Đến ngày 10-11, phần lớn ngân hàng thương mại đã công bố kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm 2023 với những con số đáng chú ý.
Báo cáo cập nhật ngành ngân hàng tổng hợp kết quả kinh doanh từ 12 ngân hàng thương mại niêm yết của Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho thấy 4/10 ngân hàng trong danh mục theo dõi có lợi nhuận thấp hơn kỳ vọng.
Những ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế cao trong quý III như Vietcombank 9.051 tỉ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ, MB Bank 7.284 tỉ đồng (+15,7%), ACB 5.035 tỉ đồng (+12,5%), VietinBank 4.871 tỉ đồng (+17,2%), Sacombank 2.085 tỉ đồng (+36,1%)…
Phần lớn ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý III
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy đến hết tháng 10-2023, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng khoảng 7%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 11% cùng kỳ năm trước nhưng đã có sự cải thiện từ cuối tháng 8 đến nay.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Chuyên gia Khối Phân tích VNDIRECT, cho biết có xu hướng tăng trưởng khác nhau giữa các ngân hàng quốc doanh và ngân hàng cổ phần. Vietcombank, BIDV chỉ tăng trưởng tín dụng trong quý III lần lượt 1% và 1,4%, thấp hơn đáng kể mức tăng trưởng trung bình 2,4% quý trước (tốp 25 ngân hàng niêm yết lớn nhất).
Tăng trưởng tín dụng yếu trong bối cảnh nhu cầu tín dụng yếu do nền kinh tế vẫn chưa thực sự hồi phục và khẩu vị rủi ro cho vay của các ngân hàng này thấp.
Đổi lại, một số ngân hàng cổ phần lại chứng kiến mức tăng trưởng tín dụng mạnh với trọng tâm là cho vay khách hàng doanh nghiệp, như VPBank tăng 6,4% so với quý trước, VIB tăng 4,6%, LPBank tăng 4%…
Nguồn NHTM, VNDIRECT
Một thông tin đáng chú ý, theo các chuyên gia, là tỉ lệ nợ xấu (NPL) của tốp 25 ngân hàng niêm yết lớn nhất tiếp tục duy trì xu hướng tăng lên 2,24% tại cuối quý III/2023, mức cao nhất kể từ năm 2017.
Trong bối cảnh hoạt động kinh tế còn đang khó khăn, chi phí dự phòng sẽ tiếp tục bào mòn lợi nhuận của các ngân hàng trong những quý tới.
Đổi lại, có một tín hiệu tích cực khi tổng % nợ nhóm 2 giảm đã xuống còn 2,3% vào cuối quý III/2023 so với 2,5% vào cuối quý trước cho thấy sự hình thành nợ xấu đang chậm lại…
Đồng tình với quan điểm này, ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối phân tích - Công ty chứng khoán Maybank, nhận định bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng nếu nhìn khách quan đã có điểm sáng khi bộ đệm dự phòng rủi ro tín dụng của các ngân hàng đến quý III và dự kiến đến hết năm nay vẫn tốt.
Khả năng sinh lời ở mức hợp lý, chỉ một vài ngân hàng gặp áp lực trích lập dự phòng nhiều hơn khiến khả năng sinh lời bị suy giảm.
"Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chậm, biên lãi ròng (NIM) suy giảm, mức tăng lợi nhuận như quý III vừa qua của các ngân hàng là hợp lý. Một thông tin đáng chú ý là dù tỉ lệ nợ xấu có tăng lên nhưng nếu so với các nước trong khu vực vẫn thấp hơn và tốc độ tăng nợ xấu đang chậm lại" - ông Quản Trọng Thành nhìn nhận.
Trao đổi với PV Báo Người Lao Động, TS Nguyễn Hữu Huân, Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng nhìn vào kết quả kinh doanh của các ngân hàng sẽ thấy thu nhập từ lãi và ngoài lãi đều giảm.
Thu nhập từ lãi giảm do tín dụng tăng trưởng thấp. Thu nhập ngoài lãi như từ phát hành trái phiếu, bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng vốn chiếm tỉ trọng khá lớn trong các ngân hàng nhưng năm nay, cả 2 kênh này đều bị tắc và không có doanh thu.
Có ngân hàng sụt giảm doanh thu từ trái phiếu và bán bảo hiểm tới 80-90%, ảnh hưởng tới bức tranh lợi nhuận.
Bình luận (0)