Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước thu hồi Giấy phép hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần số 140/GP-NHNN ngày 23-7-2012 đã cấp cho MHB. Giấy phép số 140/GP-NHNN này hết hiệu lực thi hành.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu BIDV có trách nhiệm tiếp nhận toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của MHB. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày quyết định này có hiệu lực thi hành (ngày 5-5), BIDV phải hoàn tất các thủ tục về đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; bố cáo sáp nhập theo quy định của pháp luật; thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
MHB có trách nhiệm bàn giao toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp cho BIDV.
Cũng trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành, MHB hoàn trả bản gốc Giấy phép hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần số 140/GP-NHNN ngày 23-7-2012 do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cấp; thực hiện hoạt động xóa tên MHB trong sổ đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; bố cáo sáp nhập, bố cáo chấm dứt hoạt động và việc giải quyết các quyền và nghĩa vụ có liên quan theo quy định của pháp luật; và thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Trước đó, vào giữa tháng 4-2015, đại hội đồng cổ đông của BIDV và MHB đều đã thông qua phương án sáp nhập hai ngân hàng. Theo đó, BIDV phát hành 336,9 triệu cổ phiếu (khoảng 3.369 tỉ đồng) để hoán đổi với cổ phiếu của Ngân hàng MHB theo tỉ lệ 1:1.
Đây được xem là thương vụ sáp nhập ngân hàng nhanh nhất từ trước đến nay. Theo lý giải của ông Trần Đắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV, sở dĩ quá trình sáp nhập diễn ra mau lẹ là do cả hai đều là ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, có tỉ lệ sở hữu vốn nhà nước lên tới 90%, nên khi sáp nhập không ảnh hưởng tới cổ đông lớn. Riêng cổ đông nhỏ, việc sáp nhập sẽ giúp cổ phiếu của họ lên giá đáng kể.
Tại kỳ họp đại hội đồng cổ đông của BIDV hôm 17-4, ông Trần Đắc Hà cho biết thương vụ sáp nhập này hoàn toàn tự nguyện, xuất phát từ nhu cầu thực tế của hai ngân hàng. BIDV đang cần phát triển mạng lưới đến các vùng nông thôn và các tỉnh thành khác, trong khi MHB đang có nhu cầu nâng cao năng lực tài chính. Nếu không sáp nhập, BIDV phải mất đến 7 năm mới có thể phát triển được mạng lưới như của MHB ngày hôm nay.
Được biết, BIDV là một trong 4 ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam, tổng tài sản tính đến hết năm 2014 đạt 650.340 tỉ đồng (tăng 18,6%) so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt tới 6.297 tỉ đồng, tăng 19% so với năm 2013. Trong năm 2015, BIDV đặt kế hoạch lợi nhuận lên tới 7.500 tỉ đồng.
Trong khi đó, MHB cũng được đánh giá là một ngân hàng có “sức khỏe” tài chính khá lành mạnh. Năm 2014, tổng tài sản ngân hàng năm 2014 tăng 17,4% so với 2013, đạt trên 45.000 tỉ đồng. vốn huy động tăng 14,4%, đạt trên 37.000 tỉ đồng; tăng trưởng tín dụng đạt 13,8%, tổng dư nợ trên 30.605 tỉ đồng. Tỉ lệ nợ xấu thấp, chỉ có 2,72% tổng dư nợ. Lợi nhuận trước thuế của MHB đạt 162 tỉ đồng, tăng 14% so với năm trước.
Bình luận (0)