Theo Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu sắt thép của cả nước đạt 2,53 triệu tấn, thu về 1,45 tỉ USD (tăng 36,8% về lượng và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái).
Vướng rào cản thương mại
9 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu sắt thép sang Indonesia tăng 13,3% về lượng nhưng giảm 7,91% về kim ngạch; xuất khẩu sang Campuchia giảm 17,7% về lượng và 31,56% về kim ngạch; sang Lào giảm 20,68% về lượng và 37,45% về kim ngạch… Tại Thái Lan, sắt thép Việt Nam giảm đến 38,8% về lượng và 47,13% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái và có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới do bị áp thuế chống bán phá giá. Bộ Công Thương xác nhận Việt Nam xuất khẩu thép sang ASEAN giảm đến 27,7%, cao nhất trong các ngành có kim ngạch sụt giảm.
Thép Việt đang bị cạnh tranh gay gắt cả trong và ngoài nước Ảnh: TẤN THẠNH
Ngành thép đang thừa khoảng 40% công suất. Trong khi đó, nhiều nhà máy thép lại mở rộng quy mô, nâng công suất và sắp tới, một số dự án mới đi vào hoạt động sẽ khiến tình trạng dư thừa nguồn cung thêm trầm trọng.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), ASEAN vẫn là thị trường xuất khẩu chính của các doanh nghiệp (DN) thép trong nước. Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu thép sang các thị trường khác tăng trưởng khá, bù đắp phần sụt giảm ở thị trường khu vực. Tuy nhiên, nếu xuất khẩu sang ASEAN sụt giảm kéo dài sẽ gây khó khăn lớn cho DN thép trong nước.
Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch VSA, nhận định song song với những điều khoản mở cửa thị trường theo các hiệp định thương mại, các quốc gia dựng lên nhiều rào cản thương mại phi thuế quan để hạn chế nhập khẩu, bảo vệ sản xuất nội địa. Các nước Đông Nam Á cũng đã làm như vậy. Thái Lan, Malaysia, Indonesia… đã áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép Việt Nam.
Trong đó, Cục Ngoại thương (DFT) - Bộ Công Thương Thái Lan vừa quyết định áp thuế chống bán phá giá 310,74% đối với sản phẩm ống thép không gỉ nhập khẩu từ Việt Nam. Cơ quan này cũng dự kiến áp thuế chống bán phá giá 7,94% - 40,49% đối với sản phẩm tôn lạnh của Việt Nam.
Chủ tịch một công ty thép lớn trên địa bàn TP HCM cho biết đang xuất khẩu sản phẩm sang Lào, Campuchia, Philippines, Indonesia… nhưng những thị trường này không ổn định do bị cạnh tranh gay gắt bởi thép Trung Quốc. Hiện nguồn cung thép từ Trung Quốc đổ vào ASEAN rất lớn dẫn đến áp lực cạnh tranh cao, DN Việt Nam không “đua” được về giá.
Bên cạnh đó, ngoài tăng cường sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại như áp thuế chống bán phá giá, thuế phòng vệ thương mại, nhiều nước ASEAN còn dựng rào cản liên quan đến hành chính, thủ tục xuất nhập khẩu phức tạp hơn, kéo dài thời gian xem xét hồ sơ, đòi hỏi thêm nhiều chứng nhận liên quan… gây khó khăn cho DN xuất khẩu.
Chôn vốn vì khó hoàn thuế
Một nguyên nhân khác khiến nhiều DN giảm xuất khẩu sang các nước láng giềng là gặp khó khăn về vốn do thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng kéo dài. Đặc thù ngành thép là hàng hóa có giá trị lớn, biên lợi nhuận chỉ từ 2% - 3%. Trong khi lợi nhuận thấp, nhiều DN còn bị “tạm giữ” 7% - 8% vốn do chờ hoàn thuế giá trị gia tăng.
Nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được giải quyết, mới đây, ông Đinh Công Khương Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thép Khương Mai, có văn bản kêu cứu đến UBND TP HCM vì tiền hoàn thuế bị ngâm quá lâu. Theo văn bản này, gần 7 tỉ đồng tiền hoàn thuế của công ty từ tháng 10-2011 đến nay vẫn chưa được giải quyết dù đã qua nhiều lần làm việc với cơ quan liên quan. “Cơ quan thuế yêu cầu công ty bổ sung nhiều loại chứng từ, kể cả xác nhận của hải quan các cửa khẩu, trong khi phía hải quan trả lời là không cần các chứng từ đó vì đã vận hành hệ thống điện tử, chỉ cần lên mạng kiểm tra là có đầy đủ thông tin” - ông Khương bức xúc.
Ông Khương cho biết nhiều năm qua, Campuchia là thị trường tiêu thụ sắt thép tiềm năng của các DN ở TP HCM. Kinh tế Campuchia thường xuyên tăng trưởng ở mức trên dưới 7%/năm, DN ở đây chuộng nhập khẩu sắt thép từ Việt Nam do giá phải chăng, vận chuyển thuận lợi. Thế nhưng, DN Việt gần đây dè dặt xuất khẩu thép sang thị trường này do hoàn thuế quá phức tạp, kéo dài dẫn đến thiếu vốn. Trước đây, mỗi năm, Công ty TNHH Thép Khương Mai xuất khoảng 3.000-4.000 tấn thép sang Campuchia nhưng hiện chỉ còn khoảng 30%.
Ngày càng đối mặt nhiều thách thức ở thị trường khu vực, các DN xuất khẩu thép tìm đến những thị trường khác. Tuy nhiên, việc chinh phục các thị trường khó tính như Canada, Mỹ... là không dễ bởi hàng loạt yêu cầu nghiêm ngặt của nước nhập khẩu về chất lượng, công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường…
Bình luận (0)