Theo quyết định mới của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 25-5, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ 6% xuống 5,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ 5,5% xuống 5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm.
Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5% xuống 5%/năm, lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VNĐ tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô cũng giảm từ mức 6% xuống 5,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Như vậy, trong vòng 3 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước đã có 3 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng.
Lãi suất huy động giảm nhanh thời gian qua
Trao đổi với Báo Người Lao Động sáng 24-5, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, đánh giá động thái giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ một phần chi phí vay vốn của người dân và doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn hiện nay. Đồng thời kích thích nhu cầu tín dụng, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khách hàng cá nhân, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, cũng nhận định ở góc độ vĩ mô việc giảm lãi suất là động lực để khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vay vốn trở lại. Bởi thời gian qua, lãi suất cho vay còn ở mức cao và kinh tế khó khăn khiến cầu tín dụng chậm lại.
Chính sách của nhà nước vừa nới lỏng tiền tệ qua giảm lãi suất điều hành vừa nới lỏng tài khóa với giảm thuế GTGT… sẽ góp phần hỗ trợ kinh tế phục hồi. Dù vậy, để các chính sách lan tỏa và tác động đến nền kinh tế phải chờ đến quý 3 vì cần độ trễ nhất định.
"Thực tế, trong 2 lần giảm lãi suất trước đó đều đem lại kỳ vọng nhưng chưa tạo ra cú hích trong bối cảnh thị trường quốc tế và trong nước đều khó. Lần này, lãi suất điều hành giảm thị trường chờ đợi lãi suất cho vay sẽ giảm nhanh hơn, góp phần giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp, nhất là những lĩnh vực sử dụng đòn bẩy tài chính cao như bất động sản" – ông Nguyễn Thế Minh nói.
Bình luận (0)