các dự án BT này vẫn chưa được UBND tỉnh quyết toán.

Một dự án khác cũng lấy đất "vàng" là BT Đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) Khánh Hòa, nằm ở số 70 đường biển Trần Phú với diện tích khoảng 8.000 m2 cũng đang bế tắc lối ra. Theo đó, ngày 7-2-2018, tỉnh Khánh Hòa đã ký hợp đồng BT với Công ty TNHH Phương Đông Nha Trang để làm 2 dự án là trụ ăng-ten của Đài PT-TH Khánh Hòa tại xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang với giá trị hợp đồng khoảng 75 tỉ đồng và trụ sở làm việc Đài PT-TH Khánh Hòa tại khu đô thị An Bình Tân, phường Phước Long, TP Nha Trang với giá trị hợp đồng khoảng 123 tỉ đồng. Đến nay, chủ đầu tư đã hoàn thành 2 công trình này để đưa vào sử dụng với tổng chi phí phát sinh hơn 200 tỉ đồng nhưng chưa được thanh toán, trong khi trụ sở của Đài PT-TH Khánh Hòa đang bỏ trống.

Ngoài ra, dự án BT Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Công nghệ Nha Trang hoàn vốn bằng 27.300 m2 từ trụ sở cũ của trường nằm mặt tiền đường biển (số 32 Trần Phú, phường Vĩnh Nguyên) từ năm 2014 cũng đã được UBND tỉnh Khánh Hòa ký hợp đồng BT với Công ty CP Vinaminco Khánh Hòa. Dù chưa được giao đất nhưng chủ đầu tư đang hoàn thành thủ tục để làm dự án Sunshine Marina Nha Trang. Hay với dự án BT Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa ở vị trí trung tâm TP Nha Trang với diện tích gần 5.000 m2 cũng được ký hợp đồng BT giá trị khoảng 104 tỉ đồng để hoàn vốn cho Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng khi xây dựng trụ sở mới ở xã Vĩnh Ngọc. Dự án này đến nay cũng "đứng bánh" dù chủ đầu tư cơ bản đã hoàn thành công trình.

Thất thoát đất vàng ở Khánh Hòa (*): Gian nan xử lý hậu quả - Ảnh 1.

Khu vực sân bay Nha Trang cũ đã được UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho Công ty Phúc Sơn làm cơ sở hạ tầng

Phải đợi Chính phủ

Liên quan đến việc xử lý những dự án bị thanh tra, kiểm tra; dự án BT có dấu hiệu sai phạm đã bị Công an tỉnh Khánh Hòa khởi tố, phóng viên Báo Người Lao Động đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa thông tin nhưng chưa được trả lời.

Trong khi đó, về hướng giải quyết vướng mắc liên quan đến nội dung thanh toán 3 hợp đồng BT với Công ty Phúc Sơn, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết trong thời gian chờ kết luận chính thức của Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành các trình tự thủ tục hoàn thiện việc xác định giá trị tiền sử dụng đất tại 2 thời điểm tháng 10-2016 (thời điểm giao đất) và tháng 11-2017 (thời điểm ký hợp đồng BT). Trường hợp cần thiết, sở này sẽ mời thêm một số đơn vị tư vấn độc lập tham gia.

"Sau khi có kết luận chính thức của Thanh tra Chính phủ, hội đồng thẩm định giá đất tỉnh sẽ kiểm tra, thẩm định theo đúng quy định của pháp luật, tham mưu nội dung để UBND tỉnh báo cáo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đồng thời xin ý kiến Ủy ban Kiểm tra trung ương, một số bộ, ngành trung ương trước khi phê duyệt giá đất chính thức, làm cơ sở thanh toán cho nhà đầu tư theo quy định pháp luật" - văn bản thông báo của UBND tỉnh cho biết.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết liên quan tới những dự án BT trước đây, hiện tỉnh phải báo cáo cụ thể với Thủ tướng Chính phủ để xem xét giải quyết. Những khu đất công sẽ đấu giá, số tiền thu được sẽ trả cho các công trình BT và cả lãi suất cho DN đầu tư.

Theo ông Phạm Văn Chi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, việc xử lý các dự án theo kết luận thanh tra cũng như các dự án BT vẫn đang trong quá trình điều tra, làm rõ sai phạm… gây rất nhiều khó khăn cho phát triển kinh tế của tỉnh cũng như DN. "Sai thì sửa nhưng phải sửa từ từ. Có nghĩa là để DN có thời gian khắc phục vừa có thời gian phát triển. Sống là nhờ ngân sách mà ngân sách cơ bản là do các DN đóng góp. Nếu sửa mà tiêu diệt hết DN thì đó không phải là sửa sai mà thêm sai. Các DN khởi nghiệp nếu thấy vậy sẽ không dám khởi nghiệp nữa. Với khó khăn này, đòi hỏi chính quyền làm từng bước, khéo léo để giải quyết. Có thể định giá các dự án để thu lại ngân sách thất thoát, đồng thời kéo dài thời gian chi trả cho các DN để tạo điều kiện phát triển" - ông Chi nêu quan điểm.

Ông Chi cho rằng hậu quả của những sai phạm này kéo dài không dưới 10 năm vì công tác thu hồi, khắc phục sẽ rất khó khăn để thỏa mãn quyền lợi giữa nhà đầu tư với nhà nước. Các vị trí lãnh đạo tỉnh trong thời gian tới sẽ lấy đó làm gương, không dám quyết những vấn đề mới để thực hiện việc phát triển kinh tế địa phương.

Gỡ khó dự án ngoài ngân sách

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, đến tháng 12-2020, trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 581 dự án đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách, trong đó có 109 dự án do nước ngoài đầu tư. Qua rà soát, sở nhận thấy các dự án còn nhiều vướng mắc, nổi cộm là một số khu vực chưa có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu hoặc đã có các quy hoạch này nhưng không còn phù hợp. Việc cập nhật, điều chỉnh các quy hoạch (sử dụng đất, xây dựng, quy hoạch ngành, lĩnh vực...) chưa đồng bộ, thống nhất dẫn đến tình trạng nhiều dự án phù hợp với quy hoạch sử dụng đất nhưng không phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành, lĩnh vực.

Do đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và cơ quan liên quan nhanh chóng giải quyết, tháo gỡ theo từng nhóm dự án. Với nhóm dự án bị trung ương thanh tra, các sở, ngành khẩn trương xử lý, khắc phục tồn tại, thiếu sót và hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục theo quy định hiện hành để sớm tiếp tục triển khai đầu tư, xây dựng, đưa dự án vào hoạt động.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-4

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo